Kiến thức
Tâm ấn Tổ sư Trúc Lâm
Thứ bảy, 13/12/2023 08:30
Tổ sư Trúc Lâm Đại Đầu Đà nguyên là vị vua danh tiếng thời Trần, đã thấm nhuần thiền tông từ thuở còn trẻ, được trực tiếp học với Thượng Sĩ Tuệ Trung.
Chính Ngài đã thuật lại, nhân hỏi Thượng sĩ về tông chỉ việc bổn phận, Thượng sĩ đáp:
“ Soi sáng lại chính mình đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”
(Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc), ngay đó Ngài liền thấy được đường vào.
Rồi làm vua, đánh giặc giữ nước, làm Thái Thượng hoàng, uy danh lừng lẫy nhưng tâm thiền đó vẫn không mất.
Nhân duyên đầy đủ, Ngài liền vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, chứng nghiệm thiền lý sâu xa, lập tông phong, truyền Tổ đạo, mở ra dòng Thiền Việt Nam, tiếp nối mạch sống Phật, Tổ trên đất Việt, đem lại lòng tự tin cho người người đồng trở về nguồn Tâm đã quên mất từ thuở nào.
Tìm hiểu quan điểm tu tập của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần
Thiền tông hay Tổ sư Thiền luôn nêu cao yếu chỉ “truyền tâm, ấn tâm”.
Môn nhơn, đệ tử tham học với thầy mà chưa được truyền tâm ấn, tức chưa được sự chấp thuận kế thừa, chưa thực sự vào được cửa Tổ.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, đã chỉ dạy:
“Trong truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng, ngoài trao ca-sa để định tông chỉ”.
Ca sa, bình bát chỉ là biểu tín bên ngoài, trọng yếu là tâm ấn bên trong.
Làm Phật, làm Tổ, vượt dòng sanh tử là ở tâm ấn bên trong đó, không phải ở ca sa, bình bát.
Người chưa đạt đến, lầm nhận theo bên ngoài nên sanh tâm tranh giành y, bát mà quên cái gốc chân thật ở tâm ấn kia.
Ca sa, bình bát làm sao biết giác ngộ, biết kiến tánh, minh tâm, tức thấy bản tánh, sáng bản tâm?
Nhưng tâm ấn kia là gì?
Làm sao truyền?
Đúng thực thì tâm ấn không là gì hết, không thuộc đối tượng suy nghĩ, hiểu biết, không có chỗ định nghĩa.
Tâm ấn thì làm sao định nghĩa?
Định nghĩa được là thuộc văn tự, chữ nghĩa rồi, là tâm chết, không phải tâm ấn Tổ sư.
Bảo Cảnh Tam Muội mở đầu:
“Pháp ấy như vậy, Phật Tổ thầm trao. Nay ông được đó, nên khéo giữ gìn”.
(Như thị chi pháp, Phật Tổ mật phó. Nhữ kim đắc chi, nghi thiện bảo hộ).
Pháp ấy là như vậy thôi, không có thêm bớt gì trong đó, chớ có sanh tâm mọc rễ trên đó nữa.
Ông vừa động niệm là hết như thế rồi, là thành thế này thế khác theo cái tôi của ông.
Chính vì nó là như vậy, nên người đạt đến cũng chỉ là như vậy, do đó liền tự cảm thông nhau, tâm tâm in nhau, đó là truyền tâm ấn, là tâm ấn tâm, người đứng bên ngoài thật khó dòm lén.