Hỏi - Đáp
Thế nào gọi là nhìn sâu?
Thứ bảy, 19/09/2019 03:45
Nhìn sâu sẽ đưa tới cái thấy sâu, gọi là tuệ giác, tức là sự hiểu biết lớn; lắng nghe sâu sẽ giúp cho cái thấy của ta sâu hơn, phù hợp với thực tại.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Đức Phật
Hỏi: Kính thưa thầy, thế nào gọi là nhìn sâu? Có phải có công thức chăng? Xin Thầy dẫn chứng cho chúng con biết một vài phương cách nhìn sâu, ví dụ như đối với cơn giận, niềm đau và lòng thiếu kiên nhẫn. Sau khi đã thực tập nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu những tâm hành ấy, chúng con phải thực tập như thế nào với những bước kế tiếp?
Đáp: Nhìn sâu là động từ tôi thường sử dụng trong quá trình tu tập và giảng dạy. Chúng ta không phải chỉ thực tập nhìn sâu bằng mắt mà còn thực tập nhìn sâu bằng tai nữa. Sử dụng tai để lắng nghe, gọi là lắng nghe sâu. Nhìn sâu sẽ đưa tới cái thấy sâu, gọi là tuệ giác, tức là sự hiểu biết lớn; lắng nghe sâu sẽ giúp cho cái thấy của ta sâu hơn, phù hợp với thực tại. Chúng ta người nào cũng có hai con mắt và hai lỗ tai, nhưng nếu không có ánh sáng của chánh niệm soi chiếu vào thì không thể thực tập nhìn sâu và lắng nghe sâu được. Ví dụ, muốn nhìn sâu vào bản chất của hơi thở vào, ta không cần sử dụng đến nhãn căn và nhĩ căn, ánh sáng chánh niệm trong vùng ý thức (thức thứ sáu) của ta sẽ làm công việc ấy. Nhìn sâu nghĩa là có mặt đích thực và ý thức sâu sắc với đối tượng ấy, tâm ý ta không bị tán loạn, an trú vững vàng và trở thành một với đối tượng; trạng thái đó gọi là Định. Có khi ta sử dụng mắt, có khi ta sử dụng tai, có khi ta sử dụng tâm thức của ta để nhìn sâu. Thế nhưng Niệm và Định là hai nguồn năng lượng mà ta phải thường xuyên sử dụng để làm nền tảng cho sự thực tập nhìn sâu. Không có Niệm và Định, ta không thể có mặt lâu bền với đối tượng quán chiếu được.
Đôi khi ta cũng có thể vận dụng sự suy tư của ta. Tuy nhiên suy tư có hai loại: Tầm (vitarka) và Từ (vichara). Trong nhiều trường hợp, suy tư có thể dẫn đến sự lầm lạc, ảo giác và dễ bị đánh mất mình. Nhưng thỉnh thoảng, nếu ta biết điều phục những dòng suy tư của ta một cách khéo léo, thì suy tư có thể giúp ta thấy sâu và rõ hơn. Đức Thế Tôn dạy rất rõ về phép thực tập nhìn sâu. Ngài nói rằng ta phải tập nhìn để tiếp xúc cho được với bản chất Vô thường về đối tượng đang được quán chiếu. Chúng ta học giáo lý Vô thường không phải để đem ra bàn luận hoặc nói suông: “Cái này vô thường. Cái kia vô thường. Đời là Vô thường cho nên khổ…” mà phải thật sự tiếp xúc với bản chất Vô thường của mọi sự mọi vật. Chúng ta có thể sử dụng trí năng để nói rằng: ”Tôi biết bông hoa này Vô thường”, nhưng đó có thể chỉ là trên bề mặt ý thứ thôi. Chúng ta phải chạm cho được thực tại của Vô thường trong chiều sâu của nó để vượt thắng ý niệm về Vô thường. Ý niệm về Vô thường không phải là thực tại của Vô thường.
Nếu ta thật sự tiếp xúc được với bản chất của Vô thường, ta cũng đồng thời tiếp xúc được với bản chất của Vô ngã, Tương tức và Niết bàn. Vô thường, Vô ngã và Niết bàn là ba cánh cửa giải thoát - Tam Giải Thoát Môn; có khi gọi là Tam Pháp Ấn. Phần đông chúng ta đã có một ít kinh nghiệm qua sự học hỏi từ kinh sách về giáo lý Vô thường, Vô ngã và Niết bàn rồi tự cho là mình đã hiểu, đã nắm bắt được thực tại. Coi chừng! Có thể mình đang tự đánh lừa mình đấy. Khi đọc lại những lời kinh và quán chiếu lại, ta thấy rằng thực ra mình chưa hiểu, chưa thực nghiệm chút xíu gì về thực tại Vô thường cả.
