Hỏi - Đáp
Tại sao con phải kính Phật trọng Tăng?
Chủ nhật, 27/03/2020 02:05
Bốn chữ “Kính Phật trọng Tăng” là câu nói ẩn ý rất hay, hay ở chỗ nếu chúng ta soi sáng theo tạng kinh thì thấy Phật pháp vi diệu vô cùng.
> Có hiếu với cha mẹ tức là kính Phật
Theo dòng suy nghĩ, tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện hồi tôi còn nhỏ được bà nội dẫn đến chùa. Lúc đó, tôi sợ đến chùa lắm. Vì bố mẹ tôi đã mặc định “trẻ thì vui nhà, già thì vui chùa”, có lẽ việc đến chùa là chuyện của các cụ già gần đất xa trời. Tuy nhiên, hôm đó bà nói với tôi là hôm nay ở chùa tổ chức lễ Vu Lan và có nhiều bánh kẹo ngon lắm. Vì thích được ăn bánh, tôi đã hồn nhiên theo bà đi.
Sắp đến cổng chùa, bà còn bảo tôi: “Vào chùa, con phải nhớ kính Phật trọng Tăng”. Bà hỏi tôi mấy lần đã nhớ chưa? Còn bảo tôi nói lại cho bà nghe câu đó. Sau đó, tôi có hỏi lại bà: “Tại sao con phải kính Phật trọng Tăng?”. Bà mỉm cười, xoa đầu tôi nhưng không nói gì và dẫn đi lễ Phật. Lễ xong, bà chỉ tay lên nói: “Ông ngồi trên cao là Phật đấy”. Tôi ngơ ngác: “Dạ vâng! Con biết rồi”. Trước khi ra về, tôi và bà được nhà chùa gởi cho bánh, kẹo, oản… Bà nói: “Đây là lộc của Phật đấy con”. Ngay lúc đó, có một vị sư cho tôi cuốn truyện tranh nhân quả. Tôi thích thú vô cùng. Đến chùa vui như vậy sao, và tôi đã nói: “Lần sau, bà đi chùa, nhớ cho con đi nhé”. Bà mỉm cười...
Cho đến bây giờ, khi ngồi trầm tư nhớ đến câu chuyện năm xưa, câu nói “kính Phật trọng Tăng” của bà nội lại văng vẳng bên tai – câu nói mà tôi đã được học thuộc lòng cách đây 24 năm về trước. Nhìn lại, thấy tuổi trẻ của tôi đã qua, cái già cái bệnh đang tới, cái chết đến bất ngờ và tôi không thể nào mặc cả với quy luật vô thường đó. Nhưng tôi thật may mắn vì đến bây giờ, mình vẫn còn được sống để viết lên những lời chia sẻ này. Cũng nhờ duyên lành mà tôi được gặp Sư Phụ – Thượng tọa Thích Chân Tính, được Ngài cho xuất gia tu học, được truyền trao giới pháp, được trở thành một vị tu sĩ – thành phần của Tăng bảo. Cũng nhờ ân đức của Sư Phụ và đại chúng, mà tôi được nương tựa tu học Phật pháp cho đến ngày hôm nay. Tất cả những điều đó âu cũng đều là nhân duyên.
Nhìn lại, tôi mới thấm thía hiểu được phần nào câu nói của bà nội dạy tôi năm xưa: “Đến chùa, con phải nhớ kính Phật trọng Tăng”. Có thể lúc đó, bà nội muốn nhắn nhủ: “Con kính Phật thì tương lai sẽ là Phật, con kính Tăng thì sẽ được làm Tăng”.
Đúng! Bà nội đã nói đúng. Bây giờ tôi đã là một tu sĩ. Càng chìm sâu vào dòng suy nghĩ, tôi lại tự trách mình sao không thuyết phục bà nội trả lời câu hỏi năm xưa, và đến bây giờ, muốn được giải đáp thì đã quá muộn, bởi bà tôi đã mất cách đây 8 năm trước rồi. Nhưng, cho dù ngay lúc đó bà nội có nói, có giải thích cho tôi nghe thì chưa chắc tôi đã hiểu được, bởi nếu có hiểu thì cũng chỉ là cái biết của cậu bé 12 tuổi non nớt thuở xưa.
