Kiến thức
Thiền là sống ngay thực tại
Thứ bảy, 28/12/2023 10:24
Thiền là sống ngay thực tại, trả về cho niệm hiện tiền sáng ngời đây thôi, chứ không gì khác. Nhiều người nghe nói thiền tưởng đâu xa xôi, nên nghe học thiền rồi sợ nắm bắt không tới.
Nhưng hiểu kỹ rồi thiền đâu có xa, ngay chỗ chúng ta ngồi hiện thực nơi đây. Có lần Mã Tổ đi dạo ngoài vườn cùng với Ngài Hoài Hải, thấy bầy vịt trời bay ngang qua Mã Tổ liền hỏi:
- Đó là cái gì?
Hoài Hải thưa:
- Bầy vịt trời.
Mã Tổ hỏi:
- Bay đi đâu?
Hoài Hải đáp:
- Bay qua mất rồi.
Mã Tổ liền nắm lỗ mũi Hoài Hải nhéo mạnh một cái. Hoài Hải đau quá la lên. Mã Tổ bảo:
- Sao không nói bay qua đi!
Ngay đó Hoài Hải liền tỉnh ngộ.
Thông thường chúng ta thấy bầy vịt trời, chỉ nhớ bầy vịt trời, cho nên nó bay qua mình cũng nhớ nó bay qua. Vậy thì còn cái gì “đang biết”, “đang thấy” hiện hữu đây? Nên Mã Tổ liền nhéo lỗ mũi ngài Hoài Hải một cái. Đau quá, Hoài Hải la lên. Mã Tổ nói: “Sao không nói bay qua đi!”. Bầy vịt trời bay qua, nhưng cái gì đang biết đau, la lên đây, nó đâu có bay? Ngay đó Hoài Hải liền tỉnh ngộ. Chính đó là cái đang hiện hữu nơi mình, nó đâu có bay đi.
Cũng như chúng ta ngồi nghe pháp đây, cái gì đang nghe? Chúng ta chăm chú nghe thầy giảng, rồi chỉ nhớ theo tiếng thấy mà quên mất chính mình lúc nào không hay. Cho nên học thiền là phải học trở lại, chứ không phải cứ lo nghe tiếng này tiếng kia rồi quên mất chính mình. Đây là phải khéo sống trở về với thực tại luôn hiện hữu. Nhưng do con người có thói quen tưởng tượng, suy lường nhiều quá thành ra thấy thiền xa lạ. Chính Hòa Thượng Tôn sư cũng nói: “Thiền tông thực tế đến không ngờ”, tức là sát với chúng ta đến không ngờ. Chúng ta đang ngồi có mặt đây, vậy còn phải tìm gì nữa? Lẽ thực là vậy, nhưng vì “quá thực” thành ra chúng ta cho đó là lạ. Bây giờ chúng ta hiểu rõ được lẽ thực, luôn soi trở về chính mình để sống với lẽ thực đó thì không còn bị lầm nữa.
Đây xin kết thúc bằng câu chuyện thiền: Thiền sư Vô Trụ phó chúc cho người đệ tử tên Vô Hữu một công án thiền như sau:
“Ngày xưa có một người đang đứng ở trên một ngọn đồi cao. Ở dưới có ba người du khách đi ngang qua đường nhìn lên thấy người kia đang đứng ở trên đồi. Ba người đi ở dưới mới bàn với nhau.
Một người nói:
- Chắc là anh ta đang mất vật gì thân yêu, cho nên anh đứng đó kiếm.
Một người khác nói:
- Theo tôi, chắc là anh ta đang đợi một người bạn thân nào đó.
Người nọ nói:
- Tôi trông thấy dáng vẻ của anh ta giống như đang đứng thưởng thức không khí mát mẻ trên cao.
Ba người tranh luận hoài không ra lẽ, mới đi lên trên đỉnh đồi gặp ngay anh đó hỏi.
Người thứ nhất hỏi:
- Này anh bạn, có phải anh đang mất một vật gì quý hay không?
Người kia đáp:
- Không, tôi không có mất gì hết.
Người thứ hai hỏi:
- Vậy là anh đang chờ người bạn thân nào đó phải không?
Anh ta nói:
- Không, tôi cũng không có chờ ai hết.
Người thứ ba hỏi:
- Vậy thì anh đang đứng đây hóng mát chớ gì?
Anh ta nói:
- Cũng không phải luôn.
Ba người mới cùng gạn hỏi:
- Vậy thì tại sao anh bạn đứng đây, mà chúng tôi hỏi cái gì anh cũng nói không phải hết?
Anh kia nói:
- Tôi đứng đây chỉ là đứng đây thôi!
