Sách Phật giáo

Thiền là sự sống của con người (P.2)

Thứ ba, 19/04/2017 04:18

Chủ trương của Thiền là khai sáng trí tuệ, phục hưng lại con người tâm linh của bản thân mà ta đã lãng quên từ lâu vì bị phiền não tham-sân-si che lấp do chấp thân tâm này làm ngã. Chính nơi thân chúng ta đã có sẵn con người chân thật, đó là Phật tính sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Con người thật của mình không phải do Phật cho hay do một đấng thần linh, thượng đế nào tạo nên. Chính tâm Phật là cái có sẵn nơi chúng ta, một phút giây vắng nó thân này sẽ ngừng hoạt động và chuyển sang đời khác. Ví như gió không có hình tướng cụ thể nhưng thấy lá cây động, thân người mát ta mới cảm nhận có gió,

TU THIỀN TRƯỚC NHẤT PHẢI TỰ TIN CHÍNH MÌNH

Người tu Thiền trước nhất phải quyết tâm tin mình sẽ thành Phật, tâm Phật thanh tịnh, sáng suốt nương nơi 6 căn của mỗi người là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế mà không dính mắc; nghe chỉ là nghe, có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng, tiếng lớn tiếng nhỏ là âm thanh bên ngoài, tính nghe thì luôn thường biết rõ ràng; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. 

Chúng ta tin tâm mình là Phật, giống như chiếc gương sáng vì để lâu ngày bị bụi bám vào, muốn gương sáng trở lại phải chịu khó lau chùi, hết bụi tự nhiên gương sẽ sáng. Cũng vậy, chính tâm mình là Phật nhưng vì lâu ngày ta để bụi phiền não tham-sân-si bám vào nên tâm Phật không hiển lộ, đến khi buông bỏ hết mọi vọng niệm thì tâm Phật hằng soi sáng. Không tin tâm mình là Phật thì chúng ta sẽ không cố gắng chuyển hoá phiền não tham-sân-si để được giác ngộ, giải thoát ngay trong cõi đời này. Quả quyết tin tâm mình là Phật là ta đã thành tựu đức tin mãnh liệt, nhờ vậy khi tu Thiền dễ dàng buông xả sự tham đắm, dính mắc từ trước đến giờ.
 
Trong sự tu hành chúng ta phải khẳng định, tâm mình là Phật mới có thể tự giải thoát sống chết, không một đức Phật hoặc chư vị Bồ-tát nào có thể giải thoát thay thế cho chính mình được. Cuộc sống ngoài xã hội cũng vậy, mọi việc nên hư, thành bại, tốt xấu đều tự chúng ta gây dựng tạo nên. Chính ta là chủ nhân của bao điều hoạ phúc, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, thành Phật hay không là do sự quyết tâm của mỗi người. 

Ai có đầy đủ đức tin mãnh liệt nơi chính mình thì sẽ không trốn tránh trách nhiệm về mọi hành vi của bản thân, không ỷ lại hay cầu cạnh, nhờ vã kẻ khác, không yếu đuối, hèn nhát trước mọi khó khăn. Chúng ta can đảm đối diện với cuộc sống để tìm cách vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhằm chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

TU THIỀN PHẢI CÓ LÒNG QUẢ CẢM

Nhờ tự tin chính mình chúng ta mới can đảm vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách, cương quyết quả cảm tiến lên, phấn đấu chiến thắng bọn quân ma phiền não làm trở ngại. Chúng ta biết rõ chính mình có khả năng thành Phật nên quyết chí tu hành cho đến khi thành tựu viên mãn mới thôi. Đức tự tin và lòng quả cảm giúp ta mạnh dạn, gan dạ dấn thân đóng góp, phục vụ tất cả chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán để mình và người cùng được bình yên, hạnh phúc. Nếu chúng ta không tự tin chính mình và không có lòng quả cảm thì ta sẽ không bao giờ kiên trì, bền chí khi gặp khó khăn, vấp ngã.

