Kiến thức

Tạo nhân - Thọ quả

Thứ ba, 04/08/2021 12:21

Phật đã nói quá rõ là tạo nhân thì sẽ thọ quả. Thế nên muốn không đọa địa ngục, thì không gì hơn là trong trong hiện đời, mười điều ác phải chừa bỏ; chừa mười điều ác thì bảo đảm không xuống địa ngục, mà còn sanh về cõi lành nữa.

Người tu thập thiện đã tạo cái nhân lên thiên đường, dù cho người ác ý muốn cầu cho họ xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường.

Người tu thập thiện đã tạo cái nhân lên thiên đường, dù cho người ác ý muốn cầu cho họ xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường.

Trong kinh A-hàm có đoạn ghi: Một hôm có vị Bà-la-môn hỏi Phật:

- Thưa ngài Cù-đàm, đệ tử của Ngài chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được không?

Phật không đáp mà hỏi lại:

- Nếu đệ tử của các ông chết, các ông có thể cầu cho họ lên thiên đường được không?

Bà-la-môn trả lời:

- Được.

Phật liền đưa ra một ví dụ:

- Giả sử có người đem một tảng đá lớn để trên miệng giếng, rồi thỉnh hai ba chục vị Bà-la-môn đứng xung quanh cầu nguyện cho vị ấy xô tảng đá xuống giếng, tảng đa nổi không chìm. Quí vị Bà-la-môn có cầu nguyện được không?

Người Bà-la-môn đáp:

Cầu không được.

Phật hỏi:

Tại sao?

Người Bà-la-môn đáp:

- Vì đá nặng, rớt xuống nước là chìm, dầu cho hàng triệu người cầu nguyện nó cũng không nổi được.

Phật lại hỏi tiếp:

- Giả sử có người đem dầu đổ xuống giếng, rồi mời các vị Bà-la-môn cầu nguyện cho dầu đừng nổi mà chìm dưới đáy giếng, các vị có cầu được không?

Người Bà-la-môn trả lời:

- Không được.

- Tại sao ?     

- Vì dầu nhẹ nên nổi ở trên mặt nước, không thể chìm dưới đáy giếng được.

Phật nói:

- Cũng vậy, nếu người tạo thập ác là cái nhân đọa vào đường ác, làm sao cầu nguyện cho họ lên thiên đường được. Người tu thập thiện đã tạo cái nhân lên thiên đường, dù cho người ác ý muốn cầu cho họ xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường.

Tại sao cuộc đời có nhiều người nghèo khổ?

Nếu biết ứng dụng lý nhân duyên là tiến một bước mạnh trên sự vươn lên của tâm linh con người.

Nếu biết ứng dụng lý nhân duyên là tiến một bước mạnh trên sự vươn lên của tâm linh con người.

Vậy mà đa số Phật tử bây giờ tu thì không tu, cứ mãi lo làm ăn, đua đòi theo tài sắc danh lợi. Đến khi gần chết, sợ quá, thỉnh các thầy các cô cho đông, để cầu nguyện lên thiên đường hoặc về Cực lạc. Cầu nguyện có được thành tựu không? Chắc là không thành tựu. Điều này Phật đã nói quá rõ là tạo nhân thì sẽ thọ quả. Thế nên muốn không đọa địa ngục, thì không gì hơn là trong trong hiện đời, mười điều ác phải chừa bỏ; chừa mười điều ác thì bảo đảm không xuống địa ngục, mà còn sanh về cõi lành nữa.

