Kiến thức
Thế gian có cuồng quay thì lòng Phật vẫn bình yên
Thứ hai, 07/12/2020 10:54
Có một bậc vĩ nhân đã Đản sinh cách đây hơn 2600 năm, nhưng nhân cách sống giản dị, lối suy nghĩ thiện lương, hành động đạo đức, nhân văn của người ấy ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội loài người.
Dấu ấn Phật trong ngôi chùa nhỏ
Bao thế hệ tiếp nối không chỉ nhớ đến Ngài là một đông cung Thái tử, mà còn là một nhà hành khất, một nhà hành khất vĩ đại, an nhiên, từ bi trên từng bước chân hành hóa của mình.
Đó không ai khác, chính là sự xuất hiện của đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lòng bi mẫn đem lại lợi ích an vui, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.
Sự xuất hiện của mỗi người trong cuộc đời đều có một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, vĩ đại đối với khu vực, quốc độ mà họ sinh sống. Nếu thực hiện được sứ mệnh ấy, hẳn cuộc tái sinh kia sẽ trở nên ý nghĩa, cao đẹp vô cùng.
Đức Thế Tôn của chúng ta từ khi sinh ra, lớn lên, tu tập thành đạo, hóa độ chúng sinh, Ngài chẳng những mang lại niềm hạnh phúc, an vui cho những ai tiếp xúc với Ngài, mà giáo lý Ngài để lại đã khắc trong xã hội loài người đến muôn trùng thời gian, không gian.
Kinh Tăng Chi Bộ đã đề cập đến sự xuất hiện vĩ đại của Thế Tôn: “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện ấy đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác.
Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ kheo, khó gặp được ở đời”.
Tất cả chúng ta thật sự rất may mắn, rất hạnh phúc khi còn đủ phước lành được học và thực hành giáo pháp thâm diệu của đức Phật.
Hành động của 5 người khi thấy tượng Phật bên đường
Thế gian còn đó biết bao chúng sinh lênh đênh trong biển đời ô trược, chưa tìm thấy ánh sáng chân lý đạo mầu, khổ đau vẫn còn đó, phiền muộn vẫn còn đây.
Cái khổ của con trâu kéo cày chỉ vất vả một đời, nhưng người không tìm được lối đi, không có ai khai mở nguồn tuệ giác thì sẽ bị trầm luân, lên xuống trong ba đường sáu cõi muôn kiếp.
Trong kinh Pháp Hoa có viết: “Đức Phật Đản sinh ra đời vì một đại sự nhân duyên, là Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, để chúng sinh nương vào đó tu tập, hành trì mà chuyển mê khai ngộ, lìa khổ được vui.
Sự khai mở tuệ giác đúng lúc, kịp thời sẽ giúp con người trên thế gian sống xa rời trụy lạc, hướng thiện tu tâm, trở thành những nhân tố hữu ích cho bản thân và nhân quần xã hội.
Ngoài việc khai mở tuệ giác cho loài người, sự xuất hiện của đức Tôn Sư còn có ý nghĩa chỉ bày cho chúng sinh con đường hạnh phúc, an vui vĩnh viễn.
Con đường an lạc lâu dài, dứt trừ bóng dáng khổ đau, triền phược của kiếp nhân sinh. Thế gian có đủ niềm vui, nỗi buồn, sự tuyệt vọng, nhưng niềm vui của thế gian là niềm vui tạm bợ, chóng vánh, tan nhanh.
Học, hiểu và thực hành giáo pháp, trân quý cuộc sống đang là, bớt tâm tham chấp, mong cầu, bớt lòng đố kỵ và biết bằng lòng, chuyển hóa tích cực với hành trình mình đang bước thì niềm hạnh phúc kia mới bền chặt dài lâu.
Lời Phật dạy: Đời mình không sống ai sống hộ mình
Bên cạnh đó, ý nghĩa sâu sắc sự thị hiện ra đời của đức Như Lai là làm cho chúng sinh giác ngộ, hướng dẫn tận tình để chúng sinh giải thoát ngay trong đời sống thực tại của mình. Bởi ngoài kiếp sống vui – khổ trong cõi ta bà này, chúng ta sẽ không thấy được một đời sống giác ngộ nào khác dễ tìm kiếm và thực tập.
Đức Phật Thích Ca Đản sinh ra đời để giáo hóa, dìu dắt, hướng dẫn, mục đích để tất cả chúng ta và chúng sinh có được cuộc sống như đức Phật đã từng sống, an lạc như đức Phật từng an lạc, tự tại, thong dong như Ngài đã từng thể hiện trong 80 năm hiện diện của mình.
Thế gian có cuồng quay thì lòng Phật vẫn bình yên. Thế gian có xô bồ huyên náo thì Ngài vẫn an nhiên, tịnh lạc trong chính nội tâm và cuộc sống bình dị của Ngài. Học Phật cần chi học xa xôi, những điều không nằm trong tầm tay với, học Phật để tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trong từng mỗi phút giây, trong từng bước chân, trong từng lằn ranh sự sống của kiếp nhân sinh. Và cuối cùng, học Phật để tìm thấy bình yên, sự tỉnh thức, chính niệm mà cuộc sống của bạn vẫn đang là.
Thích Nữ Nhuận Bình
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5-2018