Đức Phật
Tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua tranh (I)
Thứ bảy, 06/03/2020 09:28
Đức Phật Thích Ca tên thật là Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Ngài sinh vào năm 624 trước Công nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ, ở phía bắc của Ấn Độ hiện nay. Cha của Ngài là Đức vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng hậu Ma Da.
> Cuộc đời Đức Phật qua 61 bức tranh của Myanmar
“Sáu năm tìm đạo chốn rừng già
Khổ hạnh ai bằng Đức Thích Ca
Chim hót trên vai, sương phủ áo
Hươu kề dưới gối, tuyết đơm hoa
Thử hỏi ai tìm chân lý ấy
Bên bờ sông giác Đức Thích Ca.”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nguyên là Thái tử con vua. Người đã từ bỏ cung vàng điện ngọc xuất gia tầm đạo đi tìm chân lý cho chính mình và chúng sinh. Năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề – Ngài đã giác ngộ trở thành vị Phật, vị Toàn Giác trên thế gian. Đức Phật là một con người có nhân cách siêu phàm, có một không hai trong lịch sử nhân loại. Bài viết dưới đây sẽ tái hiện lại những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sinh đến khi nhập niết bàn qua 37 bức tranh tại chính điện chùa Ba Vàng.
Cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra đến lúc đi ra bốn cổng thành
Vua Tịnh Phạn lấy hai chị em gái làm vợ, là Hoàng hậu Ma Da và em gái là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Tuy nhiên, tuổi đã cao nhưng Đức vua và Hoàng hậu Ma Da chưa sinh được con nối dõi. Vì vậy, họ cũng rất mong mỏi, phát tâm làm rất nhiều việc thiện, cứu giúp người nghèo. Các quan đại thần trong triều cũng nóng lòng đến thỉnh Đức vua và Hoàng hậu hạ sinh Thái tử nối dõi ngôi vị.
Cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua hình tượng nghệ thuật
Sau một buổi lễ các vị tinh tú, Hoàng hậu tổ chức bố thí cho người nghèo; sau đó bà hồi cung, nằm nghỉ và mộng thấy một con voi trắng như tuyết từ trên trời bay xuống. Con voi có sáu ngà, vòi ngậm một bông hoa sen rất đẹp; nó cưỡi mây từ trên trời bay xuống bên cạnh và chui qua hông bên phải vào bụng của Hoàng hậu. Sau đó, Hoàng hậu thấy một hương thơm rất lạ kỳ thoang thoảng, bà tỉnh giấc và kể cho vua nghe. Vua Tịnh Phạn cho mời các nhà tiên đoán, họ nói rằng Hoàng hậu sẽ thọ thai một hoàng tử đặc biệt. Và quả nhiên, sau đó Hoàng hậu thụ thai sau bao lâu mong chờ.
Tại Ấn Độ cổ có tục lệ người con gái đến thời sinh nở phải về nhà cha mẹ đẻ để sinh con. Hoàng hậu Ma Da cũng vậy. Hôm ấy, trên đường từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ trở về quê mẹ sinh con. Khi đang dạo bước trong lâm viên Lâm Tỳ Ni, bà định vịn tay lên hái cành hoa vô ưu; ngay lúc ấy, Hoàng hậu trở dạ. Thái tử liền được hạ sinh trong giờ phút thiêng liêng ấy. Trong kinh nói, khi Hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử, chim hót líu lo, muôn hoa đua nở, mây trời vần vũ, nhạc trời vang lên. Thái tử vừa mới sinh ra liền bước đi bảy bước, mỗi bước có hoa sen nở đỡ chân Ngài. Đến bước cuối cùng, Thái tử giơ một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và cất tiếng nói: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”, dịch nghĩa: “Trên trời, dưới trời thì có ta là tôn quý nhất”. Sau khi sinh Thái tử được bảy ngày, Hoàng hậu Ma Da băng hà, sinh về cõi trời Đâu Suất.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Thái tử được dì ruột cũng là Hoàng hậu, là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề nhận nuôi. Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là em ruột của Hoàng hậu Ma Da, cũng là vợ của vua. Bà nhận nuôi Thái tử. Còn con của bà là Nan Đà thì bà ấy lại giao cho vú nuôi mà nuôi con của chị. Tức là Thái tử có một phước lành, ai cũng yêu quý. Dì ruột nuôi mình, cho mình bú mà con của dì ruột lại để cho người khác nuôi”.
