Kiến thức

Tại sao phải giữ năm giới?

Thứ hai, 23/07/2023 07:57

Ngũ giới chính là lan can bảo vệ chúng ta không bị đọa vào ba đường ác, là nền tảng căn bản giúp ta kiếp sau có thân người, tiến bước trên con đường giác ngộ và giải thoát.

Audio

Đức Phật Thích Ca trước khi nhập Niết bàn có lời di giáo như sau: “Sau khi ta nhập diệt, người tu hành phải tôn kính giới luật làm thầy; dầu ta còn tại thế để dạy dỗ các ngươi mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng không thêm điều nào ngoài giới luật”.

Ngũ giới là năm điều răn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, những lời nói chẳng lành và những hành động bất thiện. Năm điều răn ấy là: Không được giết hại, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu.

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì sẽ bị Ngài trừng phạt. Việc hành trì giới hoàn toàn do chúng ta định đoạt lấy. Đức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động tốt hay xấu, tự thân nó đã gieo mầm thưởng phạt rồi. Đức Phật chỉ là người thầy dẫn đường rất từ bi và sáng suốt: chỉ cho chúng ta biết đâu con đường là con đường sáng và đâu là con đường nguy hiểm không nên đi.

Ðối với những người Phật tử tại gia, tu tập điều thiện, chính là giữ cho đủ năm giới.

Ðối với những người Phật tử tại gia, tu tập điều thiện, chính là giữ cho đủ năm giới.

Nhân có nhiều thiện tín than phiền rằng thật là khó giữ tròn năm giới, vì mỗi người có một hay hai giới không giữ được. Nghe câu chuyện này, Ðức Phật dạy rằng không giới nào kém quan trọng hơn giới nào, giữ được giới nào gieo nhân giải thoát của giới đó:

Ai mà có thói sát sinh

Nói năng gian dối, tính tình tà dâm

Say sưa, trộm cắp, hư thân

Sống đời như thế trầm luân vô vàn

Coi như ngay cõi nhân gian

Tự đào bỏ mất thiện căn của mình.

(Pháp Cú 246 - 247)

I. Giới thứ nhất: Không được giết hại

Điều thứ nhất Đức Phật khuyên chúng ta là không được giết hại sinh mạng, từ loài người cho đến các loài vật. Giết một sinh mạng để tô bồi sinh mạng khác là một điều ác, không hợp lý đạo.

Khi đang đi khất thực, Ðức Phật thấy một đám trẻ con dùng gậy đánh đập một con rắn. Ngài hỏi lý do, chúng nói sợ rắn cắn. Ngài khuyên:

Ai cầu hạnh phúc cho mình

Mà dùng dao gậy gian manh hại người

Khiến người tan nát cuộc đời,

Kiếp sau mình chẳng an vui được nào.

(Pháp Cú 131)

Người sống ác không những sống lo âu mà cũng chết trong tâm trạng sợ hãi và mê muội. Hồi tưởng lại những việc ác làm trong đời, với tâm trạng sợ hãi và lo âu, người đó sẽ tái sinh vào các cõi ác, như súc sinh, quỷ đói và địa ngục. Người sống thiện, sau khi chết sẽ được tái sinh vào các cõi lành vì khi gần chết thường hồi tưởng lại những việc thiện mình làm trong đời, nghĩ tới Phật, Pháp, Tăng luôn luôn hướng dẫn mình trong cuộc sống hiền thiện và hướng thượng:

Ai cầu hạnh phúc cho mình

Không dùng dao gậy gian manh hại người

Không gây tổn hại cho đời,

Kiếp sau mình sẽ an vui vô cùng.

(Pháp Cú 132)

Không sát sinh cũng để tránh nhân quả báo ứng oán thù. Nếu mỗi ngày ta đều gieo căm hờn cho người và chúng sinh khác, khối oan gia ấy to lớn hơn sức ta tưởng. Chúng ta càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào đau khổ.

Người không sát sinh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân chính để tu thành Phật và được hưởng các pháp lành như kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo" đã dạy: "Tất cả chúng sinh đều kính mến; Trừ sạch thói quen giận hờn; Thân thể thường được khỏe mạnh; Tuổi thọ được lâu dài; Thường được thiên thần hỗ trợ; Ngủ ngon giấc và không có ác mộng; Trừ hết các mối oán thù; Khỏi bị đọa vào ba đường ác; Sau khi chết, được sinh lên cõi trời".

