Lời Phật dạy
Tập sách quý: Những lời dạy của Đức Phật về tự giải thoát
Thứ sáu, 09/12/2019 08:46
Trong Trung Bộ Kinh, Kinh 110 Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, Đức Phật xác quyết trên thế gian này có những người theo chánh hạnh, chánh hướng tự mình chứng đạt với thắng trí đời này đời khác, và truyền dạy lại.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Như đoạn kinh văn sau đây về người bất chánh có tà kiến như người bất chánh, và người chơn chánh có chánh kiến như người chơn chánh.
“Ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh có tà kiến như người bất chánh.
“Ở đời có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh có chánh kiến như người chơn chánh.
(Trung Bộ Kinh - 110 Tiểu Kinh Mãn Nguyệt. Hòa Thượng Thích Minh Châu).
Nhờ vào hồng ân Tam Bảo và lực gia trì của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, của Chư Phật và Long Thần Hộ Pháp, bảy bài kết tập trong quyển tập này được khéo trích dẫn từ Nikàya (Pali tạng) và Hán tạng về tuệ giải thoát qua pháp thuần quán, trong đó Đức Phật đã chỉ dạy trong nhiều bài kinh với những cách trình bày khác nhau nhưng tựu chung cùng hướng đến mục đích tối thượng: giải thoát, niết bàn.
Bảy bài kết tập này được đăng rộng rãi trên các trang Phật Giáo chính thống và phổ biến như Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo, Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học, Phatgiao.org.vn, Trang Nhà Quảng Đức, Đạo Phật Ngày Nay, Thư Viện Hoa Sen, Người Phật Tử, Chùa A Di Đà...
Bài số một: “Tuệ Giải Thoát” được đăng trênTạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 319/2019 và nhiều trang web Phật Giáo chính thống khác, là tập hợp những bài kinh từ Nikàya về Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các pháp (ngũ uẩn giai không), và hành giả không để tâm trụ bất kể pháp nào, thì sẽ được giải thoát. Đặc biệt, những ai khéo và kiên tâm tu tập pháp thuần quán sẽ đưa đến giải thoát mà không có thần thông lực.
Bài số hai, “Để Tâm Vô Trụ Khi Làm Từ Thiện”, được đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học số 5/2017 và nhiều trang web Phật Giáo chính thống khác, là một sự đúc kết về pháp môn ‘vô trụ’ qua năm thời giáo pháp của Phật Tổ từ Pali tạng đến Hán Táng, qua đó cho thấy tính tương đồng và nhất quán của Phật Giáo Nam Truyền và Phật Giáo Bắc Truyền về pháp vô ngã tướng. Đức Phật dạy bản tâm luôn thanh tịnh, chẳng động, chẳng sanh, chẳng khởi cho nên khi làm việc gì, khi nghĩ tưởng việc gì không nên sanh tâm chấp trước, tức là vô trụ, lìa tất cả tướng, thì hành giả sẽ được giải thoát.
Bài số ba, “Mười Một Cửa Giải Thoát”, được đăng rộng rãi trên nhiều web Phật Giáo chính thống như Phatgiao.org.vn, Trang Nhà Quảng Đức: quangduc.com, Đạo Phật Ngày Nay, Thư Viện Hoa Sen...là sự kết tập những bài kinh Nikàya, đặc biệt kinh số 52 Bát Thành thuộc Trung Bộ trong đó Ngài Anan tuyên lại lời Phật dạy về mười một cách có thể giúp hành giả thoát mọi khổ đau: Bốn cửa từ tứ thiền hiện tại lạc trú, ba cửa từ tam thiền tịch tịnh trú, và bốn cửa từ tứ vô lượng tâm giải thoát. Hành giả chỉ cần thành tựu một pháp chẳng hạn như sơ thiền: ly dục, ly bất thiện pháp có tầm có tứ hoặc từ tâm giải thoát (sân tâm không còn ngự trị trong tâm), hoặc bi tâm giải thoát (hại tâm không còn ngự trị trong tâm) vv, từ đây hành giả tuệ tri sơ thiền, từ tâm giải thoát…, là pháp hữu vi, vô thường, chịu sự hoại diệt nên khổ, vô ngã, nên hành giả không sinh tâm chấp trước, như vậy hành giả sẽ được an ổn mọi khổ ách. Đặc biệt, bài kết tập này tập trung vào sự thù thắng của tứ vô lượng tâm giải thoát của đệ tử chân chánh của Như Lai so với những hành giả ngoại đạo khi thành tựu một trong bốn tâm này.
