Kiến thức
Tại sao chư Tổ khuyến tu Tịnh độ niệm Phật?
Thứ năm, 27/05/2022 07:25
Theo sách Đường về Cực Lạc, của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thì con đường hoằng đạo của Liên tông chư tổ, các bậc Tổ sư thiền, các bậc Thiền sư tu đắc thiền vẫn chuyển tông hoằng truyền pháp môn niệm Phật.
Chúng sanh thời mạt pháp căn khí nông cạn, trí huệ lu mờ, độn căn thì nhiều lợi căn thì ít, chạy theo bả công danh, ngã ái vô bờ nên dù phát tâm tu pháp nào thật cao siêu cũng khó chứng đắc, thường sanh ra những nghi ngờ vội vàng so sánh pháp này cao pháp kia thấp, chê ngược lại pháp môn mình đang tu, chê pháp Phật hoằng truyền không đúng. Theo kinh nghiệm quá trình tu học, Sư nhận thấy có những điểm then chốt sau đây nói về pháp môn tu giúp cho chúng sanh trong cõi ta bà dễ tu dễ chứng đắc:
Một là, trong các kinh đại thừa phương quảng đều nói đến thế giới Tây phương Cực Lạc, dù chư vị Bồ tát đẳng giác làm Phật sự cao siêu đến đâu, ở phương trời nào, khi lâm chung cũng hồi hướng phát nguyện vãng sanh Cực Lạc Tây Phương (Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Pháp Hoa)
Hai là, do nguyện lực của Phật A Di Đà kết duyên cùng chúng sanh trong cõi ta bà, ai tín ngưỡng Phật, niệm Phật, thì hiện tiền cũng như tương lai đều được thấy Phật, thành Phật (Kinh Vô Lượng Thọ - 48 lời nguyện Phật A Di Đà).
Ba là, Pháp môn niệm Phật dung thông cả ba căn thiện trí thức nghiệp dứt tình không, trung căn trí tuệ sáng ngời và chúng sanh độn căn trí năng ngu muội, phước mỏng nghiệp dày, sanh tiền chưa giác ngộ, làm nhiều điều tội đến khi lâm chung, tưởng niệm danh hiệu Phật A Di Đà cũng được đới nghiệp vãng sanh (Cửu Phẩm Liên Hoa - Kinh Thập Lục Quán)
Bốn là theo lời Phật dạy do chúng sanh ở thế giới ta bà có duyên với Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Cực Lạc. Nhân đó Phật thường khuyên mọi người chuyên niệm danh hiệu của Ngài để được kết duyên giải thoát, tiến bước trên lộ trình vãng sanh. Ở vào thời đại này, lời dạy của Đại sư Vĩnh Minh thật phù hợp, nhằm khẳng định pháp môn tu niệm danh hiệu Phật A Di Đà không pháp nào cao hơn là vậy.