Kiến thức

Tại sao lựa chọn đi theo Chánh Pháp?

Chủ nhật, 14/06/2021 09:00

Đi theo Chánh Pháp ta phải tu hành vất vả vì nó đi ngược lại bản năng ích kỷ tham sân si của con người. Ngược lại, tà pháp giống như cỏ, không trồng mà mọc dễ dàng vì nó vuốt ve bản ngã, chiều theo cái tham sân, ích kỷ của con người.

Ta cứ nhìn vào đó để xác định chánh hay tà mà chọn đi theo hay chối bỏ, diệt trừ.

Tại sao ta lựa chọn đi theo Chánh Pháp?

Đi theo Chánh Pháp ta phải tu hành vất vả vì nó đi ngược lại bản năng ích kỷ tham sân si của con người.

Đi theo Chánh Pháp ta phải tu hành vất vả vì nó đi ngược lại bản năng ích kỷ tham sân si của con người.

Thứ nhất, đó là vì trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Nếu chọn tà pháp có nghĩa là ta đã chọn đi trên một con đường xấu, trên đó ta chỉ làm điều xằng bậy và kết quả đang chờ đợi ta ở cuối con đường là các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cho nên, vì trách nhiệm với chính mình, ta phải theo Chánh Pháp dù vất vả và cũng luôn tâm niệm rằng:

“Dù có khổ, quyết không đối hướng

Chỉ một đường cao thượng mà đi.”

Thứ hai, đó là vị trách nhiệm đối với xã hội. Bởi lẽ cứ thêm một người tà, một người mê tín thì xã hội thêm một nỗi bất an, hỗn loạn, thêm nhiều điều ác lan tràn. Ngược lại, tăng thêm một người theo Chánh Pháp thì xã hội tiến lên một bước đến sự an vui, đạo đức. Nghĩa là nếu nhà trường, nhà chùa dạy tốt thì chính quyền, công an đỡ vất vả vô cùng, chỉ cần điều chỉnh chứ không cần phải cực khổ xử lý đối với các vi phạm, các loại tội phạm. Còn nếu nhà trường dạy không tốt, như chùa dạy giáo hóa không hiệu quả khiến tà ác tràn ngập thì những người trong chính quyền sẽ khổ. Chữ “khổ” này đồng nghĩa với cả việc tốn kém tiền bạc, ngân sách của Nhà nước. Xử lý một vụ việc vi phạm nào cũng đều có tốn kém và tiền đó cũng là tiền của người dân, của chúng ta đóng thuế. Vì thế, nếu ta đem lại sự bình an, ổn định tốt đẹp cho xã hội thì ta đã tiết kiệm được rất nhiều tiền của cho Nhà nước.

Chánh pháp là hạnh phúc tối thượng

Ví dụ như có một bà già neo đơn, gia cảnh khó khăn. Bà nghèo khổ, đau bệnh nên dù không đóng góp được một chút gì cho xã hội nhưng vì chính sách nhân đạo nên Nhà nước cũng chu cấp một khoản ngân sách và giao cho Mặt trận hay thôn xóm chăm sóc bà. Nhưng nếu trong xóm đó có vài gia đình biết đạo thì họ sẽ thay phiên nhau đến trông nom, chăm sóc bà cụ. Những gia đình đó không tốn kém thêm bao nhiêu mà Nhà nước không cần phải chi tiêu nữa, chỉ cần đến thăm hỏi. Như vậy rõ ràng đạo đức của từng người đã góp phần giảm bớt sự tiêu hao cho ngân sách quốc gia, và Nhà nước có thể tích lũy tiền đó để đầu tư vào những việc khác.

Bởi vậy, nếu đi theo Chánh Pháp là ta đã đem đến đạo đức cho mình và mang lại bình yên cho xã hội. Thế nên, ta phải có trách nhiệm với chính mình và có trách nhiệm với xã hội trong việc quyết tâm đi tìm Chánh Pháp. Giống như việc trồng lúa, dẫu phải vất vả, cực khổ ta cũng phải cố gắng vượt qua mà làm cho bằng được.

Trích sách: Lúa và Cỏ - TT. Thích Chân Quang

loading...