Theo dấu chân cuộc đời Đức Phật
Khi Thái tử được sinh ra, Đức vua lệnh cho dân chúng mở tiệc ăn mừng liền mấy tháng. Đức vua cũng cho mời các vị tiên tri đến xem tướng cho con trai. Đầu tiên, Đức vua cho mời một vị đạo sĩ trăm tuổi tu đã lâu trên núi Hy Mã Lạp Sơn tên A Tư Đà. Khi vừa nhìn thấy Thái tử, ông liền lễ sụp xuống. Ông nhìn thấy Thái tử có đủ 32 hảo tướng và 80 vẻ đẹp. Ông rất kinh ngạc, chắp tay tâu với Đức vua rằng: “Bệ hạ sinh được một Hoàng Thái tử đặc biệt. Đây sẽ là bậc vĩ nhân. Con người này, nếu sống đời tại gia thì sẽ là bậc Chuyển luân Thánh vương trị vì hết cả bốn châu thiên hạ. Còn nếu người này mà xuất gia thì sẽ tu hành thành Phật cứu độ tất cả chúng sinh”.
Rồi ông ấy cười rất sung sướng, nhưng sau đó lại khóc. Vua Tịnh Phạn lấy làm lạ hỏi: “Tại sao ngươi lúc cười, lúc khóc thế?”. Ông A Tư Đà tâu: “Tâu Bệ hạ, tôi cười vì tôi mừng cho vua, cho đất nước có được Thái tử anh minh. Nhưng tôi buồn, tôi tủi phận vì tôi già quá rồi, tôi sắp chết rồi. Tôi sẽ không được thọ nhận sự giáo dưỡng của vị Thái tử này. Gần tới đây tôi sẽ chết. Tôi không được thọ nhận sự dạy dỗ của Thái tử cho nên tôi buồn mà tôi khóc nấc lên như vậy”.Đức vua tiếp tục cho triệu năm vị tướng sư khác thuộc dòng Bà La Môn xem tướng cho Thái tử. Tất cả năm vị tướng sư đều nói Thái tử là con người đặc biệt nhất thế gian này, những tướng tốt này không ai có được. Riêng một vị là Kiều Trần Như khẳng định: “Tôi khẳng định Thái tử lớn lên sẽ đi tu, sẽ xuất gia. Chắc chắn như vậy. Tôi khẳng định như vậy”. Sau khi xem tướng cho Thái tử xong, vua cha đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa – tức thành tựu tất cả mọi nguyện ước của mình.
Cuộc đời Đức Phật Thích Ca khi Ngài còn niên thiếu
Thái tử càng lớn càng đặc biệt, tất cả những tinh anh, tuấn tú của Ngài càng phát lộ ra. Ngài rất toàn diện cả về văn võ và trí tuệ, không ai sánh bằng. Thái tử là một con người tài đức, đồng thời tâm hồn Ngài cũng rất nhạy cảm; đặc biệt là rất từ bi, thương người, quý vật.
Một hôm, nhân ngày lễ Hạ Điền (lễ bắt đầu làm ruộng của nhà nông trong một năm), Thái tử theo cha ra đồng. Mọi người vui vẻ trong cảnh gió xuân nắng ấm, hoa lá tốt tươi, muôn chim hót vang, cảnh sắc êm đẹp thái bình. Thái tử tuổi còn nhỏ nhưng không ham thích cảnh tưng bừng nhộn nhịp của buổi lễ. Khi ấy, Thái tử chọn một bóng cây, ngồi chéo hai chân theo lối kiết già, trầm ngâm lặng lẽ, mắt lim dim, chăm chú vào hơi thở, định tâm và nhập định đắc Sơ Thiền.
Cuộc đời Đức Phật là cuộc hành trình vĩ đại
Từ bé Thái tử Tất Đạt Đa đã biểu lộ nhiều đức tính khác người. Thái tử có một tấm lòng nhân hậu đặc biệt, yêu thương mọi người và cả các con vật. Thái tử cũng thể hiện trí tuệ của mình khi được các vì Thầy dạy dỗ. Thái tử học rất nhanh, trong một thời gian ngắn đã học được hết kiến thức của các vị Thầy. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Đã gọi là Thái tử, là con vua, Ngài được dạy dỗ rất chu đáo, văn võ song toàn. Đến học với các thầy thì chỉ một thời gian là bằng thầy rồi. Mà Thái tử còn nhỏ đấy chứ, phải không? 6-7 tuổi đi học, học một chút thôi mà kiến thức bao nhiêu nắm được hết rồi, bằng thầy, mà còn học vượt hơn thầy. Về võ cũng thế, Thái tử rất giỏi võ. Trong cuộc thi bắn cung, các vị xạ thủ tài giỏi nhất bắn xuyên chưa được 3 lớp mâm đồng, nhưng mà Thái tử bắn một mũi tên xuyên qua 7 lớp mâm đồng. Bắn một mũi tên xuyên 7 lớp thì các con biết được thái tử rất tài giỏi”.
