Kiến thức
Tâm bình thường chính là đạo
Thứ bảy, 02/03/2021 10:21
Mỗi ngày cứ giữ cho tâm đừng khởi phiền não, âu sầu, cũng không vui vẻ thái quá. Ðối đãi với mọi người thì không tốt cũng không xấu. Cứ tùy duyên mà kết mối giao hảo với họ. Song, chớ phan duyên, tức là đừng lợi dụng họ để thủ lợi.
Tháo bỏ “cặp kính phiền não” bạn sẽ nhận lại tâm bình yên
Lúc nào cũng phải chú ý đến sự khởi tâm động niệm, sự suy nghĩ của mình. Khi có ý tưởng xấu thì phải lập tức thức tỉnh, dẹp đi. Việc gì cũng phải buông bỏ. Buông bỏ chính là công phu.
Bình thường, đối đãi với việc gì cũng buông xả hết; không có vướng mắc, quái ngại vào việc gì. Ðó là để tránh trường hợp lúc lâm chung, giây phút tối hậu, vọng tưởng nổi lên lôi kéo mình vào vòng luân hồi bất tận.
Có trí huệ mới không tạo ác nghiệp. Do đó, phải tập nuôi dưỡng tâm từ bi và thực hành hạnh Bồ Tát.
Tu hành, cần tu biểu hiện được từ bi trong cách sống. Tu làm sao để người khác có thể thấy được vẻ hiền hòa, từ bi trong ánh mắt của mình!
Tu hành cần phải chịu cực khổ. Càng chịu cực khổ thì càng có điều tâm đắc.
Việc tu thì dựa vào sự thực hành của mình. Như uống nước, khi chưa uống thì bạn không biết mùi vị của nó, uống xong rồi mới biết mùi vị. Có thực hành mới đảm bảo được việc tu là chân thật.
Ði, đứng, nằm, ngồi bạn phải dùng nó để thể hội Phật Pháp. Ngày tháng qua mau như tên bắn, chớ phóng dật!
"Một ngày đã qua, Mạng cũng giảm dần,
Như cá cạn nước, Thử hỏi gì vui?"
Mạng người vô thường - một hơi thở ra mà không vào lại, đời người tức hết. Bởi vậy, mau mau dũng mãnh, tinh tấn, chớ buông lung, lơi lỏng! Hãy coi việc tu niệm là gấp rút, khẩn trương nhất.
Gia tài, của cải - mọi thứ ta chẳng đem theo khi sanh ra và cũng sẽ không mang theo lúc chết đi:
"Mọi thứ chẳng đem đặng,
Chỉ có nghiệp tùy thân."
Bạn cần chú ý tự tâm: Cần phải có niềm vui khởi dậy từ nội tâm chứ không phải là cái vui do hoàn cảnh tốt đẹp bên ngoài đưa đến. Do đó, bạn phải luôn quan sát tự tâm, xem xét sự suy nghĩ của mình, và đừng chú ý tới ngoại cảnh. Phải tu tới độ "tôi chẳng có gì cả" mới được!
(Lời khai thị của HT. Quảng Khâm)