Chùa Việt
Thăm ngôi chùa 5 năm tuổi ở Bạc Liêu
Thứ bảy, 11/12/2017 09:32
Tôi viếng Tịnh thất (chùa) An Hải khi ba bức tượng Phật bằng composit ánh vàng vừa an vị trên bàn, nhiều tượng Quán Thế Âm trong hộp giấy cứng chờ phật tử thỉnh. Tủ kinh sách ngay ngắn đặt các trước tác Phật giáo và kinh tạng. Tôi ngỡ ngàng khi ở một tịnh thất hẻo lánh lại thật trang nghiêm nhất mà tôi được chứng kiến, thăm viếng.
Đi mòn đường, theo cách nói “trong này”, tới lui hàng ngày, trên cung quốc lộ 1 chừng 4,5 cây số Giá Rai - Hộ Phòng, viếng Tịnh xá Ngọc Tường, chùa Long Đức, chùa Huệ Tâm, chùa Mới Nam tông Khmer rồi xuôi vào tận trong vùng vuông tôm ngút ngàn Phong Thạnh A lân cận, viếng chùa Hổ Phù.
Hình ảnh thân thuộc trên đoạn đường quen, nơi thị tú thương mại sầm uất và cửa ngõ thủy hướng trực chỉ biển Gành Hào ngày đêm cuồn cuộn phù sa, sông mà sóng gió cứ như biển! Kênh xáng Hộ Phòng có lẽ là vùng nội thủy nguy hiểm nhất ở thị xã Giá Rai.
Hình ảnh thân thuộc trên đoạn đường quen, nơi thị tú thương mại sầm uất và cửa ngõ thủy hướng trực chỉ biển Gành Hào ngày đêm cuồn cuộn phù sa, sông mà sóng gió cứ như biển! Kênh xáng Hộ Phòng có lẽ là vùng nội thủy nguy hiểm nhất ở thị xã Giá Rai.
Vùng ngoại vi phường Hộ Phòng bây giờ có đường vành đai kiên cố cùng hệ thống cống hoành tráng điều tiết dòng chảy, và bà con nghèo ở khu ổ chuột đã có những con đường xi măng nhỏ sáng sủa, cho dù có tiếng phức tạp song không còn khu vực “không dám đi”, và tôi đạp xe... đi hết!
Nhưng rốt cuộc mới biết mình…chưa đi hết. Sáng nay viếng chùa Long Đức nơi TT.Thích Minh Lành tu học, trà đàm cùng Đại đức trụ trì Thích Thiện Nhẫn, tôi mới được biết một địa chỉ lần đầu nghe: Tịnh thất An Hải do thầy Thích Minh Hải trông coi. Theo một đường hẹp đầy ổ gà lũm bũm nước mưa tù đọng cách chùa Long Đức chỉ chừng nửa cây số, lòng vòng trong cỏ xanh hay bụi rậm lác đác, đã thấy sừng sững cống xổ nước hoành tráng ở đường vành đai, gần chính ngay chiếc cầu mới tinh tuần nào cũng ngang qua, “Tịnh thất An Hải” trên biển chỉ đường nhỏ màu xanh hiện ra...
Ven kênh xáng sóng gió rát mặt như ở biển, cạnh bãi bồi và bên kia là vuông tôm, cuối xóm nghèo tụm năm tụm bảy những căn nhà đơn sơ lắm, một tịnh thất mới tinh màu sơn hiện ra như hé mở khoảng sáng khác lạ...
Cái gì ở đây cũng mới tinh khôi: màu vôi, mái lợp, Chính điện sáng choang ánh nắng, thư phòng và nơi thầy Minh Hải hành thiền chói chang ánh nước sông cạnh bên. Trong một vuông đất không rộng không hẹp, các Thánh tượng lộ thiên trang nghiêm ở ngoài, miếu và một chốn thờ nho nhỏ ghi: Những linh hồn vô danh. Tôi lễ Phật và thắp nhang tất cả lư hương, chậm bước trong một nhịp tâm linh kỳ lạ.
Ở nơi thiền định, Đại đức Thích Minh Hải, một tu sĩ trẻ nghiêm cẩn tiếp tôi ở bàn trà tháp kiểu Nhật, chè Bắc sánh sắc xanh trong veo. Và câu chuyện lắng lại một sáng...
Vị Đại đức quê ở ngoại ô Sài Gòn, một làng thuộc quận Bình Chánh, vào chùa từ 6 tuổi, tu học từng giai đoạn khó khăn: Sài Gòn, Long An rồi vào Trà Vinh, đến Long Phước - Bạc Liêu hoàn thiện kiến thức Phật học. Theo một nhân duyên kỳ lạ mà đến đồi đất hẻo lánh này an trú, nơi lâu đời chỉ có mỗi cái miếu nhỏ ở chốn dòng xoáy nước sông lớn cướp bao sinh mệnh do lật ghe thuyền. Nghe tới đây tôi vỡ ra: Hèn gì có một chỗ thờ “linh hồn vô danh” ngoài kia!
Nhiều mạnh thường quân đã mở lòng phát tâm cúng dường để có ngôi tịnh thất mới tinh khôi như đã tả: Nhà xe Kim Yến, Hòa Thuận, một thương nhân ngành thủy sản...Thế là 5 năm nay, nơi đồi đất ác nghiệt và cuối xóm nghèo, ở khoảnh đất khuất thuộc phường Hộ Phòng xuất hiện một ngôi Tam bảo thanh tịnh, có hẳn một vị Đại đức “đứng mũi chịu sào” trông nom.
Câu chuyện bên tách trà thơm kéo dài sang công tác từ thiện: Tịnh thất thường xuyên có nguồn hỗ trợ để trợ giúp các bệnh nhân nghèo hàng tháng, giúp nhiều hoàn cảnh khó. Về phật sự, thầy Minh Hải mở các khóa tu định kỳ, mời các vị tăng đồng học về thuyết giảng các đề tài gần gũi. Vùng đất khó, khắc nghiệt đã có ánh sáng Phật pháp, có bậc xuất gia hướng dẫn tu học cho bà con.
Tôi viếng Tịnh thất An Hải khi ba bức tượng Phật bằng composite ánh vàng vừa an vị trên bàn, nhiều tượng Quán Thế Âm trong hộp giấy cứng chờ phật tử thỉnh. Tủ kinh sách ngay ngắn đặt các trước tác Phật giáo và kinh tạng. Tôi ngỡ ngàng khi ở một tịnh thất hẻo lánh lại không khác chi ngôi chùa trang nghiêm nhất mình từng viếng.
Mấy em nhỏ tiểu học quần đùi áo số đã rồng rắn lội bộ theo tôi âm thầm từ bên Long Đức tự theo lối nào đấy mà đến tận đây, ngồi đứng lô nhô nơi Thánh tượng lộ thiên đức Quan Âm cạnh dòng kênh réo rắt, “họ” biết trong ba lô của tôi có hàng trăm đĩa CD, VCD hoạt hình hấp dẫn mới tinh! Và tôi đã tặng lại cho thầy Minh Hải tất cả, nhờ thầy trao cho các cháu bé. Tôi đã có một buổi sáng hạnh phúc khi được thầy Đại đức trao tận tay Thánh tượng Quan Âm trong hộp giấy.
Như thế, ở Hộ Phòng, gần cống điều tiết nước hoành tráng và cung đường vành đai, trong xóm nghèo nhất chợ, có một ngôi chùa của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
... Đã 5 năm tĩnh lặng giữa làng quê.
Nguyễn Thành Công