Con đường xuất gia của Đức Phật Thích Ca
Vua Tịnh Phạn thấy Thái tử còn nhỏ mà không ưa thích cuộc sống ồn ào vui chơi nên rất lo lắng, nhất là khi nhớ đến những lời tiên tri của các vị đạo sĩ năm xưa. Trong lòng vua không muốn con đi tu, Ngài chỉ muốn Thái tử trở thành người tài giỏi xuất chúng về mọi mặt, để sau này trao ngai vàng cho Thái tử kế vị nối ngôi. Nhà vua bắt đầu lên kế hoạch che đậy, không cho Thái tử thấy biết cuộc sống thế gian vốn có nhiều đau khổ và phiền lụy. Xung quanh Thái tử là cuộc sống vương giả, xa hoa, đàn ca hát xướng, tràn ngập sự hoan lạc. Nhưng đến một ngày, Thái tử vượt bốn cửa thành chứng nghiệm cuộc sống thế gian.
Lần thứ nhất đến cửa thành phía Bắc, Ngài thấy một ông lão già chống gậy. Thấy ông cụ già nhăn nheo, râu tóc bạc, chống gậy, lưng còng; Ngài lấy làm lạ. Thái tử được người đánh xe Xa Nặc cho biết đó là người già và Thái tử rồi cũng sẽ già giống như vậy. Thái tử trầm ngâm cho quay xe về cung.
Lần thứ hai, Thái tử đi ra cửa phía Đông và nhìn thấy bên đường một người nằm cạnh vũng máu đờm và ho sù sụ. Xa Nặc giải thích cho Thái tử đó là người bị bệnh và Thái tử cũng sẽ bị bệnh khi về già. Thái tử lại trầm ngâm quay xe về, nghĩ ngợi: “Ta cũng bị bệnh như thế này ư? Rồi một ngày nào, ta cũng nằm rên la như thế này ư?”.
Lần thứ ba, Thái tử đi đến cửa thành phía Nam Thái tử thấy có bốn người khiêng một cái cáng, bên trên có một người nằm phủ khăn trắng. Thái tử hỏi: “Họ làm gì đấy?”. Xa Nặc tâu: “Tâu Thái tử, đây là một đám tang, họ đang đưa người chết này ra chỗ để hỏa thiêu đấy”. Thái tử nhìn thấy cái chết, biết về cái chết, Người trầm ngâm buồn bã và suy nghĩ rất nhiều.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Khi về cung, Thái tử trầm tư lắm, lần này suy tư rất nhiều. Thái tử suy nghĩ: “Tại sao kiếp người sinh ra lại phải già, lại bị bệnh rồi cuối cùng lại là chết, mà chết là cái gì nhỉ, sao mà lại buồn thế nhỉ, chết lại nằm bất động thế nhỉ, không biết nói cười gì cả, thế thì là cái gì?”. Đó, những cái câu hỏi như vậy nó cứ lởn vởn trong đầu của Ngài ngày đêm không nguôi, thưa đại chúng, làm cho Thái tử bất an, không có vui vẻ gì được, các cung nữ hát ca gì Thái tử cũng không vui được”.
Lần thứ tư, Thái tử đi ra cửa thành phía Tây. Lần này Thái tử gặp một vị tu sĩ. Thái tử đến gần, và hỏi: “Ngươi đang làm gì đấy?”. Vị tu sĩ trả lời: “Tôi là tu sĩ”. Thái tử lại hỏi: “Tu sĩ để làm gì?”. Tu sĩ đáp: “Tôi đi tu, tôi làm tu sĩ để dứt tất cả phiền não, đau khổ của cuộc đời. Tôi muốn mong cầu giải thoát đau khổ và tôi mong muốn giúp cho tất cả mọi người hết những đau khổ, phiền não vì tôi thấy cuộc đời này đau khổ phiền não lắm”.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Khi đó, Thái tử giống như có một cái gì chạm vào trong tim của mình, toàn thân Thái tử chấn động. Nó giống như một cái gì đấy từ tiền kiếp Ngài cũng đã ấp ủ rồi. Cho nên Ngài bảo: “Đúng rồi, đây sẽ là con đường của ta sẽ đi, đây sẽ là con đường ta sẽ đi”. Thái tử cảm ơn vị tu sĩ và nói Xa Nặc đánh xe ngựa về. Từ lúc đó về cung, là Thái tử ôm ấp nuôi cái mộng sẽ có ngày mình phải xuất gia như vị tu sĩ kia, mình phải làm sao cho mình hết khổ và mình muốn cho tất cả muôn dân hết khổ. Cái khổ gì? Khổ già bệnh chết, cái khổ của miếng cơm manh áo, cái khổ của bao nhiêu chuyện trên đời này. Bây giờ mình mới ngộ ra cuộc đời này đau khổ thật, khi đi tiếp xúc với dân chúng như thế, ra ngoài gặp gỡ các cảnh, Thái tử thấy cái mộng xuất gia nó nằm sâu trong tim của Ngài, nó thúc giục Ngài hàng ngày, hàng giờ”.
