Kiến thức
Tại sao niệm Phật mà vẫn còn khổ?
Thứ ba, 16/07/2021 10:30
Kính thưa quý bạn, trước kia vì không hiểu rõ Phật pháp, những lúc khổ dồn dập, chán đời, tôi nghi ngờ. Phật nói: “Niệm Phật sẽ trừ được nghiệp” nhưng tại sao tôi còn khổ mãi?
Sau đó, nhờ tìm hiểu kinh sách nên tôi mới hiểu thông. Tôi ví dụ: tôi thiếu một tỷ đồng, tôi mới trả được có vài đồng, thì thử hỏi số nợ của tôi có hết không? Niệm Phật cũng vậy, nghiệp của tôi đã tạo ra không biết bao nhiêu tỷ triệu kiếp. Vì nghiệp không có hình tướng, nếu như có hình tướng, thì nghiệp của tôi đã chất đầy cả hư không. Tôi mới niệm Phật được một thời gian ngắn, mà tôi muốn nghiệp của tôi được trừ hết, vậy trên thế gian này đâu có cõi Ta bà hay nhân quả?
Phật dạy: “Niệm Phật là một môn tu trừ nghiệp nhanh nhất”. Vậy mà khó có ai trong một đời, có thể niệm Phật trừ sạch hết nghiệp vô số kiếp của chúng ta. Vì vậy mà Phật dạy chúng ta cách tu để đới nghiệp vãng sanh (nghĩa là chúng ta mang theo nghiệp để mà vãng sanh). Đến khi gặp Phật, thì tự nhiên nghiệp của chúng ta, nhờ thần lực của Phật gia trì mà tiêu sạch.
Có người hỏi: “Tại sao mấy người niệm Phật, nói danh hiệu Phật A Di Đà là thần dược, có thể trị bá bệnh, vậy tại sao có số người bị bệnh ung thư hay bệnh nặng trước khi chết?” Cũng như phần trên tôi đã thưa với quý bạn. Quý bạn mắc nợ quá nhiều, nhưng lại trả không được bao nhiêu, mà quý bạn muốn hết nợ, thì thế gian này, sẽ đầy dẫy tội lỗi và chúng ta sẽ không còn sợ nhân quả.
Cũng như số nghiệp chúng ta trả là mười kiếp, nhưng nhờ niệm Phật, mà nghiệp dồn lại để trả xong trong một kiếp. Nếu người hiểu đạo, khi được dồn nghiệp họ rất vui mừng, vì sự tu tập của họ có kết quả và họ chắc chắn được vãng sanh. Cho nên người hiểu đạo và người không hiểu đạo, có cái nhìn khác nhau. Nhưng quý bạn hãy tìm hiểu kỹ thêm. Số người chết bệnh nặng, so với số người ra đi biết trước giờ vãng sanh tự tại thì chỉ là số ít.
Cũng như một người niệm Phật từ nhỏ, còn một người tới già mới niệm. Dĩ nhiên phải có sự sai biệt. Huống chi, mỗi người đều mang cái nghiệp nặng nhẹ khác nhau.