Nhờ tin tâm mình là Phật nên ta xem thường mọi nguy hiểm, sống đơn giản, đạm bạc để tu hành như vua Trần Nhân Tông. Vị vua Thiền sư đã nhường ngôi lại cho con lên núi Yên Tử tu hành nơi đồi núi hiểm trở, khó khăn, thú dữ chực chờ. Trước những hiểm nguy như thế nhưng Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn ung dung, tự tại, không bất an, lo lắng, sợ hãi mà quyết chí tu hành. Thật là một tâm hồn quả cảm tràn trề! Nếu chúng ta ai cũng ứng dụng được tinh thần quả cảm này vào xã hội để dấn thân, đóng góp và phục vụ tốt cho mọi người, thì việc gì cũng có thể thành công tốt đẹp.

TU THIỀN PHẢI BỀN CHÍ SIÊNG NĂNG LÂU DÀI

Có lòng tự tin chính mình chúng ta mới cố gắng nỗ lực tiến tu để buông xả mọi tham đắm, dính mắc ở đời. Bất cứ làm một việc gì mà không tin mình làm được thì chắc chắn việc ấy sẽ bỏ dở nửa chừng, hoặc có làm cũng không tới đâu. Chúng ta tin chắc việc này mình làm được thì ngày đêm siêng năng, cần mẫn, không dám lơi là, giải đãi. Tin chính mình giúp ta cố gắng, siêng năng, bền chí, kiên trì, không chán nản hay bỏ dở nửa chừng. Tin tâm mình là Phật giúp người tu Thiền tinh tấn, bền chí, nhẫn nại, cố gắng thực hành cho đến khi công thành quả mãn mới thôi. 

Tin tâm mình là Phật là đã có nhân thành Phật, chỉ cần cố gắng tu hành sẽ thành Phật quả. Từ nhân đến quả đều do sự siêng năng tu hành của bản thân, không phải ai khác có thể làm thế cho ta được dù đó là đức Phật. Ở thế gian ai cũng tự tin chính mình thì chắc chắn mọi việc sẽ được thành công tốt đẹp. Tin tưởng mình có khả năng nên mới siêng năng, cố gắng trong mọi nhiệm vụ. Thế cho nên muốn làm việc được thành công viên mãn thì chúng ta trước tiên phải tự tin chính mình, có lòng quả cảm và bền chí, siêng năng, cần mẫn.

TU THIỀN TUỲ THUỘC VÀO VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC DÂN TỘC

Xã hội và tôn giáo luôn liên quan, ảnh hưởng mật thiết với nhau, tu Thiền nói riêng cũng vậy. Trong Phật giáo có quá nhiều pháp môn nhưng chính yếu vẫn là Thiền, tuy nhiên Thiền cũng có nhiều loại. Có hai phương pháp chính yếu khi tu Thiền là Thiền Chỉ và Thiền Quán, hai loại này gọi là Thiền Đối Trị và Thiền Trực Chỉ, tức là đi thẳng vào nội tâm để buông xả. Thiền Chỉ và Thiền Quán luôn dung thông, hỗ trợ cho nhau và phải có sự liên kết chặt chẽ mới có thể thành tựu mục đích sau cùng. Khi dân tộc không bị chiến tranh loạn lạc, có chủ quyền độc lập thì pháp môn tu nhà Phật hướng về tự lực hoàn toàn. Khi dân tộc mất chủ quyền, bị lệ thuộc thì pháp môn tu hướng về tha lực nhiều hơn, nhưng chính yếu vẫn là tự lực. 

Chúng ta thấy sự thịnh suy của dân tộc là sự thịnh suy của Thiền, một đất nước mất chủ quyền thì người dân sao có thể tin vào khả năng tu tập của chính mình nên dễ dàng đánh mất tự chủ mà tin vào tha lực bên ngoài. Chính vì thế tu Thiền cũng chịu ảnh hưởng theo vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã tin sâu nhân quả thì dù trong hoàn cảnh nào ta cũng có thể tu Thiền, vì Thiền luôn song hành với đời sống của chúng ta. Ăn uống, mặc quần áo, đi tiểu, đi đại hằng ngày nếu không biết Thiền ta sẽ tự đánh mất mình, vì những điều này ta phải tự giải quyết chứ người khác không thể thay thế được.

