Đức Phật

Thế Tôn ra đời vì một đại sự nhân duyên

Thứ sáu, 06/05/2022 12:13

Sự đản sinh của một nhân vật làm cho vị đạo sĩ giỏi nhất Ấn Độ thời bấy giờ (cách nay hơn 2600 năm) phải rơi lệ. Nhân vật ấy là ai?

Trước tiên, tìm hiểu qua tâm tình của vị đạo sĩ ấy, trong quyển “Đức Phật và Phật pháp” của ngài đại trưởng lão Narada diễn tả:

“Đạo sĩ A-tư-đà (Asita), người có tài tiên tri do đã chứng thiền tới cấp rất cao - Phi tưởng phi phi tưởng, nhìn tướng của thái tử Siddattha: Dưới 2 lòng bàn chân của thái tử, có hình bánh xe ngàn căm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắc thái tử sẽ là một nhà tu hành đắc đạo, hoặc là một chuyển luân thánh vương cai trị toàn Ấn Độ". Khi tiên nhân A-tư-đà vừa nói xong ông bật khóc, vua Tịnh-phạn (Suddhodana) hỏi tại sao khóc thì tiên nhân A-tư-đà đáp lại rằng: “Sau này tôi không thể nghe 1 bậc thánh nhân giảng pháp vì tôi đã quá già rồi". Ông nói lời sau cùng: “Vì ta đang nhìn cả 1 vũ trụ lần cuối.””

Nhân vật đó chính là thái tử Siddhattha Gotama (trong tiếng Pāli). Về tên gọi này,  trong tiếng Sanskrit là Siddhārtha Gautama (Devanagiri: सिद्धार्थ गौतम); Hán tự và phiên âm là 悉達多瞿曇, Tất-đạt-đa Cồ-đàm. Là người mà sau này giác ngộ trở thành Gotama Buddha, đức Phật Cồ-đàm (Pāli) hay còn được gọi là Shakyamuni Buddha, शाक्यमुनि बुद्ध (Sanskrit), âm Hán Việt chúng ta thường xưng tụng là Thích Ca Mâu Ni Phật - 釋迦牟尼 佛 (Hán tự).

Các truyền thống Phật giáo có cách gọi tên Ngài khác nhau, nhưng bản thể tựu trung chỉ có một, là đức Thế Tôn, bậc giác ngộ hoàn toàn – Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, sự hiện hữu của Ngài ngay tại cõi đời này cũng chỉ vì một đại sự nhân duyên:

“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. (Tăng Chi Bộ I, chương Một pháp, phẩm XIII Một người, bài kinh 170)

Để xác thực một cách giản dị và ngắn gọn, Ngài khẳng định: “Này các Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.  (Trung Bộ I, kinh Ví Dụ Con Rắn số 22).

Bởi vì sao? Bởi thế gian đang bốc cháy, bốc cháy ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trong mỗi con người qua hình thức của tam độc tham, sân, si. Ngay cả những hành giả tu tập, đang thực hành giáo pháp, cũng được Ngài dạy cặn kẽ phải đi con đường trung đạo. Thế Tôn dạy rằng:

Sự hiện hữu của Đức Thế Tôn trên đời đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản hướng đến sự tự do, bình đẳng và từ bi đích thực cho con người và muôn loài.

Sự hiện hữu của Đức Thế Tôn trên đời đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản hướng đến sự tự do, bình đẳng và từ bi đích thực cho con người và muôn loài.

“Có hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn.

Này các Tỷ kheo, thế nào là con đường Trung đạo? Chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn”.

(Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Chuyển pháp luân, phần Như Lai thuyết)

Chúng ta cứ nương theo đó làm kim chỉ nam mà đi trên lộ trình sinh tử, chớ có dễ duôi, buông lung. Dù ở đâu, bất cứ khi nào thì chân lý ấy vẫn vậy. Chúng ta nghe lời tán thán của Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddhā):

“Bạch Thế Tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng bốn chân lý mà đức Thế tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được. Ngài dạy khổ thì thật là khổ, không thể làm cho vui lên; tập là nguyên nhân của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa; diệt là khổ diệt vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt; đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn”. (Kinh Di Giáo, HT. Thích Trí Quang dịch).

Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, chúng ta cũng nên đi theo Bát Chánh Đạo. Vì chỉ có đây là đạo lộ giải thoát khổ đau. Một khi chúng ta còn biết gìn giữ và phát huy “di sản quý báu” này, thì nhân loại ngày ấy chưa đi vào tử lộ. Bằng không, ánh sáng giải thoát duy nhất sẽ tắt và thế gian chìm vào đêm trường tối tăm và luân lạc. Đừng để một ngày diệu pháp dần biến mất thì có khóc than sầu muộn như sự tiếc nuối của tiên nhân A-tư-đà không được gặp Phật ra đời, cũng chẳng còn kịp nữa. Chúng ta có đang như vậy hay không?

“Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo Sư (Đức Phật); sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp; sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không tôn kính, không tùy thuận học giới; sống không tôn kính, không tùy thuận đối với thiền định. Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp”.

(Kinh Tăng Chi Bộ, chương 5 Pháp, phẩm Diệu Pháp, phần 154 Diệu Pháp Hỗn Loạn)

loading...