Kiến thức

Tai hại ngũ dục

Thứ ba, 27/07/2021 10:31

Đức Phật thường nhắc nhở tất cả mọi người phải biết sự tác hại của ngũ dục, không nên tham cầu quá đáng.

Người Phật tử phải biết tiết chế sự ham muốn, Phật dạy rằng muốn ít biết đủ sẽ giúp mỗi người hạnh phúc hơn...

Người Phật tử phải biết tiết chế sự ham muốn, Phật dạy rằng muốn ít biết đủ sẽ giúp mỗi người hạnh phúc hơn...

Ngũ dục còn hơn mũi tên độc

Một hôm đức Phật kêu các thầy Tỳ Kheo nói:

- Ví như trên núi tuyết, chỗ đất bằng người thú qua lại. Có kẻ lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Một vài con khỉ vì tham ăn, rời khỏi đàn tìm đến bên thức ăn lấy tay bốc. Ngờ đâu tay vừa bám vào liền bị nhựa dính cứng! Chú khỉ bèn lấy tay kia gỡ ra, thương thay! Lại dính luôn một tay nữa. Chú khỉ lại lấy chân mặt quào ra, và một chân nữa lại dính luôn vào nhựa. Tiếp theo chân trái đồng dính cứng cả. Khổ thay! Chú khỉ chỉ còn cái mồm, chú hy vọng dùng mồm để cạp may ra thoát khỏi. Nhưng than ôi! Nhựa cây kia cũng không chừa lại. thế là hai tay, hai chân và cái mồm chú khỉ dính cứng vào nhựa cây. Thật đáng thương! Người thợ bẩy kia có thể xách chú đi đâu tùy ý.

Này các Tỳ Kheo! Nhựa cây kia ví như ngũ dục, còn năm bộ phận (hai tay, hai chân và cái mồm) dính vào nhựa ví như năm căn.

- Mắt dính sắc.

- Tai dính thanh.

- Mũi dính mùi.

- Lưỡi dính vị

- Thân dính xúc.

Như chú khỉ kia, khi năm bộ phận dính cứng vào nhựa cây thì tùy ý người kia đem đi. Cũng vậy, người nào năm căn dính cứng vào ngũ dục thì tùy ý ma dẫn đi.

Tóm lại vì không chịu ở nơi địa vực của mình nên mới bị nạn khổ. Thế nào là ở nơi địa vực của mình? Tức là quán “Tứ niệm xứ”. Người thường quán tứ niệm xứ thì không bị lôi, không bị dẫn. Cũng như chú khỉ kia nếu ở trong đàn thì không bị nạn.

(Trích Kinh A Hàm)

Lời bình:

Ngũ dục vốn không hại người, chỉ tại người bỏ quên chánh niệm mà đam mê ngũ dục. Như chú khỉ kia vì ham ăn mà tách ra khỏi đàn nên chịu khổ. Cho nên người tu không khó, chỉ đừng đam mê ngũ dục. Nhưng ngũ dục vốn không lỗi, lỗi tại tâm dấy niệm. Mà dấy niệm tức là động, động thì chẳng phải chánh niệm. Trái lại, tâm nếu không thì cảnh vốn lặng, tuy ở trong ngũ dục mà thường giải thoát. Cho nên trong Tín Tâm Minh có câu:

“Muốn đến nhất thừa, chớ ghét sáu trần.

Sáu trần không ghét, hoàn đồng chánh giác”.

Tại sao người Phật tử nên thiểu dục?

loading...