Chùa Việt

Thăm chùa Phật Tích ở Thủ đô Viêng Chăn

Thứ bảy, 05/09/2016 05:44

Trong những ngày đầu tháng 9, khi các ngôi chùa trên đất nước Lào đang làm lễ mãn hạ và Vu lan theo lịch của Phật giáo Nam Tông, chúng tôi thật hữu duyên khi được thăm ngôi chùa Việt tọa lạc ở trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, chùa Phật Tích. 

Chùa Phật Tích tọa lạc trên mảnh đất rộng 2500 m2, từ thời Pháp thuộc – nơi đây là nghĩa trang, một số người dân Lào và kiều bào đã lập một cái Am để thờ các vong linh, sau đó trong quá trình người Pháp xây dựng và quy hoạch thủ đô Viêng Chăn, nghĩa trang cũ đã được di dời. Năm 1957, sư Diệu Thiện từ Việt Nam sang và cụ đã tôn tạo cái Am thành nơi thờ Phật và đặt tên là “Phật Tích linh ứng tự” cũng là để vừa có nơi tu hành, vừa phục vụ tín ngưỡng cho bà con kiều bào sống ở các khu vực lân cận.

Ngày 23/10/2003, sư bà Thích nữ Diệu Thiện mất, cũng trong năm đó Đại đức Thích Minh Quang vừa từ Đức về, thời điểm đó ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng, nhưng phần vì do sư bà vừa mất, phần cũng thiếu kinh phí thực hiện nên mãi đến năm 2008, Đại đức mới quyết định khởi công xây dựng chùa. Đại đức cho biết, khi xây dựng chùa cũng không xác định thời gian hoàn thành vì thiếu kinh phí, lúc khởi công trong tay chỉ có vỏn vẹn 5000 đô la do kiều báo cúng dường mà Đại đức "để dành" từ lúc ở Đức về.

Trong tuần đầu khởi công, công thuê phá dỡ chùa cũ đã tốn 3000 đô la, 2000 đô la còn lại chỉ đủ để xây móng. Tuy khó khăn như vậy, nhưng Đại đức cho biết như có long thần hộ pháp gia hộ, ngôi chùa đã xây dựng xong với thời gian kỷ lục chỉ trong chưa đầy 2 năm đã hoàn thiện. Tổng kinh phí xây dựng lên đến gần 1 triệu đô la, điều đặc biệt hơn gần như toàn bộ kinh phí xây dựng chùa đều do các phật tử kiều bào ở Lào đóng góp xây dựng nên.

Ngày 19/11/2010, ngôi chùa hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 450 năm thành lập Thủ đô Viêng Chăn. Kể từ đó đến nay, chùa Phật Tích là ngôi chùa không thể thiếu trong chẵng hành trình thăm quan đất nước Triệu Voi của những du khách đến từ Việt Nam.
Cây Bồ Đề trước cổng chùa Phật Tích
Trước cổng chùa là cây Bồ Đề, Đại đức Thích Minh Quang kể rằng, theo lời sư bà trước khi mất kể lại, cây Bồ Đề này là do một nhà sư Thái Lan có hạnh nguyện mang giống cây thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ về trồng ở các ngôi chùa linh thiêng trên đất Viêng Chăn. Thời đó, tuy chưa phải là ngôi chùa, nhưng khi đi qua mảnh đất này, nhà sư Thái Lan đã dừng chân và quyết định trồng tại nơi này một cây Bồ Đề để “gieo duyên”. Sau này, như một lẽ tự nhiên mầu nhiệm, cây Bồ Đề án ngự trước cổng chùa, che bóng mát cho cả ngôi chùa vào buổi chiều từ hướng Tây.
 
Phía sau cây Bồ Đề là lối vào, điểm nhấn của ngôi chùa là tòa tháp cao 7 tầng uy nghi, toàn bộ tôn tượng, hoành phi, câu đối và bài trí các ban thờ đều do các thợ từ Việt Nam sang thực hiện nên ngôi chùa có nét thân quen và đặc trưng như các ngôi chùa ở miền Bắc - Việt Nam.
Chính điện Tam bảo chùa Phật Tích
Đại đức Thích Minh Quang thân chinh hướng dẫn từng chi tiết của ngôi chùa
Mộ tháp sư bà Thích nữ Diệu Thiện trước sân chùa Phật Tích
Đại đức Thích Minh Quang pha trà Bắc mời khách
Đi cùng đoàn chúng tôi có Hòa thượng Thích Thanh Ninh chùa Quán Sứ - Hà Nội, cụ có quen biết Đại đức Thích Minh Quang, nên khi đến cổng chùa, đoàn đã được Đại đức mời lên phòng trà trên tầng 2 của ngôi chùa để “thỏa sức” khai thác thông tin và tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa có kiến trúc, cảnh quan hết sức riêng biệt so với hàng ngàn ngôi chùa trên đất nước bạn Lào.

Được đắm mình trong không gian tĩnh lặng của chùa Phật Tích dưới cội Bồ Đề sum sê bóng mát trong buổi chiều đầu tháng 8 Âm lịch - đúng vào ngày mà bà con theo đạo Phật đang trải qua những ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo Lào đó là mãn hạ và lễ Vu Lan báo hiếu, đoàn chúng tôi được Đại đức giới thiệu khá chi tiết về đời sống tôn giáo của nước bạn Lào và đặc biệt là của kiều bào. 

Đại đức cho biết, trước năm 1975, cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Lào đã có Chi hội sinh hoạt do sự dẫn dắt của Hòa thượng Thích Trung Quán, Thích Nhật Liên, sau năm 1975 do biến động của thời cuộc, nên sinh hoạt hội đoàn Phật giáo của kiều bào bị gián đoạn, chưa có Chi hội đại diện.

Trong khi đó, tại chùa Phật Tích, các thầy tổ chức lễ tụng kinh sám hối, niệm Phật cho đạo tràng tham gia sinh hoạt định kỳ theo tuần.

Ở Lào có một số ngôi chùa do bà con kiều bào xây dựng, riêng Viêng Chăn có vài ngôi chùa Việt, nhưng chùa Phật Tích vẫn giữ nếp sinh hoạt theo truyền thống do sư bà để lại. Hiện nay, ngoài kinh sách tiếng Việt, nhà chùa đã in kinh sách Bắc Tông sang chữ Lào để cho một số kiều bào có thể đối chiếu so sánh và cũng phục vụ cả một số gia đình gốc Lào – Việt thực hành nếp tín ngưỡng được thuận lợi. 

Tại gian thờ vong chùa Phật Tích, có hàng trăm di ảnh của kiều bào sang đây từ những năm đầu thể kỷ XX và cuối thể kỷ XIX được con cháu gửi lên chùa, có cả các hũ tro cốt do các gia đình Lào - Việt, và người Lào gửi lên.

Được nghe kể những câu chuyện thắm tình đạo Phật, được mục sở thị trực tiếp ngôi chùa Phật Tích, được văng vẳng nghe câu kinh, tiếng mõ quen thuộc đã để lại cho chúng tôi dư âm và niềm tin vững chắc về tình hữu nghị giữa Phật giáo hai nước nói riêng, và giữa hai dân tộc nói chung. 

Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Giới Minh

loading...