Sống an vui
Tâm thư gửi những người cô đơn nhất thế gian
Thứ bảy, 26/11/2022 01:57
Có vài người đã nói với tôi rằng họ rất cô đơn, cô đơn đến mức không còn muốn sống nữa. Họ cô đơn vì không còn ai bên cạnh hoặc cho dù có người bên cạnh họ vẫn thấy cô đơn vì không được thấu hiểu. Thế rồi, họ cảm thấy cuộc sống quá nhạt nhẽo và vô nghĩa.
Thật đáng tiếc cho những ai có suy nghĩ như thế. Nếu bạn có, xin hãy dừng lại ý nghĩ này vì bạn có biết rằng cô đơn chính là bước mở đầu cho sự giàu có trong mọi phương diện?
Trước khi giải thích về sự giàu có, tôi xin nói rõ hơn về bản chất của sự cô đơn. Trước hết, xin bạn hiểu rằng không phải một mình bạn đang cô đơn, mà là đang có rất nhiều người cô đơn giống bạn, cho dù có vẻ như họ có tất cả mọi thứ và lúc nào cũng có người bên cạnh họ. Thật ra, nổi cô đơn là một cảm giác thường có, xuất phát từ một cảm nhận rất sâu thẳm trong bạn (và đôi khi bạn cũng không ý thức được) về một cái ngã không tồn tại vĩnh viễn.
Thật vậy, dù bạn là ai, dù thích hay không, bạn cũng phải thừa nhận cái quy luật và cũng là chân lý bất di bất dịch về sự sinh, lão, bệnh, tử hay thành, trụ, hoại, không của tất cả vạn vật và của chính bạn. Thế là bạn luôn cảm thấy như có một cái gì ‘thiếu thiếu’, một sự bất an, một sự trống rỗng đáng sợ trong bản thân bạn. Mà cảm giác trống rỗng kia là hoàn toàn dễ hiểu vì Đức Phật đã dạy rằng nếu phân tích kỹ cái thân này thì không có yếu tố nào là thường hằng. Mọi thứ chỉ là giả tạm.
Thế là, trong từng phút từng giây bạn luôn cố tìm kiếm cái gì đó để lấp đầy sự trống rỗng bằng vật chất, thú vui, ăn uống và con người. Nhưng ngay khi niềm vui hay sự thụ hưởng vừa kết thúc thì bạn cảm thấy trống rỗng trở lại và thế là bạn lại tiếp tục tìm kiếm một cái gì đó để lấp đầy khoảng trống, để làm cho cái thân giả tạm này càng thêm ‘thật’ và ‘vững chắc’. Nói chung, bạn không bao giờ cho phép mình cô đơn vì cô đơn chính là lúc bạn phải đối diện với sự trống rỗng của chính bản thân bạn.
Nhưng có thể bạn không biết rằng cô đơn không phải là một vấn đề cần phải giải quyết, theo quan điểm của Phật giáo. Nó không phải là điều mà bạn cần phải loại bỏ, và nếu như bạn chưa thể loại bỏ nó thì bạn sẽ rất đau khổ. Như đã nói ở trên, bạn luôn cố lấp đầy cảm giác trống rỗng của bản thân, nhưng đáng buồn là nó không bao giờ đầy được. David Loy, một học giả nổi tiếng người Mỹ về Phật học và cũng là thầy dạy Thiền, đã gọi sự trống rỗng mà tôi đang nói là cái lỗ không đáy, và theo ông nó cũng chính là nguyên nhân cho những sự mong cầu không ngưng nghỉ của con người.
Đúng vậy. Nó làm cho bạn rất mệt mỏi và đau khổ. Nhưng may mắn thay, sự mệt mỏi và đau khổ của bạn có thể chấm dứt. Mặc dù thân này là giả tạm và vạn vật đều vô thường, nhưng Đức Phật không bao giờ muốn bạn dừng sự hiểu biết của mình tại đây và rồi sợ hãi-sợ hãi về một hư không, vì có thể bạn đang nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ trở về với hư không. Bạn đừng sợ hãi. Cái hư không này không nên hiểu theo nghĩa thông thường là hư không trống rỗng, vô nghĩa.
Theo tinh thần Phật giáo, đó chính là chân không diệu hữu bởi vì mọi thứ đều được lưu xuất từ đó. Hay nói cách khác, trong chân không có tất cả mọi thứ. Thật là vi diệu! Và diệu hữu không đồng nghĩa với sự hiện hữu mà bạn có thể thấy được. Có rất nhiều thứ trong chân không bạn không thể thấy nhưng vẫn tồn tại. Đó chính là diệu hữu. Biết được điều này, có thể bạn sẽ bớt cô đơn vì sự trống rỗng ‘đáng sợ’ kia thực chất đang ẩn chứa nhiều nguồn lực chờ bạn kết nối. Biết được điều này, bạn sẽ cảm thấy bạn giàu có hơn bạn tưởng rất nhiều vì đang có một kho báu ẩn tàng trong bạn.
Khi chúng ta tu hành, chúng ta sẽ không cô đơn
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù bạn giàu có, nhưng bạn chưa thể sử dụng được ngay kho báu này vì nó còn ở trạng thái tiềm năng. Diệu hữu chỉ hiển bày hay ứng hiện tùy theo tâm nguyện của mỗi chúng sinh. Biết được điều này thì thay vì thất vọng hay buồn bã vì sự cô đơn, bạn hãy phát tâm càng lớn càng tốt. Bạn nên khởi tâm từ bi, thậm chí là phát tâm vô thượng bồ đề, cầu Phật trí và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Bạn hãy nuôi dưỡng tâm nguyện này và liên tục làm điều thiện lành, và rồi chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ tự cảm nhận bạn là người vô cùng giàu có.
David Loy đã nói rất hay rằng thay vì trốn chạy sự trống không, bạn hãy là sự trống không. Dĩ nhiên, nói thì dễ hơn làm. Nhưng theo Loy, nếu bạn làm được, thì đó cũng chính là lúc bạn đã chuyển hóa được cái lỗ không đáy vốn không bao giờ lấp đầy được thành sự bất tận tốt lành, một sự bất tận vốn rất đầy đủ, không cần thêm thứ gì nữa, và có thể tự do trở thành bất cứ thứ gì.
Đây là tâm thư tôi chân thành gửi đến những người cô đơn nhất thế gian. Tôi hy vọng sau khi đọc xong, bạn sẽ can đảm đối diện với nổi cô đơn của bạn, đi xuyên qua nó và kết nối với chân không diệu hữu. Hãy mở tâm từ bi và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Và rồi sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ là người giàu có nhất thế gian.