Bốn chữ “Kính Phật trọng Tăng” là câu nói ẩn ý rất hay, hay ở chỗ nếu chúng ta soi sáng theo tạng kinh thì thấy Phật pháp vi diệu vô cùng.
Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp số 106, Bậc Thánh Cư Sĩ Sao Lại Phải Đảnh Lễ, Cúng Dường Phàm Tăng, được tóm lược như sau:
Thế Tôn dạy rằng: “Những cư sĩ tại gia đắc quả Thánh Tu-đà-hoàn (nhập lưu) rồi, họ chỉ còn nghiệp rất nhẹ, không còn đọa vào bốn đường ác, đức tin Tam Bảo đã vững chắc, là người đã thấy rõ pháp. Tuy nhiên, những cư sĩ tại gia đắc quả Thánh Tu-đà-hoàn ấy, khi gặp chư Tỳ-kheo Tăng bất kể Thánh hay phàm, đều phải đứng dậy, mời ngồi, lễ bái và cúng dường”.
Bởi những vị phàm Tăng đều có 20 pháp hành cao thượng của Sa-môn. Ngoài ra, còn hai pháp cao thượng thuộc về phẩm hạnh, Tăng tướng nhằm hỗ trợ, nâng đỡ cho 20 pháp hành nêu trên. Đây chính là 22 pháp mà họ đang y chỉ, thực hành, đáng để cho các bậc Thánh cư sĩ Tu-đà-hoàn ngưỡng mộ, tôn trọng, lễ bái, cúng dường. Hai mươi pháp như sau:
1. Tâm từ mẫn và sự chân thật; 2. Hoan hỷ trong đời sống thanh cao; 3. Đang thực hành pháp; 4. Tứ vô lượng tâm; 5. Thu thúc lục căn; 6. Thu thúc trong giới bổn Patimokkha; 7. Nhẫn nhục; 8. Vắng lặng; 9. Thỏa thích trong chánh pháp; 10. Thực hành pháp cao thượng; 11. Thường thích ở ẩn; 12. Hổ thẹn tội lỗi; 13. Ghê sợ tội lỗi; 14. Tinh tấn; 15. Không giải đãi; 16. Biết học giáo pháp; 17. Biết giảng giải giáo pháp; 18. Thỏa thích trong giới đức; 19. Không tham muốn, không chất chứa, không luyến tiếc; 20. Đầy đủ các điều học.
Và hai pháp cao thượng thuộc phẩm mạo, Tăng tướng là: 1. Thọ dụng y Cà-sa; 2. Đầu cạo trọc.
Cúng dường đúng pháp và lợi ích của cúng dường Tam bảo
Đức vua Mi-lan-đà đồng ý với Đại đức Na-tiên 22 pháp cao thượng, nhưng dẫu sao cũng chỉ là pháp cao thượng chứ không phải là người cao thượng.
- Nhưng mà chư Tỳ-kheo Tăng có những vị đã chứng, đang chứng, và sẽ chứng, tâu đại vương. Dẫu sao, các vị Tỳ-kheo cũng là môn đệ bậc cao của đức Phật, đã thọ trì giới bổn thanh tịnh, đã từng thuyết pháp giới bổn thanh tịnh. Các Ngài đều có khả năng làm những việc mà những cư sĩ bậc Thánh không thể làm được, là có khả năng cho những người xuất gia thọ Sa-di giới, cụ túc giới. Ngoài ra, có vị Tỳ-kheo, dẫu là phàm Tăng, nhưng chính họ là người kế thừa, bảo lưu, giữ gìn hạt giống Bồ-đề, làm cho Phật giáo được hưng thịnh lâu dài.
