Sách Phật giáo

Tham luận của HT.Thích Huệ Minh - Ban Nghi lễ T.Ư

Thứ hai, 24/11/2017 09:35

Nhìn về chặng đường 36 năm trước, khi nước nhà mới giành được độc lập thống nhất Tổ quốc, ở giai đoạn đầu việc đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng chư vị tiền bối đã ngồi chung lại với nhau giữa lòng thủ đô nước Việt để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội thuở ban đầu ấy có 7 Ban trung ương, trong đó có Ban Nghi lễ. Đây là niềm vinh dự lớn của người làm công tác kế thừa nghi lễ.

Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm,
Kính thưa Đại hội!

Lời đầu tiên cho phép chúng tôi thay mặt cho Ban Nghi lễ các cấp, kính gửi lời chào mừng đến Chư tôn thiền đức tăng ni, chư vị khách quý, quý vị cư sĩ tham dự Đại hội được nhiều sức khỏe an lạc, đầy đủ thắng duyên để góp phần cho Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII thành công viên mãn.

Nhìn về chặng đường 36 năm trước, khi nước nhà mới giành được độc lập thống nhất Tổ quốc, ở giai đoạn đầu việc đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng chư vị tiền bối đã ngồi chung lại với nhau giữa lòng thủ đô nước Việt để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội thuở ban đầu ấy có 7 Ban trung ương, trong đó có Ban Nghi lễ. Đây là niềm vinh dự lớn của người làm công tác kế thừa nghi lễ.

Nói đến nghi lễ hoặc lễ nghi, theo phép của người xưa thì thật là thâm thúy và phép tắc. Nên người xưa nói nếu không có nghi lễ, lễ nhạc thì con người khác gì cây cỏ. Cho nên có định nghĩa nghi là những sự phải làm; lễ là lý phải tuân. Nay với góc độ của Ban Nghi lễ, chúng tôi xin mạo muội góp lên vài ý cùng Đại hội:

1. Về xuất gia: Lễ nghi cho nếp sống xuất gia trẻ

Như chúng ta đã biết, thời đại hôm nay, phương tiện thông tin truyền thông là nhanh lẹ qua mạng lưới điện tử vi tính toàn cầu. Phương tiện học hỏi, hiểu biết, giải trí, từ đó cũng đa dạng hơn, được nâng cao hơn. Đó là nền văn minh tất yếu, xu thế của thời đại con người ngày nay. Do vậy, sự xúc tác của sáu căn sẽ nhiều hơn, cái được và cái bị cũng theo đó sanh khởi.

Vậy, với người xuất gia trẻ, hoặc người tập sự muốn xuất gia, chúng ta có phương cách nào để tránh những ảnh hưởng của những vấn nạn hư xấu như: bạo lực hoặc trầm cảm, nóng tính hoặc vô cảm, thiếu đi chất khả ái, khả chân, khả lễ của người xuất gia trẻ. Kỳ thật, nếu mỗi tự thân học hỏi thì trong luật Sa di đã dạy, và oai nghi tế hạnh của luật Tỳ kheo không thiếu.

Nhưng chúng tôi muốn nói ở đây là vị bổn sư khi thâu nhận đệ tử nên thường gần gũi, khuyên nhắc hàng đệ tử mới xuất gia về lễ nghi để phòng hộ cho chính mình. Chính lễ nghi dạy rõ việc nào, vật nào nên làm; việc nào, vật nào nên hạn chế. Bài học đầu tiên của sơ tâm nhập môn vẫn luôn là “Tính tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tính nãi thiên…; dưỡng bất giáo phụ chi quá, giáo bất nghiêm sư chi đọa…”, người xưa đã dạy như thế. Xem ra sự thân cận gần gũi, huấn dục của vị thầy rất là quan trọng. Chỉ có như thế, thì các vị thầy, vị bổn sư mới truyền đạt cho thế hệ xuất gia trẻ, cho đệ tử tập sự xuất gia hạn chế những tác hại của thời đại, đó chính là việc giáo dục nhập môn của người tu về lễ nghi, lễ nghĩa.
 
2. Về giáo dục: Giáo dục khép kín

Lịch sử nền giáo dục của Phật giáo Việt Nam, trong suốt mấy nghìn năm qua, nhìn lại chúng ta đã có một thời hào hùng, các cấp học nội điển được phân chia thứ bậc, tổ chức hành chính của giáo dục có hệ thống quy mô cho tăng sự. Nào là chuyển lớp, chuyển cấp, di chuyển nội trú theo hệ thống của ngành giáo dục nội điển kết hợp thế pháp, nhìn lại phần lớn rất ưu việt. Điều quan trọng lớn nhất là học nội trú.

Nội trú là điều kiện đầu tiên trong sáu pháp hòa kính. Do nhờ tinh thần Lục hòa cộng trụ mà tăng ni sinh thọ học giáo dục tại chỗ đồng đều, thể hiện tính cách của từng cá nhân, do đó nhà trường dễ hiểu và nhìn thấy sở trường của tăng ni sinh; đồng thời nơi cấp học cao nhất của nội điển cũng chính là “Tuyển Phật trường” để Giáo hội định hướng, bổ nhiệm, làm sứ giả kế thừa phật sự, phát huy Giáo hội tương lai. Các hệ thống trường trung cấp cũng có thể dồn lại tập trung, luân phiên theo cấp học. Tránh tình trạng Giáo thọ thiếu, tăng ni chỉ đủ số cho một khóa nhưng vẫn phấn đấu lập trường, và dĩ nhiên là thành quả không cao. Do vậy, chúng tôi luôn ủng hộ và mong mỏi Giáo hội tổ chức nội trú cho cấp giáo dục nội điển cao nhất.

3. Thống nhất nghi lễ: Thống nhất thời khóa nghi lễ chung

Lời đầu trong Hiến chương có nêu: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; tuy nhiên các pháp môn tu hành đúng Chánh pháp vẫn được duy trì…”. Phật giáo trên thế giới có hai phái chính Theravada (Nam tông) và Mahayana (Bắc Tông). Phật giáo Nam tông dù khác biệt quốc gia lãnh thổ nhưng khi gặp nhau chư tăng đều tụng kinh hòa hợp chung nhau, thật là hay. Phật giáo Bắc tông thì không được như thế. Tại Việt Nam, Phật giáo Bắc tông phần nhiều, nhưng nghi lễ xướng tụng khác nhau nhiều. Nay chúng tôi mong mỏi, Phật giáo Việt Nam chúng ta nên có đặc trưng một sách nghi lễ chung, áp dụng khi xướng lễ cộng đồng cho các hệ phái, tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam khi cử hành đại lễ chung. Dự kiến thời lượng khoảng 15 phút, và tất yếu tốt nhất là phải học và trì tụng thuộc.

Chương trình đã biên soạn xong; mong rằng sau Đại hội lần này, Hội đồng Trị sự sẽ chủ trì, giúp đỡ cho Ban Nghi lễ Trung ương phổ biến. Ban Nghi lễ góp cùng Đại hội ba ý kiến như trên, xin quý ngài thường lãm chứng tri. Kính chúc quý ngài Chủ tọa đoàn và chư Đại biểu nhiều sức khỏe, nội lực cùng chung lo Đại hội và phật sự Giáo hội viên mãn.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!

HT.Thích Huệ Minh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
loading...