Rất là đơn giản, đứng đây chỉ đứng đây thôi. Những người kia là đại diện cho chúng ta đang ngồi đây. Bởi vì trong đầu của chúng ta luôn luôn có vấn đề, cho nên nghĩ người ta đứng đó cũng phải có vấn đề, gọi là suy bụng ta ra bụng người. Như vậy là sống mà quên mất thực tại, lẽ thật người đứng đó là đứng đó thôi, nhưng theo thói quen chúng ta nghĩ đứng đó là phải có vấn đề gì, nên bàn theo những vấn đề do ta suy diễn. Đây là một công án thiền, để nhắc nhở đánh thức cho tất cả người học thiền thấy rõ trong tư tưởng của mình nó quen suy nghĩ, quen có vấn đề, sống mất mình là chỗ đó.
Bây giờ, chúng ta tập sống trở về thực tại, “ngay đây và bây giờ” đây. Cửa giác ngộ đang mở sẵn cho mình. Chúng ta nghe nói giác ngộ tưởng đâu xa xôi, nghĩ đó là chuyện dành cho Phật, còn mình chắc không có phần. Nhưng Phật ra đời để giác cho chúng sinh, kinh Pháp Hoa Phật nói: “Bản hoài của Phật ra đời, là để khai thị cho tất cả chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”. Bản hoài của chư Phật ra đời là để đánh thức cho chúng sinh chân lý giác ngộ có sẵn nơi mình. Ngay nơi tâm là Phật, Phật cũng từ tâm mà Ngài giác ngộ, chúng ta cũng từ tâm mình mà mình giác ngộ. Giác ngộ ở nơi tâm chứ không phải ở chỗ khác. Cho nên không phải tìm giác ngộ ở trong bộ kinh này, bộ kinh kia. Nhiều người cứ tìm giác ngộ ở trong kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn v.v... mà quên mất giác ngộ thực là ở ngay nơi tâm mình. Chính đó mới là lẽ thực, là sức sống chân thật có sẵn nơi mỗi người.
Vậy trong đây có ai không có tâm? Ai cũng có tâm tức là có giác. Phật Tổ thấy được lẽ thật đó, nên thương xót chúng sinh tìm mọi cách để nhắc nhở, đánh thức cho tất cả đồng giác ngộ, sáng lên lẽ thật của chính mình. Ngài Lâm Tế nói: “Người học hiện nay sở dĩ không nhận được, là bệnh ở chỗ thiếu tự tin”. Đó là đem lại một sức mạnh cho chúng sinh, mỗi người đều có tâm, đều có chân lý giác ngộ sẵn nơi mình. Gốc của chúng ta là giác ngộ chứ không phải là chúng sinh. Chúng sinh là tên gọi tạm lúc còn mê, khi giác rồi chúng ta là Phật. Chúng ta có đủ niềm tin để vươn lên, không nên mặc cảm mình là chúng sinh nghiệp nặng, khó mong giác ngộ. Phật đã chỉ rõ tất cả đều có Phật tánh, đều có tánh giác. Trong kinh Kim Cang, Phật nhấn mạnh: “Chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh, đó gọi là chúng sinh”. Phật không nói chúng sinh cố định là chúng sinh, mà ngài nói chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh, đó tạm gọi là chúng sinh thôi.
Như vậy, Mình là Phật tánh sáng suốt, nên phải vươn lên, tiến lên. Học thiền là sống trở về với thực tại đang sáng ngời, trở về với cái “ngay đây, bây giờ”. Có những triết lý của thế gian bàn cãi về thực tại thế này thực tại thế kia, nhưng còn bàn cãi về thực tại thì chưa thấy thực tại. Nếu đã thấy rồi thì không còn gì để bàn nữa. Còn bàn cãi là còn suy tưởng nên xa rời thực tại. Thí dụ có hai người đang nói về anh A, người nói là anh A đó cao lớn, trắng trẻo. Người nói anh A đó cũng hơi lùn lùn, da ngâm ngâm. Rồi cãi nhau hoài không ra lẽ, là vì lúc đó anh A không có mặt ở đó. Nếu thực sự anh A có mặt, chỉ cần chỉ ngay anh bảo: “Đây này!” là xong, không cần cãi. Cũng vậy, người đã thấy rõ thực tại ngay đây thì không phải cãi, còn cãi nhau về thực tại là chưa thấy thực tại. Vì vậy người học thiền cứ lo cãi nhau về thiền thì cũng chưa thấy thiền.
Thực tế, “thiền là ngay đây, bây giờ”. Mong tất cả nhận được lẽ thật này, thật sống với thiền sống, chứ không phải sống với thiền chết, để quên mất thực tại sáng ngời ngay đây!