THIỀN RẤT THỰC TẾ TRONG ĐỜI SỐNG MỌI NGƯỜI

Chủ trương của Thiền là khai sáng trí tuệ, phục hưng lại con người tâm linh của bản thân mà ta đã lãng quên từ lâu vì bị phiền não tham-sân-si che lấp do chấp thân tâm này làm ngã. Chính nơi thân chúng ta đã có sẵn con người chân thật, đó là Phật tính sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Con người thật của mình không phải do Phật cho hay do một đấng thần linh, thượng đế nào tạo nên. Chính tâm Phật là cái có sẵn nơi chúng ta, một phút giây vắng nó thân này sẽ ngừng hoạt động và chuyển sang đời khác. Ví như gió không có hình tướng cụ thể nhưng thấy lá cây động, thân người mát ta mới cảm nhận có gió, lúc bình thường thì không. 

Cũng vậy, ngay nơi thân này có tâm Phật sáng suốt nhưng vì vô minh, phiền não che chướng mà chúng ta lãng quên, bây giờ ta chỉ cần thừa nhận mình có sẵn thì một đời an vui, giải thoát. Thực tế hơn nữa khi người tu Thiền chỉ cần khéo biết cách áp dụng vào đời sống hằng ngày, từ khi mở mắt thức dậy, tắm rửa, đi đại, đi tiểu, ăn uống, làm việc, cho đến đi ngủ cũng đều Thiền được cả, không phải cứ vào chùa hay thâm sơn cùng cốc mới tu Thiền. Để thấy rõ tính cách thực tế của Thiền, chúng ta cùng nghe Lục Tổ nói trong bài tụng “Vô Tướng”:    
 
Phật pháp ở thế gian
Chẳng lìa thế gian giác
Lìa thế kiếm bồ-đề
Giống như tìm sừng thỏ.

Bấy nhiêu đó cũng đủ cho ta thấy rõ tính cách thực tế của sự tu Thiền như thế nào rồi. Đạo và đời luôn gắn liền với nhau, nếu chúng ta muốn giải thoát thì phải tu ngay nơi trần gian này. Lông rùa và sừng thỏ là những vật xem như không có thực, người tu Thiền mà xa lánh thế gian để tìm cầu giải thoát cũng giống như kiếm lông rùa, sừng thỏ. 

Tu Thiền chính yếu là chuyển hoá tâm phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi để được giác ngộ, giải thoát. Hoa sen mọc tươi tốt và nở thơm ngát từ bùn nhơ nước đục, nên tu Thiền là ứng dụng ngay nơi cuộc sống trong bốn oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi. Điều này chắc chắn ai cũng có thể làm được tuỳ theo khả năng và sự quyết tâm tu tập của mỗi người.

TU THIỀN RẤT HỢP VỚI THUẬT DƯỠNG SINH VÀ RÈN LUYỆN THÂN THỂ

Người tu Thiền biết điều hòa thân thể, điều hòa hơi thở và nội tâm nên ít bệnh hoạn, đau yếu. Về thân thể người tu Thiền ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ có chừng mực, làm việc đúng thời khóa, cấm kỵ những việc trác táng, rượu chè, đam mê sắc dục quá đáng. Về hơi thở người tu Thiền biết điều hòa hơi thở dài và nhẹ. Hơi thở là chủ yếu của sức khỏe, là quyết định của mạng sống. Khi mệt thì thở hổn hển, khi khỏe thì thở nhẹ nhàng. Mạng sống chúng ta còn hay mất là do hơi thở quyết định, thở ra mà không thở vào thì thân này bại hoại, chuyển sang đời khác. Thế mà đa số người đời sống không biết hơi thở mình đang thế nào, dường như họ đã quên mất khi mình thở ra mà không thở vào là mạng sống chấm dứt. 

Về tâm tư con người cũng vậy, có những lo nghĩ bất thường hoặc tức giận, hoặc sợ sệt, hoặc lo lắng, phiền muộn, khổ đau, tất cả đều là nguyên nhân phát sinh bệnh hoạn. Người tu Thiền khéo buông xả những tâm tư vọng động khiến nội tâm trong sáng, tĩnh lặng nên thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Buông xả mọi tâm niệm xáo động nơi mình thì hành giả được an nhiên, bình tĩnh trước mọi sóng gió cuộc đời. Những khi thân bị gió lạnh xâm nhập chỉ cần ngồi Thiền trong một giờ thì tan hết, bởi lẽ ngồi Thiền thì hơi nóng trong người xông lên nên khí lạnh tan biến. Con người do thân bất an nên sinh bệnh, tâm lo lắng, sợ hãi, phiền muộn nên cũng sinh bệnh. Người tu Thiền khéo điều hòa thân an ổn, tâm yên định nên phù hợp với thuật dưỡng sinh.

