Đức Phật
Tâm của Phật – Nơi chứa tất cả những điều tuyệt đối của Từ bi và trí tuệ
Thứ sáu, 26/06/2022 10:55
Đức Phật là nơi nương tựa tuyệt đối, vững chắc về tâm linh và đạo đức muôn đời của nhân loại.
Đức Phật dạy cách điều trị bệnh tật
Trong thời đại mới ngày nay, có một thực tế là tính thực dụng của con người rất cao. Ví dụ như bây giờ nói tiên bay trên mây là không ai tin, mà người ta chỉ tin có máy bay mà thôi. Người ta tin vào chiếc xe máy, chiếc xe hơi công nghệ cao có thể chở họ đi lại được, chỉ vậy thôi. Còn những điều đạo đức, nhân quả nghe bị mờ nhạt, xa vời vì người ta tin ai mạnh người đó thắng, ai khôn người đó thành công.
Vậy nhưng, trong thời đại khoa học công nghệ tiến bộ mà mình giữ vững lòng tôn kính Phật thì thực sự là điều vô cùng quý giá. Một Đức Phật của mấy ngàn năm xưa, sống trên đất nước Ấn Độ nghèo nàn. Người dân phải sống trong cảnh nhà cửa tồi tàn, tầm thường, tiện nghi cực kỳ ít ỏi. Đức Phật của chúng ta cũng đã sống như thế, Người đắp trên mình tấm y màu nâu đi trong buổi sáng bình minh tinh sương. Trong sương mơ buổi sớm ấy, vài cơn gió sớm lất phất thổi tấm y của Ngài, Phật ôm bình bát đi như mọi người, đi đến từng nhà khất thực. Ngài đã sống cuộc sống đơn giản đến như vậy.
Nhưng chứa đựng bên trong đó là cả vũ trụ, pháp giới bao la, cả đất trời. Nơi tâm hồn ấy chứa đựng tất cả những điều tuyệt đối của từ bi, của trí tuệ. Ngày hôm nay, dù cho xã hội đã thay đổi, cuộc sống đã dồi dào hơn, xinh đẹp hơn, những tòa nhà cao rực rỡ hơn,… mà nếu ai giữ vững được lòng tôn kính Phật thì đó là những người đang cứu được thế giới này. Đó là những người giữ linh hồn ở lại cuộc đời này. Dù vật chất có tiến tới đâu, khoa học có tiến tới đâu con người ta vẫn cần một sự nương tựa về tâm linh và đạo đức.
Đức Phật là nơi nương tựa tuyệt đối, vững chắc về tâm linh và đạo đức muôn đời của nhân loại. Thế nên trong cuộc đời nhiễu nhương, hơn thua, tàn bạo, thực dụng này, mà giữ được lòng tôn kính Phật rồi chia sẻ cho mọi người lòng tôn kính Phật thì người đó chính là những người cứu thế giới ngày hôm nay. Đó là người làm cho con người bớt chạy theo cuộc sống vật dục, mà biết dừng lại, biết nhìn lại, biết tìm đến điều trừu tượng hơn, cao thượng hơn, cao siêu hơn nhưng thanh thoát hơn, bình an hơn.
Trích bài giảng “Thời đại mới, tội phước mới” – Thượng tọa Thích Chân Quang