Bài số bốn, “Tự Tại Giữa ‘Có’ và ‘Không’”, được đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học số tháng 9/2018, và nhiều trang web Phật Giáo chính thống khác, là một bài luận ứng dụng tính không trong đời sống hàng ngày để chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát từng phần, tiến đến giải thoát hoàn toàn.
Bài số năm, “Tưởng Vô Thường, Tưởng Vô Ngã, Thoát Mọi Khổ Đau”, được đăng trên các web Phật Giáo chính thống như Phatgiao.org.vn, Đạo Phật Ngày Nay, Thế Giới Phật Giáo, Thư Viện Hoa Sen, Người Phật Tử… là những bài kinh kết tập từ Nikàya và Hán tạng về pháp quán tưởng vô thường, tưởng vô ngã khi hành giả thường an trú, thường tu tập cho đến thành thục, thì sẽ nhổ lên sự kiêu mạn: Tôi Là, chứng đạt niết bàn ngay trong đời này.
Bài số sáu, “Chân Không Diệu Hữu, Tự Tại Thong Dong”, được đăng trên Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 330 _01/10/2019, và nhiều trang web Phật Giáo chính thống khác, là kết quả kết tập lời Phật dạy trong kinh Nikàya và Hán tạng, trong đó Thế Tôn chỉ hành giả cách an trụ tâm ở ‘không’, là sự an trụ cứu cánh giải thoát. Đặc biệt Đức Phật dạy ‘cái gì’ là hư vọng, ‘cái gì’ là chân đế (chân không), niết bàn: Hành giả tuệ tri tất cả pháp đều hư vọng do duyên hợp, duyên tan, duyên sanh, vô tự tánh, không thấy cái ta, cái tôi, cái của ta, cái của tôi trong tất cả hiện tượng vạn pháp do duyên sanh thì là diệu hữu vậy, vì thế không sanh tâm chấp trước nên giải thoát, chân đế (chân không). Đáng chú ý nhất là bài kinh 81 Pàrileyya Tương Ưng Uẩn cho thấy các lậu hoặc được đoạn tận ngay lập tức khi tuệ tri hành là vô thường, hữu vi do duyên sanh, thọ là vô thường, hữu vi do duyên sanh, khát ái vô thường, hữu vi do duyên sanh, thì sẽ thong dong tự tại giải thoát ngay lập tức.
Bài số bảy, “Đoạn Nghi Ngờ Là Chơn Giải Thoát”, tập hợp những bài pháp của Thế Tôn về sự tín thọ pháp môn vô trụ do thấu hiểu bản tâm thanh tịnh vắng lặng, chẳng sanh, chẳng khởi, chẳng động nhưng thường sáng soi hay nói một cách khác khi thấu rõ chân diệu đế thì lập tức giải thoát.
Ngoài bài số bốn, tất cả những bài kết tập này là lời Phật dạy trong cả hai tạng kinh chính thống: Pali tạng và Hán tạng cho thấy hành giả thời nay hay về sau hay trước đây đều có thể thành tựu tuệ giải thoát khi khéo hành trì và kiên tâm với tuệ quán vô thường, vô ngã.
“Pháp và luật của ta là thầy của các con, và đừng nương tựa vào bất kể điều gì khác” là di huấn vàng ngọc của Đức Thích Tôn trước khi nhập vô dư niết bàn cho hàng hậu học, nhất là trong thời mạt pháp. Tâm Tịnh xin chân thành chia sẻ đến quý đạo hữu gần xa.
Có thể trong khi kết tập có những sai sót, xin quý đạo hữu cao minh ân cần chỉ bảo để chánh pháp phát triển sâu rộng khắp nhân gian, mang ánh sáng trí tuệ và từ bi đến mọi người, mọi nhà.