Thiền theo lời Phật dạy có hai phương pháp hỗ tương cho nhau là Thiền Chỉ và Thiền Quán. “Chỉ” là trụ tâm vào một chỗ như niệm Phật, niệm Bồ tát, niệm hơi thở. “Quán” là dùng nhận thức để xem xét thân tâm, vạn vật nhằm biết rõ bản chất thật-hư của nó. Thiền Chỉ với mục đích dừng tâm vọng niệm lăng xăng nhờ chú tâm vào một chỗ nên được định. Thiền Quán giúp hành giả phát sinh trí tuệ nên buông bỏ được phiền não tham-sân-si, nhưng nếu quán hoài thì lăng xăng, không an định. Do đó, khi tu Thiền chúng ta phải biết dùng Chỉ và Quán để dung hoà thân tâm. Khi thì ta dùng Chỉ, khi thì ta dùng Quán để điều hoà tâm vọng động. 

Chỉ nhiều thì được định nhưng không có trí tuệ nên không thể buông xả tâm phải-quấy, đúng-sai, tốt-xấu, do đó cũng không thành tựu đạo pháp. Có trí tuệ nhiều thì tâm lăng xăng, không an định, do đó phải quay về Trung đạo để sống với tâm Phật của mình. Khi hai pháp Chỉ và Quán đã được dung thông thì mỗi hành giả phải xả chúng để không trụ vào bên nào mà thể nhập Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, sự vật như thế nào thấy rõ như thế đó nên thấy chỉ là thấy, thấy tức biết, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. 

Thiền theo lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thứ lớp từ thấp đến cao, tuỳ theo căn cơ, trình độ của mỗi người mà ứng dụng tu theo nhiều cấp độ khác nhau.

THIỀN ĐẠO PHẬT KHÁC VỚI CÁC LOẠI THIỀN NGOẠI ĐẠO

Để khỏi lầm lẫn ý nghĩa chống đối hay khinh rẻ, chúng ta nên định nghĩa chữ "ngoại đạo" cho rõ ràng. Nhà Phật định nghĩa rất rõ, ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo. Như thế, dù cho người xuất gia theo Phật mà chỉ một bề hướng ngoại cầu mong cũng gọi là ngoại đạo. Bất cứ một pháp tu nào chỉ trông cậy bên ngoài, tìm kiếm bên ngoài đều gọi là ngoại đạo, vì chủ trương nhà Phật người tu phải "minh tâm kiến tánh" mới thành Phật. Tâm tánh đâu phải việc bên ngoài, nếu tìm bên ngoài là trái với tông chỉ nhà Phật nên gọi là ngoại đạo. 

Chúng tôi liệt kê những lối tu Thiền theo ngoại đạo đang hiện hành ở Việt Nam như Thiền xuất hồn, Thiền chuyển luân xa, Thiền chuyển tinh hóa khí, chuyển khí hóa thần, Thiền thai tức, Thiền điện thiêng liêng, Thiền Du-già… Những lối tu Thiền này không ngoài hai tiêu chuẩn mầu nhiệm và sống lâu. Mầu nhiệm thuộc huyền bí, hấp dẫn những người hiếu kỳ. Sống lâu thuộc thân thể khỏe mạnh, hấp dẫn người thích sống dai. Hai tiêu chuẩn ấy trái hẳn với đạo Phật.

Đạo Phật chủ trương tu để mở mang trí tuệ, thấy được chân lý, không cần sự mầu nhiệm. Có trí tuệ liền thấy tất cả giả tướng ở thế gian đều là vô thường, dù cố dụng công bảo vệ, duy trì cách mấy rốt cuộc cũng hoại diệt. Cái giả mà cố giữ không phải si mê là gì? Thiền đạo Phật thấy tất cả pháp duyên hợp hư giả, thể tánh là không, nhận ra Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này nên khác hẳn với pháp Thiền ngoại đạo. Thiền đạo Phật nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát và giúp nhiều người cùng được sống bình yên, an vui hạnh phúc nên đi theo con đường Bồ tát đạo, giúp đỡ tha nhân cho đến khi thành Phật viên mãn mới thôi.

