Kiến thức

Tập buông bỏ các khổ ách

Thứ bảy, 10/01/2024 03:29

Trong Tương Ưng Bộ kinh, phẩm An ổn, khỏi các khổ ách, Đức Phật dạy: Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng cho các ông pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, pháp môn đúng pháp. Hãy lắng nghe. Và này các Tỳ kheo, thế nào là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách?

Này các Tỳ kheo, có những sắc do mắt nhận biết, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách.

Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách... có những tiếng... có những hương... có những vị... có những xúc... Này các Tỳ kheo, có những pháp do ý nhận biết khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Những pháp ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách. Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách. Này các Tỳ kheo, đây là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, là pháp môn đúng pháp.

Trong đoạn kinh trên, chữ “khổ ách” hết sức đặc biệt. Đức Phật bảo “này các Tỳ kheo” dĩ nhiên là Đức Phật kêu hàng Tỳ kheo để dạy, nhưng trong đó cũng bao hàm luôn tất cả hàng đệ tử của Phật, gồm có cả xuất gia và tại gia.

Như lời Đức Phật dạy thì sở dĩ con người ta đau khổ là vì đang bị ràng buộc, bị trói bởi những “cái ách” trong đời.

Như lời Đức Phật dạy thì sở dĩ con người ta đau khổ là vì đang bị ràng buộc, bị trói bởi những “cái ách” trong đời.

Trong cuộc sống, sở dĩ lòng mình không mấy bình yên là do mình hay chấp vào cái huyễn ảo của hình sắc, âm thanh, hương vị, mùi vị, sự xúc chạm, và các pháp, cho nên khi các giác quan của mình tiếp xúc với ngoại cảnh bên ngoài thì mình bị chúng chi phối, bị chúng dẫn dắt và khổ lụy. Chẳng hạn, mình nói bữa nay tôi quá, gặp người này tôi vui quá, hôm nay tôi được đi đến xứ này tôi vui quá, hôm nay tôi được ăn bữa cơm này tôi vui quá, hôm nay tôi được dự lễ này tôi vui quá... nói chung là cái gì mình cũng vui hết. Mình không biết rằng chính những cảm nhận ấy dẫn dắt chúng ta đến với sự đau khổ.

Cho nên, bản thân Đức Phật đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ấy. Vì còn là phàm phu, còn đang tu học cho nên chúng ta không ngờ rằng, chính những điều mà mình khả lạc, khả hỷ, khải ái, hấp dẫn đó lại là điều mà Đức Phật đã đoạn tận, vì chúng là cội rễ của si mê, của đau khổ.

Lời Phật dạy cách đây hàng nghìn năm, nhưng bây giờ chúng ta đọc lại và chiêm nghiệm thì chúng ta thấy vẫn quá rõ ràng và chính xác! Chúng ta bây giờ có người là con dân nghèo khổ, có người là con của các trưởng giả triệu phú, có người là con các vị quan chức lớn trong xã hội, khi mình đối diện với các sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ở đời thì mình liền nảy sinh khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, rồi mình bị chúng hấp dẫn, rồi mình thỏa mãn ý dục của mình.

Đức Phật ngày xưa vốn là một hoàng tử, sống trong cung vàng điện ngọc, lớn lên ngài có cả vợ đẹp con yêu, có đủ người hầu hạ, còn vàng bạc, lụa là, trang sức trên người thì không biết bao nhiêu mà kể. Thế mà Ngài đã buông chúng xuống, Ngài đã rũ bỏ tất cả để xuất gia cầu đạo giải thoát. Các vị cư sĩ tại gia sống trong cuộc sống bình thường, đôi khi không đi chơi là không chịu nổi. Cho nên một đêm mà được đi chơi và tìm một thú vui nào đó vừa ý là họ mãn nguyện lắm.

Cho nên tửu, sắc, tài, khí chúng hấp dẫn con người ta ghê gớm. Ngay trong cõi đạo, khi mình tu học thì cũng ít nhiều bị lôi cuốn bởi một số yếu tố nào đó, và mình cảm thấy rất hài lòng, rất vui sướng vì chúng. Nhưng Đức Phật đã nói: “Những cái sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ”. Ở đây chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng, Đức Phật thì tìm cách đoạn tận, cắt đứt những gốc rễ của khổ-lạc, còn chúng ta thì lại mong cầu. Bình thường chúng ta nhờ phước đức mà được cái này cái kia thì ta hay khoe khoang. Những người biết tu tập, đã thấu tỏ nguồn cơn của khổ lụy ở đời thì họ chia sẻ phước đức của mình cho người khác chứ không thụ hưởng riêng.

Trong kinh Đại Bảo Tích Đức Phật đã dạy rất kĩ, thế nên khi mình khéo tu thì mình sẽ nhận ra mọi vấn đề không phải như thông thường mình đã nhìn nhận. Đức Phật đã cắt đứt từ gốc rễ, đã buông bỏ tất cả để được giải thoát, an vui. Chúng ta tu tập thì hãy cố gắng học theo hạnh của Phật, nhìn lại sự nhận thức và truyền đạt về giáo lý của Đức Phật để thực tập một cách hiệu quả. Thực tế là có đôi khi mình hiểu lời Phật dạy, mình biết con đường để đi nhưng mình không chịu đi, mình không hành trì đúng như những gì mình đã hiểu, cho nên mình bị khổ là đương nhiên. Tại mình không chịu dừng lại, không chịu buông xuống, mình không quay về với chính mình mà cứ buông thả và chạy theo dòng xoáy của cuộc đời, chạy theo những thứ bênngoài, cho nên mình mới bị khổ!

Chúng ta là những người đệ tử của Phật, hướng đến đời sống an vui, giải thoát, chúng ta phải tin chắc rằng, tu học theo con đường mà Đức Phật đã dạy thì chắc chắn sẽ đi từ khổ nhiều đến còn khổ ít và sau đó sẽ hết khổ, chứ không có chuyện khổ đau tăng thêm. Nhất định là khi tu tập, quý vị sẽ dần dần bớt khổ, dần dần sẽ được nhiều an lạc trong cuộc sống. Như lời Đức Phật dạy thì sở dĩ con người ta đau khổ là vì đang bị ràng buộc, bị trói bởi những “cái ách” trong đời. Những thứ mà chúng ta tưởng là mình may mắn có được thì lại là cái ách của mình. Từ tình cho đến tiền, cho đến danh, lợi đều là cái ách kìm kẹp chúng ta.

loading...