Sống an vui

Tắt lửa tham sân

Thứ sáu, 10/10/2023 08:01

Bài kệ 202: “Không có lửa nào bằng lửa tham dục, không có ác nào bằng ác của sự sân hận, không có khổ nào bằng khổ chấp vào thân ngũ uẩn, và không có niềm vui nào bằng niềm vui của Niết bàn”.

Audio

Lửa than đá âm ỉ, nhưng khi đã cháy thì không dứt, nó có thể tồn tại và duy trì nhiên liệu trong vòng ít nhất 24h. Lửa rơm rực lên rồi tắt. Lòng tham vi tế là lòng tham nguy hiểm như lửa than đá. Tham cũng có hai loại, tham tốt và tham xấu. Tham xấu nặng nhất là tham dục, nếu vượt qua tham dục, hạnh phúc gia đình mới được đảm bảo.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Về phương diện tiêu cực, lửa tham dục có thể thiêu đốt con người hàng ngày, hàng giờ nên vạn nhất phải vượt qua. Tham tốt không gọi là lửa, nó là nguồn động lực để đẩy con người về phía trước. Trong 37 phẩm trợ đạo còn được gọi là “dục như ý túc”. Tham muốn làm Phật sự, làm việc lành, tham muốn trở thành người có ích… những niềm ao ước này đều là những ước nguyện đẹp cần được phát huy. Nếu không có tham dục tốt thì khó có thể trở thành người tốt. Chỉ cần tham muốn trở thành bác sĩ là chúng ta đã là bác sĩ 50%, muốn trở thành hành giả là đã trở thành hành giả một phần, phần còn lại chỉ tùy thuộc vào hành động.

Lửa của lòng sân hận buộc con người phải xung đột, thanh toán, loại trừ đối phương. Cái khổ thuộc về phương diện tâm lý và vật lý liên hệ đến thân, tri giác, cảm giác và tâm tư nhận thức. Nếu thấy rõ điều này, không đánh đồng với nó thì nỗi khổ niềm đau sẽ được vượt qua. Chỉ khi quán tưởng và tu tập như vậy, con người sẽ có niềm vui hạnh phúc của Niết Bàn.

Niết Bàn, định nghĩa một cách đơn giản là sự vắng lặng hoàn toàn lòng tham, sân, si, các bế tắc, khổ đau, tâm lý ích kỷ, sự thù hận, nghi hoặc. Tuệ giác về đời sống quá khứ là dữ liệu giúp không bị vướng lụy trong hiện tại và tương lai, là điều phát sinh tự nhiên trong quá trình tu tập của hành giả. Lúc đó các hành giả sẽ có niềm vui của Niết Bàn. Niết Bàn không có gì cao siêu, nó là trạng thái tâm lý vắng bóng hoàn toàn các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới phàm tình, phàm phu tục tử.

Bài kệ 203: “Nếu đói là loại bệnh lớn thì vô thường tạo ra niềm đau về sự mất mát tang thương. Biết nhận đúng sự thật, ta sẽ thấy rõ niềm vui Niết Bàn có thể có mặt”.

Bài kệ này cho phép chúng ta có thể khẳng định: Quan điểm cho rằng đạo Phật yếm thế là sai lầm. Không có bất cứ câu nào trong kinh tạng Pali đức Phật nói “đời là biển khổ”. Những người thực tập Phật giáo viết trong văn học Phật giáo để khuyến tấn, khuyến tu giúp đỡ cho con người vươn lên trong đời sống, vượt qua nỗi khổ niềm đau. Còn đức Phật trong kinh khi nói đến khổ luôn kèm theo vế thứ hai là “con đường diệt khổ”. Trong kinh Trung Bộ đức Phật đã lặp đi lặp lại chủ trương này đến vài chục lần, “xưa cũng như nay, Như Lai chỉ tuyên bố hai điều: Khổ là thực trạng và con đường dứt khổ là điều có thể thực hiện”.

Tuy nhiên phần lớn người ta chỉ nhớ đến vế đầu, “đời là bể khổ”, rồi suy ra cái gì cũng khổ, trong khi đó đời còn có vô số niềm hạnh phúc. Người ta chỉ nhớ vế thứ nhất nên cho rằng Phật tô đen, cường điệu hóa nỗi khổ niềm đau, trong khi vế thứ hai mới giải quyết vấn đề. Nếu không nhìn thấy cái khổ là một thực trạng cần phải vượt qua thì làm sao tìm đến con đường diệt khổ. Hiểu được như vậy, sống và làm được như vậy là chúng ta đang hướng về con đường hạnh phúc, đang có hạnh phúc, đang hướng về Niết Bàn, đang có Niết Bàn và đang trở thành Niết bàn.

loading...