Kiến thức
Tay nào cầm được khói sương
Thứ hai, 02/03/2021 01:00
Ánh sáng của những vì sao và mặt trời cũng như ý nghĩa của việc mẹ đã sinh thành, như tôi đã trở thành phần xương thịt nối dài và tình yêu thương nối dài của mẹ cha, của tổ tiên ngàn đời.
Lời Phật dạy: Khuyến hóa cha mẹ hướng thiện
Hôm nay là ngày mà hơn nửa của trăm năm về trước mẹ sinh ra tôi. Tôi là phần xương thịt nối dài, phần mong ước, khát vọng nối dài của ba mẹ. Tôi cũng là biểu hiện tình yêu với cuộc đời của cha và mẹ.
Ngày hôm nay của hơn năm mươi năm trước, có lẽ cũng là một ngày đầu xuân trời trong và gió lặng thế này. Mẹ kể, sinh ra tôi, mạ đã rất lo lắng và phải cẩn trọng.. bởi: “Con đẹp quá, mạ sợ người ta bế mất con đi...”! Có lẽ, khi sinh ra với thân hình vẹn toàn lành lặn, khuôn mặt bé thơ giống mẹ giống ba... với mẹ, tôi là đứa trẻ rất đẹp. Chắc mẹ đã hạnh phúc rất nhiều!
Năm tháng và quê hương làm thành mái nhà để ba mạ ấp iu qua từng dòng sữa ngọt cho tôi khôn lớn mỗi ngày. Người ta bảo, trong tâm hồn của mỗi con người có một “vùng đau”. Đó là một điểm yếu vô chừng của những người làm cha, làm mẹ đối với đứa con của mình. Cố nhiên, là cả của những người con khi thương lo về mẹ, về cha, mặc dù “Thưa người nước mắt chảy xuôi, giọt mưa rơi xuống từ trời ngàn xưa”.
Từ thuở lên 10 tuổi tôi đã xa nhà, xa quê theo thầy học đạo. Những sớm tinh mơ theo gót ba chào mẹ và anh chị em để ra đi; những chiều chạy ra trước ngõ chùa ngóng về nhà; những bờ lúa dài mãi như bao nhớ mong, khắc khoải của chú bé 10 tuổi ngày nào cho đến giờ vẫn còn đằng đẵng, miên man. Xa nhà, xa mẹ từ tấm bé, tôi đã khát khao biết bao những lời nói yêu thương nâng niu, những cử chỉ bảo ban dạy dỗ ân tình. Thầy tổ dù có thương, cũng khác với tình thương dịu dàng của mẹ. Sự thương lo của thầy, ngược lại, lại được biểu hiện qua những khắt khe, nóng nảy mỗi lúc tôi phạm lỗi hay vụng về.
Xa mẹ cha, tôi lớn lên như loài cây hoang dại. Thế rồi, thời gian mải miết trôi và vô thường cũng lần lượt làm những công việc mà tạo hóa đã giao phó. Mẹ tôi giờ có lẽ đã chuyển sinh ở một kiếp sống mới và hẳn là nhiều phúc lành, hẳn là rất nhiều an vui! Kiếp sống là vậy. Mỗi một giây đi qua là triệu triệu tế bào thay nhau sinh diệt tiếp nối. Người ta thấy bóng đèn sáng và tưởng rằng ánh sáng ấy kéo dài từ khi ta mở điện tới khi ta ngắt điện. Người ta quên mất rằng những gì mắt mình thấy chỉ là tùy duyên tuần nghiệp mà giả hiện. Bóng đèn sáng cũng là triệu triệu lần tắt sáng, tắt sáng trong một phút. Mắt ta thấy ánh sáng yên mãi là cái thấy sai. Nhưng dù đúng hay sai thì ánh sáng ấy giúp ta thấy được mọi vật trong bóng tối. Nó giúp ta đọc sách, học bài dễ dàng.
