Kiến thức
Thế nào là nhất thiết duy tâm tạo?
Thứ ba, 02/04/2021 09:51
Tất cả đều từ Diệu tâm sanh ra, cái tách này, cái bình này, cái thân này…nên nói nhất thiết duy tâm tạo.
Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức là thế nào?
Tôi đã thường giảng về tánh Không của tâm chẳng bản thể hình tướng số lượng, tâm là hư không, hư không là tâm, vì có cái Không nên tất cả pháp mới được thành tựu. Nay vì tất cả đều từ hư không sanh ra, tất cả đều từ tâm này sanh ra, nên nói nhất thiết duy tâm tạo. Mặc dù sự thật thì chẳng phải do hư không này tạo, vì thật tế vốn chẳng có cái gì tạo cái gì, nên gọi là vô sanh, hễ có tạo tức có bắt đầu.
Do chúng ta không thể tiếp xúc với cái tâm, lại do mọi người không thể tin rằng sức mạnh của tâm vô lượng vô biên. Nhà khoa học dù phát minh cái này cái kia, cũng chưa tin được cái tâm. Cái nào mà nhà khoa học chưa phát minh chưa hiểu thì qui cho là tự nhiên, còn Phật thì phủ định tự nhiên. (Sư phụ dẫn chứng phi nhân duyên, phi tự nhiên, lược qua).
Bây giờ nói đến động lực của vũ trụ, ví như vũ trụ lớn thì sức xoay mạnh, như mặt trăng xoay theo trái đất, trái đất xoay theo mặt trời, mặt trời xoay theo ngân hà…mà ngay trong vũ trụ nhỏ như hạt bụi, những hạt nguyên tử điện tử cũng đang xoay. Như trong cái tách này có cả muôn triệu hạt nguyên tử đang xoay, cái bàn này, cái ghế này… bao nhiêu hạt điện tử hợp thành cũng đang xoay. Các nhà khoa học đã chứng tỏ tất cả vật chất đều do nhiều nguyên tử tổ chức thành, trong mỗi hạt nguyên tử có một trung tử, chung quanh có nhiều điện tử luôn xoay chuyển chẳng ngừng, chẳng có sự bắt đầu và cuối cùng. Nay dù đem đập bể cái tách, thì những hạt nguyên tử trong miểng tách cũng vẫn xoay chuyển không ngừng; đem bàn này đốt thành than thì những hạt nguyên tử cũng chẳng hề ngưng.
Muốn khởi động chiếc xe hơi phải đổ xăng vào, khởi động cho máy nóng lên rồi mới chạy được; nay những hạt nguyên tử điện tử xoay chuyển nhau, vậy động lực đó từ đâu ra? Tại sao có sức xoay chuyển ngày đêm chẳng ngừng? Sức đó từ đâu ra, biết không? Ấy là sức của tâm. Nói như vậy có lẽ mọi người khó lãnh hội, Lục Tổ thì nói rõ hơn, trong Kinh Pháp Bảo Đàn ngài nói: "Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, là tâm của ông động.”
Do tâm của ông động gió mới động, do tâm của ông động phướn mới động, ấy là nhất thiết duy tâm tạo vậy.