Kiến thức
Ta phải làm gì khi người thân vĩnh viễn ra đi?
Thứ ba, 16/06/2023 10:50
Theo tuệ giác Thế Tôn, chính sự luyến ái, thương yêu là cội nguồn của đau khổ. Tuy nhiên, những ai thiếu vắng thương yêu thì không thể là người. Vì thế, người con Phật vốn giàu lòng yêu thương nhưng phải vượt lên trên đau khổ bằng tuệ quán bởi niềm đau ấy không phải chỉ riêng mình.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Đông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà bị mệnh chung. Và Visàkhà với áo đẫm ướt, tóc đẫm ướt, vào lúc sáng sớm đi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà:
Này Visàkhà, bà từ đâu đến, với áo và tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái và dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con với áo và tóc đẫm ướt, đi đến đây vào sáng sớm như vậy.Này Visàkhà, bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi này là con và là cháu của bà không?
Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi này là con và là cháu của con.Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung (chết) hàng ngày?
Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Cho đến có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, ở Sàvatthi không có thoát được số người bị chết.
Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy bà có khi nào được khô vải và tóc bị ướt không?Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, số nhiều như vậy về con và về cháu.
Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có một trăm sự đau khổ. Cho đến những ai có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm và không có ưu não.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 8, phẩm Pàtaligàmiya [lược], Nxb TP.HCM ấn hành, 1999, tr.286)
Lời bàn:
Sống trên đời, mỗi người đều có những người thân thương như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Khi xảy ra những mất mát, chia ly ai cũng thương tiếc và khổ đau. Có lẽ niềm đau lớn nhất của con người là cuộc chia tay với những người rất thân yêu, vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.
Niềm đau ấy là thuộc tính, là thân phận của con người, không ai tránh khỏi. Có điều là đau khổ ấy nhiều hay ít, thưa thớt hay dồn dập và thái độ tiếp nhận, đối diện với thực tế phũ phàng giữa mỗi người khác biệt mà thôi.
Ôm chặt lấy niềm đau hay vượt lên trên đau khổ để tồn tại là một câu hỏi lớn. Có thể ai cũng biết cách lý giải nhưng không phải người nào cũng làm được. Vì rằng, mất đi một người thân thương nhất là mất tất cả, có khi mất luôn phương hướng và điểm tựa của một đời người. Nhưng trớ trêu và nghiệt ngã thay cho cuộc đời là người mất ra đi thì đã đành nhưng người còn sống thì vẫn ở lại. Ở lại để tiếc thương, để thấm thía và để cảm nhận sâu thẳm tột cùng thế thái, nhân tình.
Theo tuệ giác Thế Tôn, chính sự luyến ái, thương yêu là cội nguồn của đau khổ. Tuy nhiên, những ai thiếu vắng thương yêu thì không thể là người. Vì thế, người con Phật vốn giàu lòng yêu thương nhưng phải vượt lên trên đau khổ bằng tuệ quán bởi niềm đau ấy không phải chỉ riêng mình. Như bà Visàkha nhận thức được rằng niềm đau ấy không chỉ riêng mình mà bao trùm cả thành Sàvatthi.
Đức Phật dạy những ai không có người thân yêu, những người ấy không đau khổ không có nghĩa là gỗ đá, vô cảm, quay lưng với thân nhân và cuộc đời mà chính là vượt lên tình chấp thương yêu vị kỷ, siêu việt cái tôi luyến ái cá nhân. Vì thế, người con Phật phải biết chấp nhận quy luật vô thường nghiệt ngã của cuộc đời để vượt lên niềm đau của tình cảm cá nhân, an trú trong hiện tại.