Diễn viên Mayank Arora trong vai A Nan trong phim 'Cuộc đời Đức Phật'
Vua cha Tịnh Phạn thấy Thái tử ngày càng ủ dột lạ thường nên rất lo lắng. Đức vua giữ chân Thái tử bằng cách tuyển vợ cho Ngài. Vua đã chọn cho Thái tử công chúa Da Du Đà La – công chúa của nước láng giềng đẹp người, đẹp nết; đức hạnh, dung nhan tuyệt trần. Thái tử đối với Da Du Đà La cũng rất trân quý. Thái tử cùng công chúa sống trong cung rất êm đềm, hạnh phúc. Tuy nhiên, tâm mong mỏi xuất gia của Thái tử vẫn canh cánh trong lòng. Năm Thái tử 19 tuổi, công chúa Da Du Đà La hạ sinh một hoàng nhi. Lúc này, Thái tử Tất Đạt Đa biết rằng đó là một cản trở lớn cho việc xuất gia của mình nên Thái tử đặt tên con là La Hầu La, có nghĩa là chướng ngại.
Dù có vợ hiền con ngoan nhưng chí nguyện đi tu của Thái tử vẫn luôn dâng trào mãnh liệt. Ngày mùng 08 tháng 02 âm lịch, vua Tịnh Phạn tổ chức đại tiệc trong cung, Thái tử cũng tham gia nhưng Ngài đã chuẩn bị rất chu toàn cho sự ra đi của mình. Sau khi tiệc tàn, Thái tử ra lệnh cho anh lính hầu Xa Nặc mở chuồng ngựa, dắt con ngựa Kiền Trắc ra. Thái tử quay về phòng nhìn công chúa và con thơ lần cuối, rồi khép cửa ra đi.
Khi đã đi xa khỏi kinh thành đến dòng sông A Nô Ma, Thái tử mới dừng lại và nói với Xa Nặc là mình đi tu.
Thái tử dùng kiếm cắt phăng mái tóc, mặc áo của người khất sĩ, giao lại cho Xa Nặc toàn bộ trang phục của Hoàng cung. Về phần con ngựa Kiền Trắc cũng rất đặc biệt, khi biết Thái tử đi tu, nó rống lên ba tiếng rồi ngã ra chết tại chỗ. Xa Nặc vô cùng buồn khổ, cũng muốn đi cùng Thái tử nhưng phải quay về báo tin cho Đức vua.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Sau đó, Thái tử dấn thân vào con đường tu hành tìm chân lý. Thực sự Thái tử muốn tìm cho ra sự thật cuộc đời này là cái gì. Tại sao chúng ta sinh ra, đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc, tại sao chúng ta phải khổ? Cái khổ ấy là cái khổ mà định sẵn là phải già, phải bệnh, phải chết. Và trên hành trình già, bệnh, chết này, chúng ta lại phải chịu bao nhiêu những cái khổ khác nữa. Yêu, thương, giận, ghét, đủ thứ tủi hờn trong ấy, bao nhiêu cái trong những cái khổ, khổ chồng lên khổ. Cuộc đời con người chết rồi là còn hay hết đây? Tại sao mình không trường sinh, mình sống mãi? Tại sao lại phải chết? Mà chết là hết thì cuộc đời này thật sự có ý nghĩa gì? Làm vua cũng để được cái gì để rồi chết? Thế thì vua với ăn mày cũng như nhau, làm ác với sống thiện cũng như nhau vì cũng chết cả thôi. Bao nhiêu câu hỏi Ngài trăn trở, vậy bản chất thật cuộc đời này là gì? Cái sự hiện sinh của ta ở trên đời có ý nghĩa thật là gì? Ngài trăn trở câu đó, muốn đi tìm chân lý, tìm sự thật và Ngài ra đi, một bình bát, khoác tấm y và đi vào rừng sâu, núi thẳm tầm sư học đạo”.
Những pháp thoại ý nghĩa của Đức Phật trong phim Cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Buddha)
Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra là một sự kiện vô cùng thiêng liêng và cao quý, chấn động khắp cả năm châu địa cầu. Mặc dù Ngài sống trong cung vàng điện ngọc, có vợ đẹp con ngoan nhưng tất cả những điều ấy đều không thể cản trở Thái tử đi tìm kiếm con đường chân lý, con đường đi đến sự giác ngộ giải thoát. Đó là xuất gia cầu đạo.
(Còn tiếp)
Theo: Chùa Ba Vàng