- Họ hư hỏng, khuyết tật nhưng họ vẫn đang Tăng tướng và phẩm hạnh cao thượng. Họ đang đi trên con đường phạm hạnh, họ ăn một bữa, họ thiểu dục, tri túc. Họ thường sống nơi tịch mịch, xa chỗ huyên náo ồn ào, xa chỗ ngũ dục thấp hèn!... Còn ta là gì? Ta là cư sĩ áo trắng. Dù đắc quả Tu-đà-hoàn, nhưng ta vẫn có gia đình với vợ và con, tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, nghề nghiệp nuôi sống. Ta không cắt móng tay, không cạo râu tóc, vẫn trang điểm, vẫn thoa vật thơm, y phục lành tốt, thọ hưởng ngũ dục, ăn ngon, mặc ấm, giường cao, nhà rộng… Chỉ nguyên nhân ấy thôi, ta phải cũng phải lễ bái, cúng dường đến các Ngài rồi. Huống hồ các Ngài, chư phàm Tăng ấy còn có khả năng dạy giáo pháp, truyền giới luật cho người tại gia, người xuất gia. Đấy là những việc mà không một Thánh cư sĩ siêu phàm nào làm được.
Phật tử nên cúng dường Tam bảo như thế nào?
Từ những ý sáng suốt của Đại đức Na-tiên đưa ra, đức vua Mi-lan-đà có đưa ra một ví dụ sau:
- Trẫm có một vị hoàng tử, trẫm cho đi học văn chương, triết học… nơi một thầy Ba-la-môn, là một bậc giáo thọ lớn. Nhờ sự giáo huấn của thầy Ba-la-môn lỗi lạc, con trẫm được nên người, thành tài. Sau này, con trẫm có lên vương, thì trẫm cũng hằng nhắc nhở con trẫm rằng: Con nên hằng đến thăm thầy, kính trọng, đảnh lễ thầy, vì nhờ thầy mà bây giờ con đã trở nên một vị vua xứng đáng.
- Thưa Đại đức! Cũng vậy, là một Thánh cư sĩ kia, mặc dầu ở địa vị cao hơn, quý báu hơn, nhưng dù sao cũng nhờ các vị Tỳ-kheo phàm Tăng, là bậc thầy dạy đạo cho mình, cho mình thọ trì tam quy, ngũ giới, dạy pháp học, pháp hành… để mình có cơ hội tiến tu và nhập vào dòng Thánh ngày hôm nay! Chỉ ngay cái tri ân ấy thôi cũng xứng đáng lễ bái, cúng dường rồi, phải vậy không Đại đức?
- Rất chính xác. Không kể phàm, không kể Thánh, chỉ ngay cái phẩm hạnh Tỳ-kheo đã là phẩm vị cao thượng, xứng đáng cho trời và người lễ bái, tôn trọng, cúng dường. Cho nên, vị Tu-đà-hoàn cư sĩ lễ bái, cúng dường phẩm vị Tỳ-kheo là phải lẽ. Như một cư sĩ A-la-hán, muốn bảo toàn phẩm hạnh thanh cao của mình, đắc quả A-la-hán trong ngày nào thì phải xuất gia phẩm vị Tỳ-kheo trong ngày ấy. Nếu quá một ngày không gặp đủ số Tăng hội, thì vị cư sĩ A-la-hán ấy đành phải Niết-bàn! Cho hay, phẩm vị Tỳ-kheo cao thượng, quý báu dường ấy mà ít người hiểu cho trọn vẹn, thưa đại vương!
- Gặp được bậc thiện trí thức thông tuệ như Đại đức đây, hôm nay, đã làm cho tâm tư trẫm mát mẻ, rỗng không nghi vấn, dẫu trẫm là một vị đế vương sang cả, quyền uy vô tận. Đại đức chỉ là một công dân thôi, trẫm cũng phải cung kính đảnh lễ như thường.