Sách Phật giáo

Tác giả Nguyễn Hiếu Trung - một hành giả trên lộ trình tìm về chân lý

Thứ bảy, 26/11/2023 11:21

Đọc xuyên suốt gần 60 bài viết của tác giả Nguyễn Hiếu Trung trong cuốn "Nương theo đuốc Huệ tầm Chơn lý" ta có thể cảm nhận được tác giả đã khái quát hóa những chặn đường của một hành giả trên lộ trình tìm về chân lý.

Audio

Tựa như Thập Mục Ngưu Đồ của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn, ở đây tác giả Nguyễn Hiếu Trung tuy không cố ý sắp xếp trình tự của các bài viết theo một logic nhất định, nhưng bàng bạc trong các chi tiết, hình ảnh, ý tưởng,... mà ông thể hiện cũng ẩn chứa nội dung dẫn dắt người đọc trực nhận chân lý.

Ông dẫn dắt người đọc đi từ Đông sang Tây với các dụ ngôn, ẩn ngữ của Khổng tử, Lão Tử, Nguyễn Du sang triết học về Đạo của Martin Heidegger hay Leopold Cadière…

'Nương theo đuốc Huệ tầm Chơn lý' - cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Trung, sách do Nxb Hồng Đức ấn hành

"Nương theo đuốc Huệ tầm Chơn lý" - cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Trung, sách do Nxb Hồng Đức ấn hành

Ông đã đi dọc hành lang văn hóa của thế giới để góp nhặt những ý tưởng, lời dạy hay dụ ngôn, ẩn ngữ,… của các nhà Đạo học, Triết học nhằm minh họa cho những chân lý tiềm tàng trong cuộc sống. Giảng giải chân lý là điều khó khăn, nhưng tác giả đã không ngại khó, dấn thân vào rừng rậm ngôn từ để nói lên điều “bất khả thuyết”, là một công phu hiếm có.

Nhưng kiến thức uyên bác của tác giả về văn hóa Đông-Tây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bên dưới, mà giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo chính là nền tảng của mọi ý tưởng mà ông dẫn dắt độc giả.

Có thể nói hầu hết các kết luận của tác giả trong các bài viết đều dẫn về lời dạy của đức Thầy trong sáu bộ sấm truyền. Dù mượn ý tưởng của Trang Tử hay Đạt Lai Lạt Ma hay Bát Nhã Tâm Kinh thì lời dạy của đức Thầy vẫn xuất hiện trong phần kết luận như là một đúc kết cho chân lý mà ông đã trình bày.

Có thể nói tác giả đã làm công việc hoằng pháp một cách hết sức khéo léo và tế nhị, dẫn dắt người đọc từ cái mà họ đang có, đang hiểu, đang sở hữu đến cái mà họ cần phải đạt đến trong lộ trình giải thoát. Công việc này đòi hỏi người viết phải có một chữ “Tâm” rộng lớn và chữ “Tầm”  xuyên suốt!

Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất nơi tập sách là những chuyện đời thường mà tác giả đã trải nghiệm, được ông trình bày lại như một nhân chứng sống, rồi như một lực sĩ cử tạ, ông nâng những mẫu chuyện đời thường đó thành một triết lý sống, rồi cao hơn nữa, ông biến hóa chuyện đời thành chuyện Đạo...

Tác giả Nguyễn Hiếu Trung và con trai - ThS Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Tác giả Nguyễn Hiếu Trung và con trai - ThS Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Tác giả đã làm một chuyện mà Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Đạo khả đạo phi thường Đạo” (Đạo mà có thể giảng giải được thì không phải là Đạo). Ở đây tác giả vì ngộ được chân lý vô vi nên phải vay mượn những chuyện thời tiết của Xuân, Hạ, Thu, Đông để qua đó nói lên Đạo hàm chứa bên trong những cái bình thường nhất!

Chính vì thế mà trước khi viên tịch, đức Phật không nói chuyện gì cao xa, Ngài không nói Niết Bàn, không nói Tịnh Độ, không nói về vui sướng ở các tầng Trời nữa. Trong đêm cuối cùng của cuộc đời thì Ngài chỉ nói về Giới hạnh của các Tỳ kheo (Phật Di giáo kinh), tức là những chuyện đời thường mà các đệ tử cần phải làm hoặc không nên làm  để có cuộc sống an lành trong hiện tại.

Khi đọc những chuyện đời thường của Nguyễn Hiếu Trung trong tập sách này, tôi lại liên tưởng đến Phật Di giáo kinh mà tôi rất yêu thích khi mới vào chùa.

loading...