Chùa Việt

Thăm chùa Thiên Long thành phố mới Cam Ranh

Thứ hai, 26/08/2014 04:55

Chùa Thiên Long toạ lạc tại số 297, đường quốc lộ 1, khóm 3, Phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. 

Thiên hạ tịnh xưng tôn thiên cổ từ phong đồng tấn  hoá
Long thần thường hộ hựu tứ thời quang cảnh thắng trang nghiêm
Cổng Tam quan chùa Thiên Long, Ba Ngòi, Cam Ranh
Thiên Long tự được kiến tạo vào năm 1942, do Cụ ông Trần Trứ, Pháp danh Tâm Chí, tự Thiện Thành, người Cam Ranh - một phật tử thuần thành hểt lòng kính tín Tam Bảo. Với tấm lòng mộ đạo, Cụ tự nguyện xã bỏ sự nghiệp, tạo lập thảo am để tu hành, sớm kệ, chiều kinh, vui với cửa chùa, được chính quyền Pháp thuộc lúc bấy giờ chấp thuận đăng ký vào sổ bộ thuộc Thôn Trà Long, Ba Ngòi (Cam Ranh).
Đại hùng bửu điện chùa Thiên Long - tai Tịnh độ đạo tràng

Lúc đầu chỉ là một thảo am khiêm tốn, gồm hai gian, tường gạch, tô vôi, mái lợp ngói vảy.

- Gian giữa là Chánh điện thờ Phật, với diện tích: 7,5m x 5,5m

- Gian phía Đông là nhà khách, với diện tich: 7,4m x 5 m.

Sau 14 năm hương khói, vì tuổi già, sức yếu, theo định luật vô thường sinh, lão, bệnh, tử, có sinh ắc có diệt, Cụ Trần Trứ đã từ trần năm 1956.

Sau 3 năm mãn tang Cụ, năm 1959, con cháu của Phật tử Thiện Thành - Trần Trứ, muốn cho ngôi thảo am của Tổ phụ mình kiến lập được duy trì và tiếp nối hoằng dương Phật Pháp nên tự nguyện hiến cúng cho Hoà thượng Thích Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang và Ngài an danh ngôi thảo am là THIÊN LONG TỰ.

Sở dĩ Tổ khai sơn an danh là Thiên Long, vì Thiên lấy theo cội nguồn Tổ đình Thiên Bửu, nơi cố phật tử chủ chùa quy y thọ giới, còn Long là ghép với tên thôn Trà Long (Ba Ngòi).
Phật Thích Ca Độc tôn tại đại hùng bửu điện

Từ năm 1959 đến năm 1969 cố Hoà Thượng Bổn sư Thích Bích Lâm đã cử các vị sau đây kế thừa hương khói, hướng dẫn phật tử tu hành tụng kinh, niệm Phật:

1. Giáo Thọ Thích Từ Tâm.

2. Yết Ma Thích Phước Quang

3. Đại đức Thích Diệu Giác

4. Đại đức Thích Trí Lạc

5. Đại đức Thích Trí Phước.

Năm 1969, để phát triển giáo hội Phật giáo Cổ Truyền tại thị xã Cam Ranh, cố Hoà thượng Bổn Sư Thích Bích Lâm, lúc bấy giờ là Chánh Đại Diện Phật giáo Cổ Truyền Trung Phần đã cử Đại đức Thích Trí Tấn, Tri sự Tổ đình Nghĩa Phương, về trú trì chùa Thiên Long, kiêm Chánh Đại Diện Phật giáo Cổ truyền thị xã Cam Ranh.