Chỉ khi lớn lên ta mới hiểu bố mẹ khổ thế nào vì con
Ánh mặt trời hay những vì sao trên bầu trời đêm thăm thẳm là những màu nhiệm của vũ trụ. Nhưng khi mắt chúng ta thấy được thì rất có thể đó chỉ là hình ảnh từ những ngôi sao đã không còn sáng nữa. Thậm chí, ngôi sao ấy có thể đã không còn tồn tại. Dù vậy, ánh sáng ấy đã trở thành một biểu hiện cho sự có mặt của những vì sao kia. Ánh sáng của những vì sao và mặt trời cũng như ý nghĩa của việc mẹ đã sinh thành, như tôi đã trở thành phần xương thịt nối dài và tình yêu thương nối dài của mẹ cha, của tổ tiên ngàn đời. Nhận thức về vô thường, về tương tức giúp chúng ta tiếp xúc và đón nhận mọi người, mọi sự việc với tâm thế khiêm cung, bao dung và hòa hợp.
Vốn dĩ mọi sự luôn thay đổi và không nằm trong giới hạn của hình hài, không nằm trong ý niệm còn - mất, có - không. Giữ được nhân tâm lành lẽ, từ hòa trong cuộc đời và tưới tẩm nó cũng giống như cách mà một bóng đèn kia triệu triệu lần tắt sáng để thắp sáng không gian. Cố nhiên một mai có thể phải đến một ngày buông tay ngơi nghỉ, nhưng sự cố gắng cũng như những ánh sáng đã có ấy không mất đi. Chúng còn hiện hữu khắp không gian và thời gian, liên tục hóa thân vào muôn hình vạn trạng khác.
“梧桐一葉生,天下新春 - Ngô đồng nhất diệp sinh, Thiên hạ tân xuân tái”.
Nhìn một chồi lá non biết mùa xuân tới. Chỉ một chiếc lá đâm chồi biết đất trời đang xuân. Cũng như vậy, người ta có thể đem nhiều năm yêu thương chờ đợi, đem tất cả nhớ nhung để gửi vào một ánh mắt, một cái nắm tay trong ngày đoàn tụ. Người mẹ đem cả thanh xuân và những thương lo mà cưu mang sinh thành đứa con của mình:
“Rồi mẹ ngược miền thiếu nữ
Lọc từng nét đẹp, vẻ xinh
Kiếm nỗi dịu dàng muôn thuở
Chuốt nên vóc dáng con mình”
Khi những nhọc nhằn khắc khoải, những đằng đẵng khổ vui cay đắng của kiếp người thành một giọt lệ trên khóe mắt, khi tất cả đặc tính của vũ trụ đều có mặt trong một hạt bụi; khi trong lòng một giọt nước có thể chứa được vị mặn của đại dương, hẳn nhiên, chúng ta có thể vững vàng hơn và bao dung hơn với mình, với người và với cuộc đời.
Thuở còn là một chú bé, có người nói với tôi rằng, bởi vô thường, nên không phải điều gì mình muốn, điều gì mình thương và muốn giữ mãi thì cuộc sống sẽ để cho mình được như ý. Tôi đã không tin điều đó. Tôi đã ra đi, rồi lại trở về bên ngôi nhà mà tấm bé đã níu áo mẹ vào ra. Ngôi nhà tôi thương từng nếp rơm vách đất, từng lọn khói lam chiều trên gian bếp con con có bóng dáng quen thuộc của mạ tôi.. Nhưng rồi, không phải năm tháng nào cũng yên lành mãi; không phải cái tết nào, sự sum họp đoàn tụ cũng dễ dàng.
“Tay nào cầm được khói sương
Mới mong giữ nổi yêu thương cho mình”
Nhưng bởi vì sao tôi lại muốn nhắc đến chuyện của một giọt nước mang vị mặn mòi của biển cả; một hạt bụi chứa được cả những đặc tính của vũ trụ; một giọt nước mắt chứa được những hạnh phúc hay khổ đau kiếp người.. Và còn cả những chiếc vỏ ốc của những chú ốc biển đã giữ lại đại dương trong mình. Chăm lo không mất đi; cố gắng không mất đi; từ tâm và những biểu hiện của tình thương không mất đi..
Chỉ cần hiểu, chỉ cần biết cách, mình sẽ giữ lại được.
Dù có là khói sương!
Nguồn: https://reatimes.vn/