Chùa Việt
Thăm chùa cô Tám ở Bạc Liêu
Thứ bảy, 30/10/2016 11:27
Từ nhỏ tôi đã nghe và biết “Chùa Cô Tám” vì rất gần, cách nhà chừng hơn 4 cây số, theo hương lộ hướng về cửa biển Gành Hào, tọa lạc ở cửa ngõ chợ Cây Giang (Long Điền – Đông Hải – Bạc Liêu bây giờ).
Để đến chùa Cô Tám, lũ nhóc chúng tôi lội bộ trên con lộ lõm chõm chỉ có hai vệ đường là có lối mòn êm chân, ngoài ra đạp xe xóc không chịu nổi vì hương lộ ngày ấy vốn dành cho xe quân sự là chính, phương tiện giao thông chưa nhiều như bây giờ.
Chùa Cô Tám nằm ven một con rạch rất nhỏ, tựa vào cánh đồng lớn, vào lễ hội chen chân không lọt, tuổi nhỏ chỉ thấy... vui thôi!
Rất lâu xa nhà, về quê, được bạn chở đến thăm chùa, quang cảnh nay đã thấy khác: đường nhựa bon bon, còn chùa đang xây chánh điện mới ở giai đoạn sắp hoàn thành, vị ni trụ trì được bá tánh gọi thân mật là Cô Tám thì đã hơn trăm tuổi, đang có bệnh.
Lần đầu tiên tôi được diện kiến vị trụ trì Thích Nữ Diệu Pháp vì ngày bé đến chùa thường đi lòng vòng bên ngoài có mấy khi nào vào đến chánh điện đâu!
Lần đầu tiên tôi được diện kiến vị trụ trì Thích Nữ Diệu Pháp vì ngày bé đến chùa thường đi lòng vòng bên ngoài có mấy khi nào vào đến chánh điện đâu!
Giảng đường nhỏ gọn đang làm nhiệm vụ của một chánh điện với Tam bảo thanh tịnh, ở góc chính diện ngôi chánh điện lớn đã thành hình. Quan sát kỹ những hoa văn và gam màu bên trong chánh điện, thấy công phu những bàn tay và ý tưởng sâu sắc về Phật pháp được lồng bên trong từng bố cục: những lồng đèn với sắc màu sâu lắng và trang nhã treo trên trần, những bài vị bằng chữ Hán và hai bên tường tái hiện cuộc đời đức Phật qua những phù điêu phủ nhũ đồng. Ở vị trí trung tâm, kim thân đức Phật đúc tại chỗ rất oai nghi hiện rõ 32 tướng tốt trong một phối cảnh cân đối và đúng chuẩn Phật giáo.
Có duyên viếng một số chùa ở hai miền, chùa Cô Tám quê tôi ngoài những kiến trúc mang tính chung của Phật giáo, tọa lạc trên vùng đất quanh năm nước mặn đầy cỏ dại và ô rô, cóc kèn... Trước mặt sau lưng trơ trọi thiếu hẳn những cây cổ thụ quen thuộc chốn thiền môn và bặt không cảnh chim chóc, lạ lẫm... Vùng đất này vậy.
Ngồi cung kính tách trà trong gian phòng khách giản đơn xưa cũ, tôi nghe quý phật tử và các vị trong ban hộ tự kể vài nét về lịch sử ngôi chùa qua hai cuộc chiến tranh với bao thăng trầm, về cô Tám Thích Nữ Diệu Pháp và bậc chân tu sáng lập đã viên tịch từ lâu, những biến cố lớn đã qua và khó khăn hiện tại ở một vùng còn nghèo khó của một huyện mới thành lập. Hoàn cảnh vậy mà dựng được ngôi chánh điện như thế là cả một kỳ tích, cho dù mới hoàn thành chừng 70%, ngày an vị chờ mãi vì thiếu kinh phí, âu đấy cũng là chuyện thường gặp ở mọi ngôi chùa.
Những vị trong ban hộ tự và phật tử thuần thành tiếp chuyện tôi chân chất nông dân, họ là người con của vùng đất này và gắn bó với ngôi già lam của quê mình, nơi thanh tịnh do vị ni già dẫn dắt và tuyệt không có bóng cổ thụ dù chùa đã tồn tại ngót thế kỷ, đơn giản vì đây là vùng nước mặn quanh năm.
Ngắm mải miết những nét thanh tao công phu và hoàn mỹ của ngôi già lam đang sắp hoàn thành, lòng cảm kích trước tấm lòng của bao nhiêu phật tử gần xa đã chung tay xây cho vùng đất này, cho “chùa Cô Tám” một ngôi chánh điện mới thỏa lòng mong mỏi cả một vùng đất, và chắc chắn là của vị ni trụ trì đáng kính.
Thành Công