Kiến thức

Thần chú tối thượng

Chủ nhật, 10/03/2023 11:21

Đạo Phật đi vào đời với muôn nghìn Pháp môn, muôn nghìn cửa để cho chúng sinh tùy duyên theo căn cơ của từng người mà bước vào, cũng như một chiếc lưới Chánh Pháp Phật tung ra để thu nhiếp được tất cả chúng sinh dần dần đi về đúng lộ trình tu tập.

Và khi bước vào căn nhà chung của Phật Pháp rồi, thì ta thấy chỉ có một lộ trình sâu xa tất yếu để tu tập đó là Bát Chánh Đạo mà thôi. 

Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm cũng như thế…

Trong Bát Nhã Tâm Kinh có đoạn kinh như sau: "Bồ tát đến với chúng sinh bằng tâm từ bi vô hạn, không phân biệt kẻ sang, người hèn, kẻ dở người hay, thậm chí thương yêu cả kẻ xấu ác để tìm cách hóa độ.

Bồ tát sẽ phải chấp nhận mọi điều vinh quang hay cay đắng, tôn vinh hay nhục mạ một cách bình thản. Bồ tát sẽ phải tùy vào tâm tình, ngôn ngữ, sở thích của chúng sinh mà hóa độ, chứ không chấp cứng vào văn tự kinh điển…”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghĩa là, ban đầu ta có thể có duyên với Ngài Quan Âm, với Phật Pháp qua câu niệm Phật, trì chú…đó cũng chỉ là cái duyên ban đầu, cái cửa ban đầu để đi vào ngôi nhà của Chánh Pháp mà thôi. 

Hoặc trên đường đời, có rất nhiều người được Ngài Quan Âm cứu giúp thì chúng ta nên hiểu rằng mục tiêu cuối cùng của các vị Bồ tát vẫn là gieo duyên lành để hướng chúng sinh đi về với việc tu tập. Việc làm này tốn nhiều hay ít thời gian thì tùy vào mỗi chúng sinh. Vì mỗi người có cuộc sống riêng, hành trạng riêng, trí tuệ riêng, tội phước sai biệt không đồng…

Những ai có duyên với Ngài Quan Âm, đặc biệt là quý Phật tử còn chúng tại gia - thì ta cũng phải hiểu thêm một điều là Ngài không muốn chúng sinh ỷ lại vào chư Phật và chư Đại Bồ tát quá nhiều. Mà Ngài muốn chúng sinh sau khi vượt qua cơn ách nạn, tai ương, nghiệp báo rồi thì phải tự thân lo tu tập, giữ giới, huân tập đạo đức, cất công gầy tạo công đức….trước là ta hết khổ. Sau mới nói chuyện ta đứng lên làm chỗ nương tựa cho mọi người, cho gia đình ta, cho xã hội ta, cho huynh đệ ta, cho Đất Nước ta, cho Đạo Pháp ta giữa cuộc đời nhiễu nhương và đau khổ. Giữa sự thăng trầm, đổi thay, ly hợp, đau khổ của thế cuộc mà ta giữ được mình, giữ được đạo đức, giữ được giới hạnh, giữ được Chân lý muôn đời của Phật và truyền lửa lại cho mọi người thì ta đúng là con cưng của các Ngài, mới là đệ tử thật sự hiểu được một chút xíu, nhỏ bé về Đại nguyện của chư Thánh! 

Trong kinh Kim Cang, đoạn ngài Tu Bồ Đề hỏi Đức Phật:

Thưa Thế Tôn, làm sao một người tu tập Thiền (bắt đầu giai đoạn Chánh Tinh Tấn) có thể hàng phục được tâm, nhiếp tâm mình vào Định (đến giai đoạn Chánh Định) được ạ? Đức Phật trả lời Ngài Tu Bồ Đề rằng:

Muốn nhiếp được tâm vào định thì phải độ hết chúng sinh Giác Ngộ! Đoạn kinh này rất là vĩ đại và cao tuyệt, nhưng hôm nay chúng ta không bàn mà chúng ta chỉ muốn chia sẻ với nhau thêm một ý trong đó.

Đó là, việc Ngài Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh qua bao nhiêu kiếp số, mà số kiếp đó được ví như trong Kinh Pháp Hoa là vô lượng vô biên bất khả tư nghì, thì cũng là Ngài muốn chúng sinh phải tu tập, dùng các phương tiện mình đang có, để hoằng hóa, độ sinh, làm sứ giả của Như Lai, người trao truyền Chánh Pháp cho càng nhiều người trong khả năng ta thì càng tốt. Nhờ công đức đó mà con đường tu tập, hành trì, hộ trì, và hoằng Pháp ta mới được bền lâu dài hạn, an ổn và đúng với tinh thần của Phật và chư Đại Bồ tát đã ân cần trao dạy qua không biết bao nhiêu là lời nói, là kinh điển. 

Việc giáo hóa này, gieo duyên với chúng sinh này, là việc khó. Không phải dễ. Chỉ có thể dùng lòng từ bi, nhẫn nại, kiên trì, trí tuệ và cộng với sự gia hộ của chư Phật ta mới mong mỏi là thuận lợi. Bởi vì chúng sinh sai biệt nhau về phước, đạo đức, tính cách, tập khí…do đó để chuyển hóa một người cũng là công trình vất vả. Hơn nữa, những người chưa biết gì về Chánh Pháp thì đa phần họ sẽ không dễ mến nên việc từ bi và kiên nhẫn là hai yếu tố hết sức quan trọng.  

