Hỏi - Đáp
Thế nào là tẩu hoả nhập ma?
Thứ bảy, 28/05/2023 04:31
Chúng tôi đang tự thực tập tọa thiền ở nhà nhưng một số người nói như vậy là không được, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vì thế, cần phải tìm các bậc minh sư hướng dẫn. Xin cho biết phải thiền thế nào cho đúng? “Tẩu hỏa nhập ma” là gì? Tu thiền có bị “tẩu hỏa nhập ma” không?
Đáp: Thiền định là pháp môn tu tập cốt tủy của Phật giáo. Đức Thế Tôn nhờ nỗ lực thiền định mà chứng đạt giác ngộ tối thượng. Nội dung tu tập thiền định của Thế Tôn hiện vẫn được lưu truyền và ứng dụng phổ cập trong cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.
Tu tập thiền định hiện nay rất phổ biến trong giới Phật giáo và cả những người không có tôn giáo hay theo các tôn giáo khác. Thiền định giúp hành giả tăng cường sức khỏe, thư giãn tinh thần, sống lạc quan, hạnh phúc và an vui. Quan trọng hơn, thiền định giúp người thực tập an trú chánh niệm, làm chủ thân tâm, xả ly và đoạn tận tham ái phiền não, thành tựu trí tuệ, giải thoát, Niết bàn.
Ở Việt Nam hiện có nhiều thiền phái đang được truyền bá với đông đảo thiền giả thực tập. Đơn cử như thiền phái Trúc Lâm (Thiền sư Thích Thanh Từ), thiền chánh niệm của pháp môn Làng Mai (Thiền sưThích Nhất Hạnh), thiền công án, thiền Tứ niệm xứ, thiền Minh Sát Tuệ v.v… Tuy đồng nhất một mục tiêu thành tựu giải thoát nhưng kỹ thuật và phương thức dụng công, mỗi thiền phái có khác biệt nhau. Do vậy, để thực tập thiền đúng Chánh pháp, các bạn cần phải theo học một trong những thiền phái này, sau đó mới ứng dụng tu tập tại nhà.
Nói cách khác, muốn tu tập bất cứ pháp môn nào, trước hết phải có các bậc thầy nhiều kinh nghiệmhướng dẫn, kế đến là tham khảo nghiên cứu thêm các kinh sách, chỉ nam liên hệ đến pháp môn để nắm vững các phương pháp và kỹ thuật thực tập. Nếu chưa hội đủ những yếu tố căn bản này mà vội vàngthực tập thì dù cố gắng thật nhiều vẫn khó tiến bộ và không thể đạt đến thành công. Mặt khác, trong quá trình thực tập thiền định, nếu không nắm vững phương pháp và kỹ thuật thì có thể dẫn đến một số rối loạn về hơi thở, thân và tâm cùng với những di chứng khó lường, thường gọi là “Thiền bệnh” hay gọi nôm na là “tẩu hỏa nhập ma”.
Tuy nhiên, hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” và những liên hệ đến thiền định Phật giáo là điều cần phảibàn. Sau khi tra cứu một số từ điển Phật học thông dụng như Từ điển Phật học Huệ Quang (Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB.Tổng Hợp TP.HCM), Từ điển Phật học Hán Việt (NXB.Khoa Học Xã Hội), Từ điển Thiền tông Hán-Việt (Hân Mẫn-Thông Thiền biên dịch) thì tuyệt nhiên không thấy đề cập đến vấn đề“tẩu hỏa nhập ma”.
Thực ra, “tẩu hỏa nhập ma” là các tai biến xuất phát từ việc luyện tập công phu võ thuật trái với quy luậtvận động sinh lý tự nhiên (Có thể vì vậy mà “tẩu hỏa nhập ma” không được đề cập đến trong kinh sách Phật giáo). Theo các nhà luyện công, “tẩu hỏa” là tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và nằm ngoài ý muốn của người luyện công. Các triệu chứng của “tẩu hỏa” bắt đầu với những cơn căng tức ở bụng và ngực kèm theo cảm giác hoa mắt chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận cơ thể gây ra. Đến một giai đoạn nặng hơn, người luyện công sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân và dần mất hẳn sự tự chủ cho đến điên cuồng. “Nhập ma” là trạng thái mê loạn với những ảo ảnh vọng tưởng hoặc không bao giờ có thật của người luyện công. “Nhập ma” được coi là rất nguy hiểm vì chỉ được phát giác ở giai đoạn bệnh đã trở nên nặng nề, khó chữa trị. Đây là quá trình người luyện công dần dần bị lôi cuốn vào những ảo ảnh để rồi lấy giả làm thật, tiến đến trạng thái hôn mê, tán thần và dẫn tới sự điên cuồng vào giai đoạn cuối.
Như vậy, “tẩu hỏa nhập ma” là bệnh của người luyện công vì không tuân thủ các nguyên tắc luyện công, vận khí, điều tâm cũng như quá nôn nóng để thành công hay tham lam luyện nhiều võ công lai tạp. Người luyện công tuy có thực tập thiền nhưng phối hợp với vận khí, khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống, hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Và rõ ràng, mục đích tọa thiền của người luyện công hoàn toàn khác với các hành giả thực tập thiền định Phật giáo.
Những thiền giả Phật giáo tu tập thiền định khiến tâm trí tĩnh lặng, thư giãn thần kinh cũng như cơ bắp, giúp hơi thở nhẹ, đều và sâu hơn nên sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Mặt khác, các phương pháp thiền định Phật giáo không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào, xả ly hết tham ái và phiền não nên rất an toàn và hoàn toàn có thể tránh được tai biến “tẩu hỏa nhập ma” mà một số nhà luyện công mắc phải.
Chúc các bạn tinh tấn!