Đừng ỷ lại vào người khác hoặc hy vọng ở sự cầu nguyện, điều này không bảo đảm. Tôi lấy ví dụ để quí vị dễ thấy. Giả sử như quí vị muốn cho mọi người thương mến mình, thì quí vị phải ăn ở tử tế với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần, niềm nở vui vẻ khi tiếp họ, như vậy mới được người thương mến. Muốn cho mọi người thương mình mà ăn nói cộc cằn, xử sự với người thô bỉ chẳng có lòng nhân giúp đỡ ai cả... Chắc chắn là không ai cảm tình. Điều này rất là cụ thể. Như vậy muốn cho mọi người thương mến, chúng ta phải tạo duyên vui vẻ, tử tế, giúp đỡ người. Thiếu những duyên ấy thì điều mình muốn không thể thành tựu. Ngược lại, nếu tạo duyên cộc cằn, vô lễ, xấu xa với mọi người, dù không muốn người ghét người vẫn ghét. Vậy mọi người thương mến mình cũng do mình tạo duyên, hoặc bị người giận ghét cũng do mình tạo duyên, chớ không do ai khác, không có Phật Trời nào can dự vào các việc này. Người hiểu lý nhân duyên trong cuộc sống hằng ngày, trong sự tương giao với đồng loại, biết cách cư xử hợp đạo lý thì mình được an người cũng được vui.

Quả có theo nhân không?

Nếu biết ứng dụng lý nhân duyên là tiến một bước mạnh trên sự vươn lên của tâm linh con người. Nhưng tiếc thay, con người chỉ ứng dụng lý nhân duyên trong lãnh vực vật chất, mà không chú trọng đến lãnh vực tinh thần. Các nhà khoa học ngày nay làm chủ được những điều mà xưa kia con người không làm được; đó là phát minh sáng chế ra phi cơ bay trên không trung, tàu ngầm  lặn  dưới đáy  biển, xe chạy nhanh trên đường dài... Những phát minh hiện đại đều do biết được nhân, tạo thêm duyên sẽ cho ra cái quả như ý muốn. Đó là lý nhân duyên được ứng dụng trong lãnh vực vật chất. Chính vì con người chú trọng vật chất để tạo ra vật chất sung mãn rồi sanh lòng tham đắm, giành giựt cấu xé lẫn nhau, tạo cho nhau những nỗi đau khổ không thể lường. Chúng ta là người hiểu đạo, nên hướng về tinh thần, ứng dụng lý nhân duyên vào cuộc sống. Tạo cho mình một đời sống đạo đức với hướng đi lên, chuyển hóa từ con người phàm phu thấp hèn tiến dần lên hàng hiền thánh, tự mình giải thoát và giúp người ra khỏi vòng trầm luân khổ hải.

Vậy muốn giải thoát phải làm sao? Sáu căn không đuổi theo sáu trần là giải thoát. Sở dĩ người không giải thoát được là vì mắt còn thích nhìn sắc đẹp, tai còn ưa nghe tiếng hay, lưỡi còn thích nếm vị ngon, mũi còn ưa ngửi mùi thơm... Chính các căn tự trói buộc với trần cảnh, đó là các duyên mà con người tự tạo ra, rồi lại vướng mắc vào. Nay muốn giải thoát thì chúng ta phải tự gỡ trói, chớ không ai gỡ thế chúng ta được. Vậy nên, muốn vào thì tự cột, muốn ra thì tự cởi, giải thoát hay ràng buộc đều do mình, quyền của mình.

Người hiểu được lý nhân duyên, nhìn lại bản thân mình thấy rõ nó là một hợp thể do duyên mà có, đã do duyên hợp thành, thì cái gì là ngã ? Ngã là chủ thể, là cố định, thân này là hợp thể của đất  nước gió lửa  không phải là một, và nó luôn luôn biến chuyển. Bởi nó biến chuyển không ngừng nên nó không có chủ tể, tức là vô ngã.