Vì là việc khó, do đó mới có công đức lớn. Các vị Phật và chư vị Đại Bồ tát không trực tiếp thị hiện giữa trời mây, giữa hư không mà tuyên bố, tự xưng để chúng sinh đi theo mình. Các Ngài cũng không dùng thần thông để “bẻ” tâm chúng ta từ sai thành đúng, từ tà sang chánh được.  Mà phải là chúng sinh tự tu tập rồi mới nhận được sự trợ lực, gia trì của chư vị mà thôi. 

Vì vậy, đặc biệt là cư sĩ Phật tử tại gia, chúng ta phải làm cánh tay nối dài của Bồ tát Quan Âm để đời sống mình an lạc và việc tu tập được thăng tiến hơn, đúng với mong mỏi của Ngài hơn. 

Vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta, làm sao để hóa độ được mọi người? 

Ta trừ yếu tố Thần thông ra. Không tính tới. 

Ta thấy trong kinh Bát Nhã có đoạn “Bồ tát sẽ tùy vào tâm tình, ngôn ngữ, sở thích của chúng sinh mà tìm cách hóa độ…”

Thì ta sẽ học và tìm cách gieo duyên với chúng sinh bằng nhiều phương tiện, bằng nhiều hình thức…Ta phải tu tập làm sao, mà mỗi khi có sự xuất hiện của ta làm mọi người vui, quý mến. 

Ta phải tốn kém tài vật, thì giờ và công sức của mình mới làm lợi ích cho chúng sinh được. Còn việc mua gì, giá trị bao nhiêu, thì tùy vào khả năng ta và duyên giữa ta với họ. Nhưng trên cơ bản, không gieo duyên thì không có duyên. Hoặc có đôi khi, ta chấp nhận giúp đỡ những người mà ta biết họ có tính phản bội, ta vẫn giúp để làm đúng bổn phận người Phật tử và gieo duyên cho họ với Tam Bảo. 

Hoặc có những nhóm người thuộc tầng lớp thượng lưu, có chức vị, ta cũng phải rất khéo léo, rất trí tuệ mới hóa độ được. Và việc độ họ cũng cần rất nhiều sự gia hộ của chưa Phật và chư vị Bồ tát, Thánh tăng A La Hán chứ với sức ba bò chín trâu ta cũng chẳng là cây đinh gỉ gì, nên nhớ như vậy!

Trong thời đại hội nhập toàn cầu như hiện nay, Ngôn ngữ là một lợi thế. Ta cũng không thể nào học được nhiều ngôn ngữ và cũng không thể đi sang nhiều quốc gia khác nhau để truyền bá Chánh Pháp. Trong đó, Tiếng Anh là một ngôn ngữ chính, mà ngày nay ta phải nên có và thông dụng để giúp việc truyền tải Chánh Pháp tốt đẹp hơn. Người trẻ Phật tử hiện tại không có tiếng Anh cũng là một cái dở, ta cần học và phát huy! 

Rồi mỗi người mình phải siêng năng tạo Phước, gây tạo công đức thật nhiều, huân tập Đạo đức, Từ Tâm sâu dày để mỗi khi ta xuất hiện là có thể đem lại sự may mắn thật sự cho mọi người xung quanh. 

Làm tất cả các hạnh nguyện như thế, khó nhọc như thế, vất vả như thế có khi hết một đời mà số người có duyên với Tam Bảo cũng không nhiều, hay số người tin được Chánh Pháp chưa nhiều thì ta cũng đừng nản lòng…vì việc độ sinh của ta là công cuộc dài dài trải muôn ức kiếp nên ta cũng chớ nản lòng. 

Hiểu giáo lý rồi giúp ta không mê đắm đời nhưng không phải sống cuộc đời như mây như gió rồi xem ai cũng là hư vô huyễn hóa, như vậy là người đó hiểu sai, tu sai!

Ta tôn kính Ngài Quan Âm Bồ Tát thì ta cũng phải học được chút ít, hiểu được chút ít về Ngài như thế và dấn thân đi vào đời mà vất vả tạo công đức, vất vả gieo duyên, vất vả độ sinh như thế để có ngày ta mới “Hàng phục được kỳ Tâm” như Phật dạy trong Kinh Kim Cang. 

Việc đi vào đời giáo hóa như vậy, ta sẽ đi từ vũng bùn này sang bụi gai khác. Đi từ cái hầm chông này sang bờ vực kia…chứ chẳng ai nói đó là con đường bằng phẳng đầy hoa thơm để ta nhởn nhơ đi cả. Luân hồi không phải chỗ để chơi. Ta ở đây mà lỡ sảy tay sảy chân một chút là cửa Địa Ngục mở ra, Súc Sinh có sẵn chỗ cho mình và Ngạ Quỷ thì luôn chờ đón ta nếu ta làm bậy. Biết làm sao được, biết làm sao nói được vì Nhân như thế, Quả như thế. Ta chỉ còn một con đường để đi đó là tu tập, chuyển từ thân phận phàm phu thấp kém thành một vị Thánh, vị Bồ tát để làm đảo cồn nương tựa cho chúng sinh, tự tại Sáu cõi vân du. 

Mà không muốn làm phàm phu mãi thì ta phải tu tập theo đúng lộ trình Bát Chánh Đạo, và công cuộc đi vào đời để cứu đời, giúp người, hoằng hóa độ sinh, không bao giờ mệt mỏi như Vị Đaị Bồ tát khả kính của chúng ta. Đây, là yếu chỉ, là thần chú tối thượng! 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. 

loading...