THIỀN TRONG SINH HOẠT ĐỜI THƯỜNG

Chúng ta bắt đầu hành Thiền từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ, Thiền như vậy mới đạt hiệu quả cao vì liên tục, không bị gián đoạn. Nếu tọa Thiền một mình trong phòng riêng hành giả có thể mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, nếu cùng tu với nhiều người thì nên mặc áo tràng cho trang nghiêm. Dụng cụ tọa Thiền của mỗi người gồm một bồ đoàn để ngồi với kích thước phù hợp, nếu không có thể lấy mền lót đỡ để dễ dàng ngồi thẳng lưng. Hành giả có thể ngồi Thiền theo tư thế Kiết Già (kiểu hoa sen), Bán Già hay các tư thế khác tùy theo sức khỏe, tuổi tác của mỗi người. 
 
Mục đích chính là điều phục cho tâm được an định. Hành giả nên chọn thời điểm và nơi chốn tọa Thiền hằng ngày tùy hoàn cảnh, công việc và sức khỏe sao cho có kết quả tốt nhất, không nên tọa Thiền lúc mới ăn no, ít nhất là trên một tiếng đồng hồ hoặc lúc quá mệt hay buồn ngủ. Người tại gia bắt đầu tọa Thiền lần lượt theo hai bước là điều thân và điều hơi thở để chuẩn bị tốt cho việc điều tâm không chạy tán loạn, lăng xăng khi hành Thiền. Sau đây là chi tiết thực hiện từng bước từ lúc bắt đầu cho tới lúc xả Thiền:

1. Điều thân

Hành giả lần lượt thực hiện các bước sau:
_ Ngồi trên bồ đoàn, xương cùng đặt ngay giữa bồ đoàn, vận động nghiêng người qua hai bên vài lần rồi ngồi theo tư thế thích hợp.
_ Cởi nút áo cổ, nới dây thắt lưng, chỉnh áo quần chỉnh tề, ngay ngắn sao cho thoải mái, trang nghiêm.
_ Thân cúi xuống ngẩng lên 3 lần, lúc đầu mạnh, sau nhẹ dần.
_ Bàn tay phải để trên bàn tay trái hoặc ngược lại, hai bàn tay đan chéo, hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau, đặt nằm ngay chiều rốn phía dưới hai ba phân. Hai cánh tay vừa chạm vào hông.
_ Chóp mũi, rốn và hai đầu ngón tay cái nằm trên một mặt phẳng thẳng đứng. Đầu hơi cuối xuống để hai trái tai dóng thẳng xuống vai.
_ Lưng thẳng vừa phải, ngồi một cách tự nhiên, thoải mái. Gương mặt tươi tỉnh, bình thản. Mắt khép hờ độ 2/3 hoặc có thể nhắm hay mở tùy người, tùy lúc; nên mở mắt trong thời gian đầu để điều chỉnh cho thân ngồi ngay ngắn, không bị niễng hai bên.


2. Điều hơi thở

Hành giả thở 3 hơi dài, hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng, trước mạnh, sau nhẹ dần.

3. Bắt đầu hành Thiền

Có 3 bước lần lượt từ thấp lên cao khi bắt đầu hành Thiền:

Mỗi hành giả tuỳ theo sở thích hoàn cảnh mà có thể niệm Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, hoặc Bồ tát Quán Thế Âm hay các Bồ tát khác hoặc niệm hơi thở. Tuy danh từ và tên có khác vì đây là phương tiện bước đầu, nhưng tất cả đều quy về một chỗ là tu thiền để thành Phật và cứu độ chúng sinh. Ở đây, chúng tôi hướng dẫn thiền Quán Thế Âm Bồ tát để mình được bình yên, hạnh phúc và giúp đỡ mọi người cùng vượt qua biển khổ sông mê ngay nơi cõi đời này cho đến khi nào thành tựu viên mãn mới thôi.

_ Miệng niệm Quán Thế Âm Bồ tát, tai chú tâm lắng nghe từng tiếng một rõ ràng, nhờ vậy không bị thất niệm, do đó dễ dàng định tâm. Hành giả Thiền Chỉ một thời gian, nhờ chú tâm nên lâu ngày dẫn đến nhất niệm, chỉ nghe âm thanh niệm Bồ tát một cách rõ ràng. Hành giả tu đến đây đã được định nên tâm an trú vào câu niệm Bồ tát.