II. Giới thứ hai: Không được trộm cướp

Ai cũng biết trộm cướp là lấy những vật thuộc quyền sở hữu của người khác mà không có sự ưng thuận, hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng vũ lực hoặc quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà, cho đến vật hèn mọn như lá rau, trái ớt v.v, cây kim ngọn cỏ người ta không cho mà mình cố tình lấy đều là trộm cướp.

Đức Phật khuyên không nên trộm cắp vì lý do tôn trọng sự công bằng, bình đẳng, tôn trọng quyền tư hữu, diệt trừ lòng tham, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh nghiệp báo oán thù. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp, người Phật tử cũng phát triển đức tính liêm khiết, chân thật và chính trực.

Không lấy của người, không lấy của không cho, mà trái lại còn lấy của mình để đem bố thí cho những kẻ thiếu thốn. Nếu không gian tham trộm cắp, mà lại làm hạnh bố thí thì theo kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo" được những pháp lành như sau: "Tiền của có dư không bị nạn giặc giã cướp mất hay bị chính quyền tịch thu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán; Ðược nhiều người tin cậy; Không bị lừa dối, gạt gẫm; Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình; Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả; Khi chết rồi được sinh lên cõi trời".

III. Giới thứ ba: Không được tà dâm

Tà dâm tức là muốn nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Luật dạy người xuất gia ly tục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chính; ngoài ra, lén lút lang chạ làm việc phi pháp gọi là tà. Nhưng nếu vợ chồng chính thức đi nữa mà ăn nằm không phải chỗ, gần gũi nhau không chừng mực thì cũng thuộc về tà dâm cả. Đó là nói về mặt thô thiển. Nói một cách tế nhị hơn, thì phàm những sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi, cũng đều thuộc về loại tà dâm.

Cháu của cư sĩ Cấp Cô Độc là một chàng thanh niên đẹp trai, thường có hành động tà dâm, hay đeo đuổi vợ người. Nhiều lần chàng bị bắt nhưng lại được nhà vua tha tội cho nhờ tiếng tăm của gia đình. Cuối cùng gia đình dẫn chàng đến thỉnh cầu Ðức Phật. Ngài dạy rằng tà dâm là tạo nghiệp ác. Ngài cũng giảng cho chàng về hậu quả tai hại của tật xấu tà dâm, nêu rõ những tai họa chờ đợi kẻ phóng dật tà dâm, nêu rõ bốn điều bất hạnh sẽ đến với kẻ buông lung theo vợ hay chồng người khác:

Buông lung theo vợ, chồng người

Mắc vào bốn nạn khiến đời bất an:

Bản thân tội lỗi vương mang,

Ngủ đêm trằn trọc, tâm can rối bời

Bà con khinh bỉ chê cười

Chết vào địa ngục là nơi đọa đày.

(Pháp Cú 309)

Đức Phật dạy: "Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay". Đức Phật dạy không nên tà dâm là muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh oán thù và quả báo xấu xa, tránh bị đọa làm ác thú, tránh bị trừng phạt.

Dâm dục là nhân đi đến sự đọa lạc, luân hồi trong sinh tử. Bởi ai càng nặng thì trói buộc càng chặt, sự đau khổ do đó mà tăng trưởng. Động cơ của ái là si, tựa vào gốc si mê, ích kỷ để yêu thương. Do đó, ái chỉ làm cho mình và người đau khổ. Nếu sự yêu thương bị ngăn chặn hoặc bị từ chối thì yêu thương biến thành oán thù. Nếu yêu thương được thỏa mãn thì càng mê đắm, mù quáng. Giáo lý Đạo Phật nhằm thoát khỏi khổ đau, mà nguyên nhân chính của khổ là ái. Thế nên, Đạo Phật dạy nên xa lìa ái dục và tán thán người xa lìa ái dục. Đạo Phật khuyên chỉ nên hưởng những thú vui cao quý của tinh thần, đạo lý.

Không tà dục và giữ được tịnh hạnh sẽ được các điều lợi như Kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo" nói: "Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn; Ðoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu; Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái; Ðược tiếng tốt, người đời khen ngợi".

IV. Không nói sai sự thật là không nói dối, tránh vọng ngữ.

Chỉ nói đúng với điều đã làm, đúng với sự thật đã trông thấy, nghe thấy mà thôi.