Trong giai đoạn này, Đai đức Thích Trí Tấn đã xây dựng:

- Cổng Tam quan,

- Xây tường mặt tiền chùa,

- Xây nhà Tây: 14m x 7 m,

- Nâng đất trong phạm vi khuôn viên chùa, khoảng 500 m3 đất,

- Xây trường Trung học Tư thục Vạn Hạnh

Gồm: Văn phòng Ban Giám Đốc và 7 phòng học (49m x 8m)

Bàn thờ Tổ Khai sơn và chư vị Tổ sư tiền bối

Trường Trung học Tư thục Vạn Hạnh do Đại đức Thích Trí Tấn (thế danh Huỳnh Văn Cai) Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền thị xã Cam Ranh kiêm Giám Đốc nhà trường. quản lý theo Giấy phép số 3203.VHGDTN/TT/2G ngày 25.4.1974 của Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh Niên cấp. Trường đã tổ chức giảng dạy Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp (từ lớp 6 đến lớp 12 ngày nay).

Năm 1975, giải phóng miền Nam, chùa bị bom (có lẽ là bom thả đánh sập cầu Trà Long nhằm cắt đường giao thông Bắc Nam), nên nhà Tây, tuờng mặt tiền chùa, cổng Tam quan bị sập đổ nát. Chùa bị trụt ngói, hư hoại nhiều, Đại đức Thích Trí Tấn không thể tu bổ chùa trong điều kiện kinh tế giai đoạn này quá khó khăn, nên sau tháng 5 năm 1975, Đại đức phải trở về quê hương Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Chùa chỉ còn Thầy hương đăng Nhựt Kiến – Võ Bốn người đã làm hương đăng hương khói, giữ gìn chùa và làm thuốc nam cứu người, sống cuộc đời tương rau đạm bạc qua ngày.

Năm 1997, khi điều kiện kinh tế của đất nước bắt đầu phát triển, cuộc sống của phật tử khá hơn, sau cơn mưa trời lại sáng. Chùa chiền có điều kiện trùng tu, xây dựng lại. Được sự hứa khả của Hoà thượng Thích Trí Tâm, Phó Ban trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương,  Đại đức Thích Trí Tấn trở về trú trì chùa Thiên Long, tiếp tục sửa sang, tu bổ phát triển chùa Thiên Long giữ gìn ngôi Tam bảo của Thầy Tổ khai sáng.

Đại đức Thích Trí Tấn đã tu bổ lại Chánh điện đã bị trụt ngói.

-Thỉnh Phật Thích Ca độc tôn an vị.

-Kiến tạo Tịnh nghiệp đạo tràng cho Phật tử tu niệm.

-Xây dựng nhà khách.

-Tiếp tục nâng đất chung quanh vườn chùa.

Mái chùa Thiên Long được bao phủ bởi bóng cây cổ thụ

Đặc biệt là vào năm 2007, Thượng toạ Thích Trí Tần đã xây dựng cổng Tam Quan, chiều ngang 11,5 m, cửa chính rộng 4 m, cao 11 m, sừng sững, uy nghi, sát mặt đường quốc lộ 1, khách thập phương mỗi khi vào Nam ra Bắc đi ngang qua chùa đều có dịp chiêm ngưởng cổng Tam quan chùa Thiên Long.

Kiến trí tổng quan chùa Thiên Long:

Cổng tam quan kiến trúc cổ lầu, mái uốn cong, bốn góc có giao long uốn lượn, nóc mái là lưỡng long chầu nguyệt. Mặt bên ngoài đường, hai bên cổng chính với câu đối:

Thiên thượng nhân gian trí huệ hoằng thâm khai tư đạo
Long cung thuyết pháp tấn phát quần sinh nhập thử môn.

Hai cửa hai bên cổng tam quan với câu đối:

Tiền lộ hành nhân xuất nhập tổng quy chơn phát tâm quy bửu sở
Đường trung thất chúng nghiêm trì hạnh nguyện chấn tông phong.

Trên tầng cổ lầu: chính giữa là THIÊN LONG TỰ, Hai bên với câu đối:

Thiên thượng tằng quy y
Nhân gian giai khể thủ.

Mặt trong cổng tam quan, hai bên cổng chính với câu đối:

Thiên đế hộ trì cận duyệt viễn quy tăng tín tựu
Long vương phụng cúng đông thành tây tựu phước huệ đa.

Hai cửa hai bên cổng tam quan với câu đối:

Phương tiện môn khai nhậm vận khứ lai đô thị hiện
Tuỳ duyên pháp hoá y nhân xuất nhập tổng quy chân.