_ Nếu có định mà không có tuệ thì không thể buông xả hết phiền não tham-sân-si và phát tâm giúp đỡ hay san sẻ với mọi người. Do đó, bước thứ hai hành giả phải tu Thiền Quán. “Quán” có nghĩa là xem xét, tìm tòi, soi sáng thân tâm và hoàn cảnh để tìm ra lẽ thật-hư của nó. Trước nhất hành giả quán sát về thân xem có “thật ngã” hay không; sau đó quán sát tâm suy tư, nghĩ tưởng của mình có thật hay không; kế đến là quán sát mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này xem có thật hay không. 

Khi quán sát như vậy hành giả thấy tất cả đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, không có gì là thực thể cố định nên thân tâm, hoàn cảnh đều vô thường hoại diệt, nhờ vậy buông xả hết tâm niệm cố chấp xưa nay khi cho thân tâm này là “thật ngã”. Hai pháp Thiền Chỉ và Thiền Quán phải được hỗ tương lẫn nhau, có khi hành giả dùng Thiền Chỉ để dừng vọng niệm, có khi dùng Thiền Quán để phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật. Có định mà không có tuệ gọi là “si định”, có tuệ mà không có định thì vọng niệm mãi lăng xăng.

_ Khi hành giả Thiền trong mọi hoàn cảnh và đã định tâm và phát sinh trí tuệ thì sang giai đoạn bảo trì tính giác, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy nhưng không dính mắc vào sự thấy nên tâm thanh tịnh, sáng suốt; giống như chiếc gương lâu ngày bị bụi bám, bây giờ bụi không còn nữa nên chiếc gương tự sáng trở lại. Giai đoạn này hành giả từ từ chuyển hoá tập khí, thói quen nhiều đời còn sót lại cho đến khi nào vọng niệm hết sạch thì gương trong sáng hoàn toàn, không tỳ vết. 

Tai có tiếng thì nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng. Tất cả âm thanh lớn nhỏ đều nghe nhưng không bám dính vào một âm thanh nào, nhờ vậy hành giả thành tựu được tánh nghe. Mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Đến giai đoạn này hành giả không cần trụ tâm vào Chỉ hay Quán nữa mà chỉ cần nhận diện rõ ràng từng vọng niệm của mình, nó như thế nào thì biết như thế đó thì vọng niệm từ tan hoà vào hư không.

4. Xả thiền

Hành giả Xả thiền theo thứ tự ngược với lúc vào Thiền. Đầu tiên là xả tâm, kế đến xả hơi thở, sau cùng là xả thân.

+ Xả tâm: Khi nghe tiếng khánh hay chuông báo xả Thiền, hành giả tâm duyên theo tiếng chuông, khánh biết rõ từ lúc có tiếng đến khi tiếng chấm dứt và đọc thầm bài kệ hồi hướng:

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo.

+ Xả hơi thở: Hành giả thở 3 lần từ nhẹ đến mạnh. Hít vào bằng mũi, tưởng “máu huyết theo hơi thở lưu thông khắp châu thân”. Thở ra bằng miệng, tưởng “bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”.

+ Xả thân: Hành giả làm lần lượt các động tác sau:

_ Chuyển động luân phiên hai bả vai mỗi bên 5 lần.
_ Đầu cúi xuống ngước lên 5 lần, xoay qua trái qua phải 5 lần rồi cúi xuống ngước lên 1 lần nữa.
_ Co duỗi các ngón tay 5 lần và chuyển động thân từ nhẹ đến mạnh 5 lần, lần cuối úp hai bàn tay lên đầu gối rồi ấn mạnh xuống.
_ Chà xát hai bàn tay cho ấm lên rồi xoa mặt, tai, gáy, cổ mỗi nơi 20 lần.
_ Dùng đầu ngón tay cào nhẹ trên đầu từ trước ra sau 5 lần.
_ Bàn tay phải xoa từ vai trái xuống cánh tay, bàn tay trái xoa từ nách xuống hông phải, làm 5 lần rồi đổi tay.
_ Lòng bàn tay phải đặt trước ngực, lưng bàn tay trái đặt nơi lưng, hai tay đồng thời xoa theo chiều ngang ở 3 vị trí, mỗi nơi 5 lần: Thượng tiêu (trước ngực), Trung tiêu (giữa ngực và bụng), Hạ tiêu (bụng dưới).

