Hỏi - Đáp

Thế nào gọi là Sa môn?

Chủ nhật, 17/11/2022 08:49

Trong các năm gần đây có một số nhà sư Phật giáo tự xưng và ký tên trên các văn bản là Sa môn mà trước đây chúng tôi chỉ được biết quý Sư thường ký tên là Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni. Vậy xin hỏi ý nghĩa của danh xưng Sa Môn là gì và làm sao để đạt được Sa môn quả?

Audio

Sa-môn (śramaṇa) là một thuật ngữ đã có trước khi Phật giáo ra đời. Thuật ngữ này được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ cho các những người đã từ bỏ đời sống thế tục. Như vậy, Sa-môn là một danh xưng chỉ chung cho hàng xuất gia ở Ấn Độ cổ đại mà trong đó có cả Phật giáo. Tuy nhiên, kể từ khi Phật Giáo xuất hiện, người ta thường gọi tu sĩ theo đạo Phật là Sa môn và người tu theo đạo Ấn Độ Giáo (Hindu) là Bà-la-môn.

Sa-môn (Samana) được mọi người quý trọng và tin tưởng, nên Đức Phật rất quan tâm giáo dục hàng đệ tử xuất gia về lý tưởng và mục đích của đời sống Sa-môn.

Sa-môn (Samana) được mọi người quý trọng và tin tưởng, nên Đức Phật rất quan tâm giáo dục hàng đệ tử xuất gia về lý tưởng và mục đích của đời sống Sa-môn.

Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, sau bữa ăn cuối cùng do người thợ rèn Thuần Đà (Cunda) cúng dường Phật trước khi Phật Niết Bàn, Thuần Đà hỏi Phật có mấy loại Sa môn. Phật trả lời có bốn loại Sa môn như sau:

1. Thắng đạo sa môn là bậc Thánh ngộ đạo đã chứng quả A la hán.

2. Thuyết đạo sa môn là bậc Thánh hữu học, tuy chưa chứng quả A la hán, nhưng đã hiểu rõ, chính xác nội dung giáo lý đạo Phật và khéo giảng thuyết giáo lý đó cho chúng sinh được nghe và có lợi ích.

3. Hoạt đạo sa môn  là những người, tuy chưa xuất gia nhưng chưa được khai ngộ, còn là phàm phu, tuy nhiên vẫn sống đúng theo giới luật, nỗ lực học đạo.

4. Ô đạo sa môn là những người tuy có xuất gia, nhưng không giữ giới luật, không có chánh tín, lười biếng tu đạo, là bọn làm nhơ bẩn đạo.

Vậy, thế nào gọi là Sa Môn?

Chúng ta hãy nghe lời đối đáp giữa Đại Đức Na Tiên và nhà vua như sau:

- Thưa đại đức! Có phải Đức Tôn Sư có thuyết rằng: "Bậc Thánh nhơn là người đã diệt tận phiền não, người diệt tận phiền não được gọi là sa-môn"?

- Thưa, đúng vậy!

 - Ở nơi khác, Đức Thế Tôn lại thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Người nào có đầy đủ bốn pháp: - có sự nhẫn nhục, - biết tri túc về vật thực, - dứt bỏ sự đam mê, - không vướng bận, thì Như Lai gọi là sa-môn!"

- Thưa đại đức! Ở trên thì diệt tận phiền não gọi là sa-môn; còn ở dưới, chỉ đầy đủ bốn pháp nêu trên cũng được gọi là sa-môn? Đầy đủ bốn pháp ấy thì một phàm tăng có tâm tu học, chưa chứng Thánh quả cũng có thể thành tựu được! Vậy thì biết tin định nghĩa nào là đúng, thưa đại đức?

- Định nghĩa nào cũng đúng cả, tâu đại vương!

- Thưa, không thể như vậy được. Một bên là diệt tận phiền não, một bên thì còn phiền não - sao đều cùng chung một tên gọi cao quý là sa-môn? Trẫm không đồng ý như thế!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Tâu đại vương! Trong các loài hoa có mặt trong quốc độ của đại vương, theo ý đại vương thì loài hoa nào quý báu hơn cả?

- Thưa, có lẽ bạch liên hoa là quý phái, sang trọng, tinh khiết và quý báu nhất!

- Quý báu, sang trọng nhất - cũng chỉ được gọi tên là hoa như các loài hoa tầm thường khác thôi sao, đại vương?

- Đấy là tên gọi gom chung lại, có tính tổng quát, thưa Đại đức!

- Cũng như thế, sa-môn chỉ là tên gọi gom chung lại, có tính tổng quát như tên gọi hoa vậy, tâu đại vương! Cứu cánh của sa-môn hạnh là diệt tận phiền não, nên những ai diệt tận phiền não thì được gọi là sa-môn. Nhưng những vị tỳ khưu đang đi trên con đường ấy, kẻ thành tựu được bốn pháp, kẻ đang và sẽ thành tựu bốn pháp - đều được gọi là sa môn cả thảy.

Nếu như trong loài hoa, bạch liên hoa là cao quý nhất, thì cũng thế, trong hàng sa-môn, các sa-môn diệt tận phiền não rồi - là cao quý nhất!

- Trẫm đã hiểu.

- Ví như trong quốc độ của đại vương có rất nhiều loại gạo, nhưng gạo Sàli ngon nhất, thơm nhất, quý báu nhất. Cũng vậy, bậc hữu học sa-môn đang tu tập bốn pháp để diệt phiền não không cao quý bằng bậc vô lậu sa-môn đã diệt tận phiền não - nhưng họ đều có tên chung là sa-môn cả, tâu đại vương!

- Cảm ơn Đại đức.

Trích Kinh Mi Tiên Vấn Đáp 119

loading...