Khi nhìn vào bông hoa này, ta có thể thấy ngay được bông hoa này là Vô thường. Ta chấp nhận sự Vô thường của bông hoa. Nhưng khi va chạm với đời sống thực tế, nhất là đối với bản thân ta, thì hình như cái thấy ấy không dính líu gì đến ta cả; lý do là vì ta chưa thật sự trực nhận, chưa thật sự sống một cách sâu sắc với thực tại của vô thường, ta chỉ thấy một cách hời hợt trên bề mặt của trí năng mà thôi. Nếu sống sâu sắc với thực tại của vô thường, ta sẽ tiếp xúc được với thực tại của vô ngã và của Tương tức - thế giới không sinh không diệt của mọi sự mọi vật. Nếu ta thật sự tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt của mọi sự mọi vật, thì tất cả các phiền não, sầu đau, sợ hãi sẽ tan biến hết. Chừng nào nỗi u sầu, sợ hãi, ghen tỵ và thèm khát còn có mặt, thì ta biết rằng ta chưa thật sự tiếp xúc sâu sắc với thực tại Vô thường, Vô ngã và Tương tức của mọi sự mọi vật.
Phép thở thứ mười bốn của kinh Quán Niệm Hơi Thở giúp ta nhìn sâu vào đối tượng của sự tham đắm, thèm khát của ta và nếu nhìn cho thật thấu đáo, ta sẽ giác ngộ rằng những thứ ấy không phải là đối tượng của chân hạnh phúc. Ta có cái ảo tưởng về hạnh phúc và ảo tưởng ấy thường đem lại cho ta rất nhiều khổ đau. Nếu thật sự hiểu được bản chất của đối tượng ấy không phải là đối tượng đích thực của ước muốn sâu kín của ta, ta sẽ buông bỏ và đạt tới tự do lớn. Những đối tượng mà ta đang chạy theo, đang tìm cầu có thể chỉ là sự thèm khát về danh, lợi, quyền hành và sắc dục. Nếu nhìn thật kỹ vào bản chất của năm dục ta sẽ thấy được tính chất tàn phá và nguy hại của chúng; nếu sa lầy vào chúng ta sẽ đau khổ cực kỳ. Năm dục là cạm bẫy. Nếu vì tri giác sai lầm, ta tiếp tục bám chặt vào cái ước muốn, bám sát vào sự thèm khát của ta, tin rằng những thứ này sẽ đem lại cho ta chân hạnh phúc thì ta sẽ khổ và sẽ làm cho những người thương của ta khổ theo. Hạnh phúc chân thật không thể có được nếu ta không thấy rõ được bản chất đích thực của đối tượng thèm khát, ước muốn của ta. Bản chất đích thực của thực tại chỉ có thể đạt được bằng sự thực tập nhìn sâu - quán chiếu.
Khi đức Thế Tôn dạy về giáo lý Vô thường, Vô ngã, Không, Tương tức, không sinh không diệt… và gợi ý cho ta thấy bản chất của những giáo lý này không phải là những đối tượng của sự tìm cầu, không phải là những đối tượng của sự nắm bắt và bám víu, tức là Ngài đang giúp ta nhìn sâu. Nếu quý vị nhìn vào những đặc tính này của thực tại – Vô thường, Vô ngã, Không, Tương tức, không sinh không diệt – không phải như là những đối tượng của sự tìm cầu, thèm khát, nắm bắt để đàm luận, quý vị mới thật sự được tự do, giải thoát. Có khi vận dụng sự suy tư nhưng có khi quý vị chỉ cần ôm ấp đối tượng của sự quán chiếu. Có rất nhiều cách để thực tập nhìn sâu, nhưng mục đích của ta là để chứng nghiệm thực tại, thâm nhập vào sự sống và trở thành một với sự sống. Đây là điểm then chốt của sự thực tập nhìn sâu, gọi là thiền quán, tiếng Phạn là vipashyana.
Muốn thực tập thành công, quý vị phải tinh tấn vun trồng năng lượng của Niệm và Định, vì hai nguồn năng lượng này sẽ giúp quý vị thể nhập sâu sắc vào lòng sự vật và đạt được tuệ giác Vô thường, Vô ngã và Tương tức, an trú được vào cảnh giới của Niết bàn tịch tĩnh. Niết bàn là sự vắng lặng của tất cả các khái niệm.
Trích "Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh