Kiến thức
Tam vô lậu học là gì?
Thứ bảy, 11/12/2023 01:49
Tam vô lậu học là môn học thù thắng gồm: Giới, định và tuệ trong đạo Phật. Lậu có nghĩa là những chất nhơ bẩn, ô uế, tượng trưng sự phiền não, khổ đau xâm chiếm tâm người chưa biết tu tập.
Ngược lại, Vô lậu là tâm trong lành, sáng suốt, không bị phiền não trói buộc. Lậu cũng có nghĩa khác là rơi rớt, lưu lại, sót lại. Vô lậu thì không. Như vậy Tam vô lậu học là môn học giúp hành giả được tự do tự tại, đoạn tận mọi phiền não khổ đau, không còn rơi rớt trong luân hồi sanh tử.
Tam vô lậu học phát xuất từ bài kinh đầu tiên Đức Phật giảng dạy cho năm anh em tôn giả A-Nhã Kiều-Trần-Như tại Vườn Nai. Đó là kinh “Chuyển Pháp Luân” gồm hai bài pháp thoại Tứ Diệu Đế và Vô Ngã Tướng.
Nội dung Kinh Tứ Diệu Đế nói về bốn chân lý. Chân lý thứ Nhất là thực trạng đau khổ của con người gọi là Khổ đế. Chân lý thứ Hai là truy tìm nguồn gốc gây ra thực trạng phiền não gọi là Tập đế. Đế thứ Ba, chấm dứt toàn bộ nguyên nhân gây ra khổ đau gọi là Diệt đế, trải nghiệm an lạc hạnh phúc, cao nhất là Niết-Bàn. Niết-Bàn không phải là cảnh giới hay một nơi chốn. Niết-Bàn là thái độ sống, với trạng thái tâm thanh tịnh, an lạc, khi toàn bộkhổ đau và nguyên nhân tạo ra khổ đau đã đoạn tận. Gần nhất cũng có thể hiểu Niết-Bàn là trải nghiệm trạng thái tâm bây giờ và ở đây. Muốn trải nghiệm Niết-bàn hay Diệt đế, hành giả phải tu tậpthực hành theo đế thứ Tư là Đạo Đế.
Đạo đế gồm tám nhánh tu tập, có thể chia thành ba nhóm. Đầu tiên là nhóm Trí Tuệ gồm Chánh tri kiến, Chánh tư duy. Nhóm thứ Hai là Giới đức hay Đạo đức bao gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Nhóm thứ Ba là Thiền Định gồm Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Hành giả tu tập, thành tựu Bát Chánh Đạo tức thành tựu Tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ có nghĩa là hành giả đã chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn, không còn bị trói buộc trong Tam giới nữa.