Vô ngã là không có chủ tể cố định, tuy không có chủ tể cố định, nhưng có phần tinh thần diễn tiến liên tục không dừng. Nói như vậy sẽ có một số người hoang mang: Nếu không có chủ tể, tức là không có tôi, vậy ai tạo tác, ai làm thiện và mai kia duyên tan thân thể rã rời, thì ai chịu quả báo, mà Phật nói tạo nhân phải thọ quả? Chỗ này Phật giải thích bằng một ví dụ: Ngọn đèn thắp từ đầu hôm đến khuya, mắt thường chúng ta thấy như có một khối dầu cung cấp cho ngọn đèn cháy. Kỳ thực, mỗi lúc tim đèn chỉ rút một hạt dầu, rồi từng hạt từng hạt nối tiếp nhau, cứ như vậy mà cháy mãi, cháy mãi không dừng. Tâm thức con người cũng vậy tuy không có chủ tể cố định, nhưng có thức liên tục trôi chảy không dừng, không mất, nên nghiệp vừa tạo dẫn đến giai đoạn kế tiếp nhận chịu. Nhận chịu trong cái liên tục, chớ không phải vô ngã là không ngơ. Lý vô ngã của đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy tâm thức và thân xác con người là một dòng biến chuyển, biến chuyển quá nhanh nên chúng ta không nhận kịp, tưởng là một. Và cũng nhờ sự biến chuyển này mà chúng ta mới tu được. Nếu cái ngã là một, thường hằng bất biến, thì dù có tu tạo duyên tốt để chuyển đổi, cũng không thay đổi được. Hiểu như vậy là biết được ý nghĩa tu của đạo Phật. Biết người vật luôn luôn biến đổi, nên chúng ta sống tùy duyên theo duyên. Tạo duyên  tốt thì thăng tiến, tạo duyên xấu thì trầm luân; đủ duyên thì thân này có, duyên thiếu thì thân này rã tan...

Như vậy là quả theo nhân theo duyên mà có, chớ không phải bỗng dưng mà thành. Chỗ này quí Phật tử nên lưu ý kẻo hiểu lầm, cho rằng sau khi chết linh hồn được sanh về cõi trời hoặc bị đọa xuống địa ngục... Để rồi khi thân nhân gần chết, nhờ quí thầy quí cô tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn người thân mình được đi lên. Đức Phật có thừa nhận linh hồn không? Đây là vấn đề rất tế nhị chúng ta cần phải lưu ý. Nếu cho rằng con người có linh hồn, thì khi người chết linh hồn người trở lại làm người, thú chết linh hồn thú trở lại làm thú. Như vậy tu vô ích, vì dù có tu cũng không thăng tiến, bởi linh hồn không thay đổi. Hiểu như vậy là sai lầm.

Phá được chấp ngã rồi thì mọi bất công không còn, mọi đau khổ cũng hết.

Phá được chấp ngã rồi thì mọi bất công không còn, mọi đau khổ cũng hết.

Phải khéo sống để tránh nhân quả xấu

Đạo Phật không thừa nhận linh hồn, mà cho rằng con người có thức chuyển biến, thức ấy là cái biết phân biệt. Cái biết phân biệt này là một dòng chuyển biến không dừng. Khi nhỏ thì hiểu biết phân biệt theo trẻ con. Khi lớn thì hiểu biết phân biệt theo người lớn. Nếu có duyên được học hành nhiều thì hiểu biết sâu rộng... Tâm thức con người luôn luôn biến đổi không dừng. Còn linh hồn thì cố định. Vì linh hồn cố định, nên có học cũng không giỏi, không học cũng chẳng ngu, tu cũng không tiến.

Mục đích của đạo Phật là chỉ cho con người thấy đúng lẽ thật qua lý duyên sinh, để phá  trừ  mê lầm chấp ngã, chấp ngã là gốc của đau khổ bất công mà tôi đã nói ở trước. Phá được chấp ngã rồi thì mọi bất công không còn, mọi đau khổ cũng hết. Và khi chúng ta biết ứng dụng lý nhân duyên vào cuộc sống, nó sẽ giúp cho chúng ta một sức sống tích cực, để chuyển hướng cuộc đời mình từ phàm phu mê chấp trở thành thánh thiện sáng suốt, và chuyển hướng mọi sự vật chung quanh từ dở thành hay. Đó là công phu tu hành, là sức mạnh của người học Phật. Nếu chúng ta không biết được lẽ này, cứ ỷ lại vào Phật, ỷ lại vào Tăng Ni, tự mình không chịu lo tu hành, để khi hữu sự đi cầu nguyện van xin Phật Trời ban cho phước lành, việc làm đó vô ích không đi tới đâu cả. Rốt cuộc chẳng những uổng công mà còn bị chìm trong mê tối. Vậy nên mong rằng quí vị cố gắng thực hiện theo lý nhân duyên mà tôi vừa nêu, để phá trừ mê lầm chấp ngã và tạo cho mình và cho người một cuộc sống an vui hạnh phúc.

loading...