Cổ lầu mặt trong cổng tam quan chính giữa với bảng hiệu CHÙA THIÊN LONG.

Hai bên với câu đối:

Trí lập thành cơ chỉ
Tấn đạo tịnh nghiêm thân.

Vào sân chùa, phía bên tay mặt từ ngoài vào là miếu cô hồn.

Bước vào chánh điện, tượng Phật Thích Ca độc tôn, ngồi kiết già trên đài sen, cao sát mái nhà, với tấm lòng từ mẫn đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng như nguyện độ tất cả chúng sinh ở cõi Ta bà đầy phiền não.

Phía trên là tấm hoành phi được chạm trổ công phu ba chữ Thiên Long Tự.

Bên tay phải từ ngoài bước vào là ngôi nhà Tổ, nơi ghi dấu chư vị Tổ sư Tiền bối. Trên bàn thờ Tổ với long vị và pháp tướng Tổ khai sơn Hoà thượng Thích Bích Lâm thuộc đời thứ 40 dòng Lâm tế chánh tông. Một bên bàn Tổ là bàn thờ Thánh.

Căn phòng nhỏ khiêm tốn đơn giản sát nhà Tổ là liêu Thượng tọa trú trì

Đi tiếp qua bên tay phải từ ngoài vào là Điện thờ Mẫu.

Bên cạnh là tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên được tôn trí trong hồ sen với bốn mùa hương sen ngào ngạt.

Lư hương tại chùa Thiên Long

Phía sau tượng đài Quan Âm lộ thiên là Tịnh độ đạo tràng, thờ Tam Thế Phật Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, nơi hằng ngày Phật tử đạo tràng niệm Phật vân tập về đây tụng kinh Di Đà, niệm Phật, kinh hành, tu bát quan trai vào ngày 18 hằng tháng.

Phía sau Tịnh độ đạo tràng, Thượng tọa trú trì cũng đã xây lại tháp Bảo đồng cho cố phật tử chủ chùa, làm nhà Vãng sanh để có nơi cho phật tử quá vãng an trú…

Dãy phòng học Trường Tư thục Vạn Hạnh tại chùa Thiên Long đang bỏ hoang

Thiên Long Tự con đường phía trước còn dài, ước mơ của Thượng tọa trú trì và đồng bào phật tử nơi đây là một ngày không xa, sau khi được chính quyền địa phương trả lại các phòng học của trường Tư thục Vạn Hạnh (hiện nay đang bỏ hoang) trong khuôn viên chùa. Thiên Long sẽ đại trùng tu ngôi chánh điện phạm vũ huy hoàng, rộng rãi khang trang để đủ tiện nghi cho tăng chúng và phật tử tu học, mở trường Sơ cấp Phật học nhằm tấn dẫn hậu lai báo Phật ân đức và làm cơ sở từ thiện nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa phục vụ chúng sinh tức là cúng dương chư Phật…

Điểm nhấn tại chùa Thiên Long (Ba Ngòi) Cam Ranh là đã gẩn 20 năm nay, cứ đến ngày Vía Địa Tạng, Thượng tọa trú trì lại tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo hiếu– Pháp hội Địa Tạng cứu độ vong nhân, Lễ Trai tăng cúng dường cầu nguyện quốc thái dân an, nhân dân an lạc.

Đăng đàn Chẩn tế phố thí bạc độ âm linh, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn… Thiên Long tự ngày nay không chỉ là nơi phật tử sớm tối đi về tụng kinh niệm Phật, tu nhân hướng thiện và còn là địa chỉ văn hóa tâm linh của người dân Ba Ngòi, thành phố mới Cam Ranh. 

Thật đúng là:

風 同

Thiên hạ tịnh xưng tôn thiên cổ từ phong đồng tấn hoá.

Long thần thường hộ hựu tứ thời quang cảnh thắng trang nghiêm 

Nhìn lại cảnh cũ trường xưa "Trung học Tư thục Vạn Hạnh"

Trí Bửu - tháng 8.2014

loading...