Chùa Việt

Tấm lòng của vị Đại đức nhất tâm phục dựng di tích lịch sử văn hóa

Thứ bảy, 30/03/2016 03:38

Với suy nghĩ “Văn hoá là sự còn lại của tất cả những gì đã mất đi”, Đại đức Thích Minh Hoà đã bảo tồn, tôn tạo, phục dựng được nhiều di sản văn hoá. Sư thầy còn sưu tầm nhiều truyền thuyết dân gian lưu lại cho thế hệ sau và giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu quý.

Đại đức Thích Minh Hoà đã bảo tồn, tôn tạo, phục dựng được nhiều di sản văn hóa
Trùng tu nhiều di tích văn hóa

Ngày 18/3/2006, Đại đức Thích Minh Hoà được GHPGVN Tp.Hải Phòng bổ nhiệm về trụ trì chùa Bảo Phúc (xã Hợp Thành, huyện Thuỷ Nguyên). 

Chưa đầy 10 năm, ĐĐ.Thích Minh Hoà đã phục dựng được 3 ngôi chùa lớn: Chùa Bảo Phúc (xã Hợp Thành), chùa Kim liên (xã An Sơn) và chùa Ngọc Thanh (xã Liên Khê, đều thuộc huyện Thuỷ Nguyên). 

Ba ngôi chùa này do sư thầy trụ trì, đều nằm trong quần thể di tích lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Nguyên Mông. 

Sư thầy còn phục dựng lại: Ba ngôi tháp cổ còn lưu giữ được Xá Lỵ và các di vật nguyên trạng của các vị sư tổ đã tu hành đắc đạo tại chùa Thiểm Khê, xã Bảo Kiếm (nay là xã Liên Khê), một miếu Thần Cao Sơn, một ngôi đền thờ Thánh Mẫu và Phật Địa Tạng. 

Sư thầy còn cho phục dựng toàn bộ hệ thống đường đi trong quần thể di tích lịch sử quốc gia, nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luyện tập quân sỹ, chuẩn bị cho trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. 

Ngay ngôi chùa Bảo Phúc cũng đang được hoàn thiện các hạng mục xây dựng. Đây là công trình quy mô lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích hơn 3ha. Tượng Đức Thế Tôn được đúc bằng đồng nặng 4 tấn, đã được đưa vào gian thượng điện giữa chùa. 

Ngày ĐĐ.Thích Minh Hòa về trụ trì, chùa Bảo Phúc xuống cấp, đìu hiu. Nay quy mô chùa to lớn và tràn ngập không gian thiền tịnh đến thế. 

Để được như vậy, ngoài việc vận động các phật tử giúp tiền giúp sức, ĐĐ.Thích Minh Hòa đã tự mình lội bùn canh tác các phần đất của nhà chùa để có nguồn thu phục vụ việc đạo. 
Quy mô chùa to lớn và tràn ngập không gian thiền tịnh
Sưu tầm nhiều truyền thuyết và truyện dân gian

Không chỉ tâm huyết với việc phục dựng các ngôi chùa, ngôi đền có bề dày lịch sử, sư thầy Thích Minh Hoà còn bỏ ra rất nhiều công sức để sưu tầm các truyền thuyết dân gian để lưu lại cho thế hệ mai sau và giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu quý báu về văn hóa, lịch sử. 

Chùa Bảo Phúc là ngôi chùa cổ có từ cuối thời nhà Lý, niên hiệu Chương Hữu Đạo (1224 –1226) đầu thời nhà Trần, niên hiệu Kiến Trung (1226 –1237). Tại đây còn rất nhiều truyền thuyết về văn hoá Phật giáo và văn hoá dân gian, văn hoá tâm linh. 

Một truyền thuyết được sư thầy Thích Minh Hòa sưu tầm: Nguyên xưa khu chùa này chỉ là một bãi sú vẹt hoang vắng, có một gò đất lớn, thuỷ triều có dâng cao đến mấy cũng không thể ngập được. 

Dân cư chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, thường về tập trung neo đậu ở quanh gò đất. Dân làng kéo nhau lên rừng thượng nguồn ở Bắc Giang chặt gỗ lim về dựng chùa.