Một thời các tu sĩ ngoại đạo rất ghen ghét với Đức Phật nên lập mưu nói xấu Ngài. Họ nhờ một nữ đệ tử trung thành của họ giả làm như thường tới lui và ngủ lại tại chùa Kỳ Viên nơi Ngài cư trú. Ít lâu sau bà này nói là đã có thai với Ngài. Bà độn bụng cho to rồi đến đến chùa công khai phỉ báng Ngài. Nhưng mưu gian bị khám phá. Mọi người đánh đuổi bà đi. Vừa ra khỏi chùa thời đất nứt ra hút bà rơi vào địa ngục. Ðức Phật dạy: "Một người đã chà đạp sự thật thời còn có điều ác nào mà chẳng dám làm, chẳng hề nghĩ đến ác báo vào kiếp sau". Ngài đọc câu kệ sau khi đề cập đến lời vu oan của thiếu phụ:

Ai vi phạm giáo pháp rồi,

Ai ưa gian dối thốt lời dài lâu,

Ai tin chẳng có đời sau,

Bao điều xấu, ác họ đâu sợ gì

Sẵn sàng làm, có ngại chi.

(Pháp Cú 176)

Người Phật tử tại gia có học Phật nên nói đúng thời, đúng lúc, nói lời có ích, có đạo lý, tránh nói nhảm nhí, nói lời vô nghĩa. Người không nói dối thì được những điều lợi ích như sau theo Kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo": "Miệng thường thơm sạch; Thế gian và nhân, thiên đều kính yêu; Lời nói không lầm lộn và vui vẻ; Trí tuệ thù thắng, không ai hơn; Ðược hưởng lạc thú như ý nguyện và ba nghiệp đều sạch".

V. Giới thứ 5: Không được uống rượu

Tất cả những thứ có chất men làm say người hay chất độc hại người đều không được ống. Chính mình không uống đã đành mà cũng không được ép người khác uống, ép nài, khuyến khích người khác uống, tội lại nặng hơn cả chính mình uống nữa.

Phật cấm uống rượu vì muốn bảo toàn hạt giống trí tuệ và ngăn ngừa những nguyên nhân sinh ra tội lỗi. Bản thân Rượu không phải là một tội lỗi như sát sinh, trộm cướp, tà dâm nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sinh ra. Khi đã uống rượu vào say sưa thì tội nào cũng có thể phạm được.

Ngày xưa, ở nước Kế Tân, có con rồng làm mưa, làm gió, phá hại mùa màng. Nhưng đức vua và dân chúng ở đây không làm gì nó được vì nó có thần thông biến hóa. Vì lòng từ bi, 500 đại đức Tỳ kheo đến dùng thiền định để đuổi nó đi nhưng không thành công.

Có một vị Tỳ kheo đến nói với con rồng rằng: “Nhà ngươi hãy đi chỗ khác. Đừng ở đây phá hoại mùa màng làm khổ dân chúng, sẽ mắc tội phải đọa địa ngục chịu khổ lâu dài.” Con rồng nghe nói vậy liền bỏ đi. Dân chúng rất mừng rỡ và phát tâm kính tín Tam Bảo.

Các thầy Tỳ kheo thiền định mới hỏi thầy Tỳ kheo đuổi được rồng rằng: “Thầy dùng pháp gì mà đuổi được rồng?”.

Thầy Tỳ kheo trả lời: “Tôi chỉ trì giới nghiêm túc, từ giới trọng đến giới khinh, không có gì khác lạ”.

Vậy mới biết năng lực của việc trì giới không thể nghĩ bàn. Đức Phật dạy: “Trì một giới có năm vị thần hộ giới ủng hộ. Nếu thầy Tỳ kheo giữ 250 giới nghiêm mật thì có rất nhiều vị thần hộ giới ủng hộ. Ngược lại, nếu không giữ giới, các vị thần ấy sẽ bỏ đi. Vậy chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ phải nên giữ giới nghiêm túc, mới được nhiều lợi ích”.

Ðối với những người Phật tử tại gia, tu tập điều thiện, chính là giữ cho đủ năm giới. "Ngũ giới" cần được coi là mức đạo đức tối thiểu cho một con người. Ðó cũng là một bài học công dân thông thường mà bất cứ một xã hội, một quốc gia nào muốn phồn thịnh, hùng cường cũng không thể bỏ qua được.

(Nguồn: HT.Thích Thiện Hoa, “Phật học phổ thông”)

loading...