Kiến thức
Tháng bảy mùa hiếu - Đào Khai Minh (Thích Ngộ Trí Viên)
Chủ nhật, 30/08/2020 03:32
Báo hiếu theo lời Phật dạy, ở tuổi thiếu niên, chúng ta phải siêng năng học tập cho tương lai tươi sáng. Ở tuổi thanh niên, khi đã có sự nghiệp, bản thân mình cần phải hiếu dưỡng cha mẹ một cách tự nguyện.
Mùa Vu Lan: Cùng học cách báo hiếu cha mẹ đúng Pháp
Thời gian của mùa báo hiếu
Mùa báo hiếu trong Phật giáo Bắc truyền bắt đầu từ 01 – 30/7 Âm lịch. Theo truyền thống lâu đời tại Việt Nam, từ ngày 01 – 15/7 Âm lịch, các chùa, cơ sở tự viện trên toàn quốc khai Kinh Vu-lan-bồn, Kinh Báo hiếu công ân cha mẹ, 15 ngày còn lại của tháng 7 Âm lịch thì thọ trì, đọc tụng Kinh Địa Tạng.
Mùa hiếu hạnh 2020
Lễ báo hiếu cha mẹ là văn hóa ứng xử của những người con thảo, cháu hiền trên giáo lý tri ân, báo ân. Năm 2020, đại dịch COVID-19 2 lần xuất hiện tại Việt Nam buộc toàn thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam bất đắc dĩ triển khai các công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và Đại lễ Vu-lan online – một điều chưa từng có trong suốt 2.564 Phật lịch, mà đại lễ Vu-lan là lễ hội Phật giáo lớn nhất nhì của các quốc gia theo truyền thống Bắc truyền, cụ thể là Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Mục đích của hiếu hạnh
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tất cả người con Phật đều không quên ôn đọc lời Phật dạy về hiếu hạnh, vì đó là đạo làm người. Đạo làm người theo tinh thần Đức Phật truyền dạy có 4 khía cạnh[1]: (i). Ơn ông bà, cha mẹ; (ii). Ơn sư trưởng; (iii). Ơn tổ quốc; (iv). Ơn chúng sinh.
Mùa hiếu hạnh không chỉ là hình thức trong tháng 7 Âm lịch, mà còn là lối sống của Phật giáo đồ. Dù là người xuất gia hay Phật tử tại gia, cần nhớ rõ nguồn cội của chính mình từ cha mẹ, cha mẹ sinh ra từ ông bà… chứ không phải từ trời, thần mà sinh ra. Chính vì vậy, nhớ ân sinh thành, dưỡng dục và tạo dựng hạnh phúc tương lai cho con thảo cháu hiền là điều phải có trong đạo làm người.
Báo hiếu thế nào?
Xuất gia sau khi báo hiếu cha mẹ có quá trễ không?
Báo hiếu theo lời Phật dạy, ở tuổi thiếu niên, chúng ta phải siêng năng học tập cho tương lai tươi sáng. Ở tuổi thanh niên, khi đã có sự nghiệp, bản thân mình cần phải hiếu dưỡng cha mẹ một cách tự nguyện. Dù cha mẹ có dư dả, con cháu vẫn phải hiếu dưỡng để cha mẹ tịnh tu giới đức tuổi xế chiều. Ngoài sự hiếu dưỡng, những người con, người cháu cũng phải tu tập, hoàn thiện đạo đức và khuyến tấn cha mẹ trở thành Phật tử, mang đạo vào đời, Phật hóa gia đình.
Đối với cha mẹ đã quá vãng, con cháu hãy nhân các tuần thất mà vận động thân quyến có duyên quy y Tam Bảo tại ngôi chùa đã dẫn dắt mình để thân nhân có cơ hội được biết, hiểu và thực tập giáo pháp.
Kết luận
Đức Phật là nhà tâm linh đầu tiên trên thế giới dạy người Phật tử tôn thờ cha mẹ. Thậm chí, trong kinh tạng Sankrit, Đức Phật còn dạy “cha mẹ là 2 vị Phật trong nhà” – để hướng dẫn bày tỏ lòng tôn kính cha mẹ như cách mà người Phật tử tôn kính Đức Phật. Những ý nghĩa, câu chuyện trong Kinh Vu-lan-bồn và Kinh Báo hiếu công ân cha mẹ cũng là gương hạnh mà các Đức Phật đã làm, Đức Bồ-tát Mục-kiền-liên đã làm gương để khép lại các lỗi lầm với các đấng sinh thành, và truyền trao ý nghĩa hướng về bốn ân lớn trong những ngày tháng Bảy âm lịch.
[1] Tham khảo: Kinh bốn ân lớn, xuất xứ từ Phẩm báo ân, chương 2 thuộc Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán.
- Bản dịch nghĩa Việt của HT. Thích Tâm Châu:
https://hoavouu.com/p16a16518/02-pham-bao-an
- Bản dịch nghĩa Việt của TT. Thích Nhật Từ:
http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/15936-b-phan-chanh-kinh-cac-kinh-ve-gia-dinh-xa-hoi-va-chinh-tri-17-kinh-bon-an-lon.html