Chùa Việt

Thăm chùa Chuông đệ nhất phố Hiến danh lam

Thứ bảy, 21/07/2015 10:00

Theo lời của Đại đức Thích Thanh Khuê, trụ trì chùa kể về lịch sử của chùa, chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” tức chùa Chuông Vàng vốn nổi tiếng là “Đệ nhất danh lam” Phố Hiến. 

Đây là ngôi chùa cổ thuộc thôn Nhân Dục, Phường Hiến Nam, Tp.Hưng Yên ẩn chứa bao huyền tích lạ lùng. Khi một trận đại hồng thủy hung dữ cuốn theo một bè gỗ và trên đó ngự một quả chuông bằng vàng rất đẹp.

Chiếc bè trôi qua nhiều nơi nhưng đến địa phận thôn Nhân Dục thì dạt vào bãi sông, các cụ già ở làng hô hào trai tráng trong vùng dốc hết sức lấy dây kéo chuông nhưng không được.

Thấy thế, Sư cụ một ngôi chùa nhỏ trong thôn mời 10 người nam trung, nữ trinh, họ lấy tay nhấc chuông lên một cách nhẹ nhàng. Thấy sự lạ, người trong vùng mới góp tiền xây dựng lại chùa khang trang rộng rãi hơn và làm lễ rước chuông vào gác.

Tất cả đều háo hức nghe Sư cụ thỉnh hồi chuông đầu tiên, hồi chuông ấy vang lên âm thanh trong sáng, bay xa ngàn dặm làm dân tình các nơi nghe thấy đều phấn chấn và báu vật của người Nam lưu lạc ở xứ Bắc đều trỗi dậy tìm về.

Bọn vua quan phương Bắc rất lo lắng, bọn chúng liền sang đất Việt đóng giả là cao tăng tìm đến chùa hòng lấy cắp chuông vàng, biết được dã tâm ấy các tăng trong chùa mang chuông giấu xuống một giếng nhỏ. Dần dần, các tăng giấu chuông đều viên tịch hết, hậu thế muốn tìm lại nhưng không biết ở đâu và đều cho rằng chuông vàng đã về với đất Mẹ. Để tưởng nhớ quả chuông thiêng ấy, các tăng và nhân dân đổi tên chùa là Kim Chung tự tức chùa Chuông Vàng.
 
Mặt tiền của Kim Chung tự quay hướng Nam, đó là hướng của Bát Nhã và Trí Tuệ. Qua cổng Tam quan, tôi thấy con đường được lát đá xanh trải dài tới tận nhà Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng Điện. Ngay dưới là những bậc thang dẫn tới cây cầu đá bắc qua ao Mắt rồng với dòng trong dòng đục, hai bên ao trồng nhiều hoa súng. Đi qua dòng trong đục, ta như thấy được ta trọn vẹn, thấy như được gột rửa bụi trần để đi gần về phần “người” trong ta hơn.
 
Nét đặc sắc của ngôi cổ tự này là hệ thống các pho tượng Phật độc đáo được chế tác rất tinh xảo từ đất sét thể thể hiện triết lý vô thường của nhà Phật. Nổi bật là Bát Bộ Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, 4 bức tượng Bồ Tát chạy dọc theo hành lang. Các pho tượng được tạo tác rất công phu, điêu luyện, trong tư thế ngồi thoải mái, nét mặt thể hiện sâu sắc tâm trạng buồn vui, ưu tư hay thoát tục sinh động, mỗi pho tượng có một tư thế, dáng vẻ riêng và biểu cảm khác nhau.

Với cương vị Trưởng BTS GHPGVN Tp.Hưng Yên, Đại đức Thích Thanh Khuê luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo và từ thiện. Đại đức Thích Thanh Khuê đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp tỉnh, thành địa phương. Nhưng hơn hết là niềm tin yêu và mến phục của tất cả nhân dân trong vùng dành cho thầy.
 
Đại đức Thích Thanh Khuê còn cho biết chùa có tự bao giờ thì đến nay vẫn chưa xác định rõ. Khởi điểm xây dựng chùa vào khoảng thế kỷ thứ III sau Công nguyên, ước đoán chùa có niên đại cách ngày nay khoảng 1800 năm. Nhưng theo cuốn “Đồng Khánh địa dư chí” thì chùa Chuông được nhắc đến như sau: “Kim Chung tự, tức chùa Chuông, dựng trong niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) đời Lê Dụ Tông, quy mô rộng lớn, gác chuông cao đẹp.

Trong chùa có bia và cột hương ghi chép tư liệu liên quan đến đô thị cổ Phố Hiến hồi đầu thế kỷ XVIII”. Các nhà nghiên cứu cho rằng chùa và văn bia có quan hệ mật thiết và thường xuất hiện cùng nhau.

Vì thế, họ đều chấp nhận ý kiến về phát tích từ triều Lê của chùa Chuông qua cứ liệu niên đại trên bia. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là giả thuyết vì những cứ liệu trên bia là cứ liệu nói về việc trùng tu chùa Chuông một cách quy mô hơn chứ không phải ghi về việc dựng chùa Chuông. Mặt khác, một số di vật trong Chùa như một vài viên ngói trên mái là ngói mũi hài có nét hoa văn thời Trần, rất có thể chùa Chuông được xây dựng trong bối cảnh Phật giáo thời Lý – Trần.
Đại đức Thích Thanh Khuê trụ trì chùa Chuông
Trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc đặc sắc từ thời Hậu Lê với những giá trị về tinh thần và văn hóa sâu sắc. Năm 1992 chùa Chuông được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015 chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt, tháng 3/2015 chùa được Unessco xếp hạng Linh Thiêng cổ tự. Điều đó đã khẳng định được vị trí của ngôi cổ tự này đối với Hưng Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hằng năm, vào dịp Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan hay mỗi dịp xuân về, chùa Chuông lại tổ chức lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương, cũng là điểm hấp dẫn khách du lịch gần xa khi đặt chân đến Hưng Yên, trở thành điểm không thể bỏ qua cho những ai muốn tìm hiểu về vùng đất vốn từng vang danh một thời: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Dù giờ đây trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phố Hiến đã không còn là thương cảng huyết mạch, nhưng chùa Chuông cùng với quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa Phố Hiến vẫn sẽ tồn tại, nhắc ta về một lịch sử không thể lãng quên, làm nức lòng những con người Hưng Yên mỗi khi nhớ về.

Bách Diệp
loading...