Khi đóng bè xong, bỗng giông bão ập đến, bè gỗ lim chuẩn bị xuôi về hạ lưu bị sóng gió giật đứt bung dây, bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. 

Mất gỗ, lương thực mang theo đã cạn, họ đành quay về, họ kinh ngạc và hoàn toàn không thể tin vào điều xảy ra ngay trước mắt: 

Toàn bộ số gỗ bị gió bão cuốn đi, trôi về bên gò đất ở làng thì dừng lại, không thiếu một cây… Mừng vui, cho là có Phật thương, Thánh độ, cả làng lập đàn tế lễ dựng chùa. 

Vì sự lạ kể trên, người ta cho rằng dân làng này có phúc lớn, như một bảo vật của đức Phật và thần linh đã ban tặng, nên ngôi chùa được đặt tên là Bảo Phúc. 
 Thầy còn sưu tầm các truyền thuyết dân gian để lưu lại cho thế hệ mai sau
Nhân dân ở đây còn lưu truyền lại một sự tích rất ly kỳ cũng được thầy Thích Minh Hòa sưu tầm: Một người phụ nữ tên Hoàng Thị Bính, tuy đã lớn tuổi nhưng không lấy chồng. 

Vì thời gian đầu xây dựng chùa xong, chưa có nhà sư về trụ trì, bà thường sớm tối ra chùa hương hoa phụng sự, gõ mõ tụng kinh niệm Phật. 

Một đêm, bà nằm mơ thấy có hai con rồng trắng bay quanh giường, ít lâu sau bà mang thai và sinh ra hai người con trai, khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, càng lớn càng khoẻ, lại có tài bơi lặn rất giỏi, có thể lặn dưới nước cả buổi sáng... Người anh là Hoàng Minh Thống, người em là Hoàng Minh Hộ. 

Hàng ngày, bà mẹ dắt hai con ra chùa Bảo Phúc để tụng kinh, niệm Phật. Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về luyện tập quân sỹ ở vùng Sông Giá (Bảo Kiếm - Liên Khê ngày nay) để chuẩn bị cho trận thuỷ chiến Bạch Đằng.

Bà mẹ dẫn hai con trai ra chùa lễ Phật, rồi đưa cả hai con gia nhập quân đội của Trần Hưng Đạo. Trước khi trận chiến Bạch Đằng diễn ra, Hưng Đạo Đại Vương về chùa Bảo Phúc, lập đàn cúng tế cầu xin đức Phật phù hộ độ trì cho quân và dân đánh thắng quân giặc Nguyên Mông... 

Trận thuỷ chiến ấy, quân Nguyên đại bại. Sau chiến thắng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lại đến chùa Bảo Phúc, làm lễ tạ ơn Phật và các đấng thần linh tại làng Câu Tử Ngoại. 

Ngài tuyên dương công trạng của ba mẹ con bà Hoàng Thị Bính. Vua Trần sắc phong cho bà là Quận đô phu nhân và sắc phong cho hai người con của bà là thành hoàng làng Câu Tử Ngoại. Về sự kiện này, đình làng Câu Tử Ngoại còn lưu giữ được 16 sắc phong qua các triều đại...

Tuy vậy, thầy Thích Minh Hòa vẫn còn trăn trở: Sự tích Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trao lại thanh kiếm quý tại nơi đóng quân để luyện tập quân sỹ có giá trị lịch sử quá lớn. 

Lưu kiếm báu là lưu lại những bài học quân sự, chính trị cho muôn đời sau ở một miền quê có địa thế quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ cõi, nhắc nhở quân và dân nêu cao tinh thần cảnh giác chống giặc ngoại xâm... 

Giá như tại nơi đây, được xây dựng công trình kiến trúc văn hóa như: tượng Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương và đúc một thanh gươm... có quy mô lớn, mang tính nghệ thuật, thể hiện rõ sự tích “Lưu kiếm” đầy khí phách, thiêng liêng!

Nguyễn Văn Liền
Nguồn http://tamsugiadinh.vn/thoi-su/tam-long-cua-vi-dai-duc-nhat-tam-phuc-dung-di-tich-lich-su-van-hoa-tsgd7858
loading...