_ Hai bàn tay chà xát mạnh vùng thận, thắt lưng, mông, dọc hai bên đùi đến đầu gối (vẫn còn xếp bằng theo tư thế lúc đầu), chà xát lâu mau tùy sự đau tê nhiều hay ít. Xoa kỹ những chỗ bị đau nhiều, nếu không lâu ngày sinh bệnh đau nhức.
_ Chà hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi áp vào mắt 5 lần.
_ Tay nắm các đầu ngón chân, đặt bàn chân xuống tọa cụ. Xoa bóp kỹ hai chân và lòng bàn chân cho đến khi bớt đau tê mới duỗi thẳng hai chân ra.
_ Gập người xuống, hai cánh tay duỗi thẳng sao cho các ngón tay chạm vào đầu ngón chân, gập xuống thẳng lên 3 lần.
_ Cuối cùng, bỏ bồ đoàn ra, tiếp tục xoa bóp kỹ những chỗ còn đau tê.

Thời gian xả Thiền từ 10 đến 15 phút. Nếu nhiều người cùng ngồi với nhau thì sau khi xả Thiền người xong trước vẫn ngồi xếp bằng ngay ngắn để chờ mọi người hoàn tất việc xả Thiền rồi tiếp tục tụng kinh theo nghi thức thống nhất. Nếu một mình thì tuỳ theo hoàn cảnh mà sắp xếp hài hoà để thân tâm được an lạc. Người tại gia ngồi Thiền tối thiểu 15 phút cho đến 2 tiếng, tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh sống của mỗi người mà chúng ta áp dụng hành Thiền cho hài hoà.

TU THIỀN QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Thiền niệm Quán Thế Âm

Hiện nay một số hành giả tu theo pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, lấy tín-hạnh-nguyện làm Tông chỉ. “Tín” là tin có cõi Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc. “Hạnh” là niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. “Nguyện” là nguyện về Tây phương Cực Lạc. Đây là quan điểm của tông chỉ Tịnh Độ trong bản kinh A Di Đà. Chúng tôi căn cứ theo lời Phật dạy trong Tam tạng Kinh điển thì thấy tất cả đều phải tu Thiền ngay nơi cõi này chứ không phải tìm cầu đâu xa. Thiền của đạo Phật mục đích đạt đến giác ngộ, giải thoát cho chính mình và phát nguyện độ tất cả chúng sinh. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni do tu Thiền dưới cội Bồ đề mà thực chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. 

Chúng ta là những người tu theo Phật thì cũng phải tu Thiền, nhưng tu Thiền như thế nào để được lợi ích thật sự? Thiền mà chúng tôi đang hướng dẫn đi thẳng vào đời sống gia đình và xã hội. Thiền ngồi tịnh tâm, Thiền lạy trong sám hối, Thiền đi trong sinh hoạt đời thường, Thiền tỉnh giác trong ăn uống, lúc tắm rửa, đi tiểu, đi đại, lúc lái xe, lúc làm việc, lúc mua bán, giảng dạy, nghiên cứu, gánh nước lặt rau, nấu nướng… và Thiền nằm trong lúc nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ. Vì người cư sĩ tại gia còn nhiều nhân duyên ràng buộc nên chúng tôi hướng dẫn phương tiện tu Thiền niệm Bồ tát Quán Thế Âm, cũng lấy tín-hạnh-nguyện làm Tông chỉ nhưng tín-hạnh-nguyện của người niệm Quán Thế Âm khác với niệm Phật cầu vãng sinh.

“Tín” ở đây có nghĩa tin vào thần lực nhiệm mầu của Bồ tát Quán Thế Âm có đủ khả năng giúp chúng sinh chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, đạt được kết quả như ý muốn. Mỗi hành giả đều tin chính mình là Bồ tát Quán Thế Âm nhờ tu hạnh lắng nghe, buông xả và biết bố thí chia vui sớt khổ và bố thí không sợ hãi. “Hạnh” có nghĩa là thực hành niệm danh hiệu Bồ tát một cách tinh chuyên, ròng rặc, miên mật, thường xuyên mỗi ngày không lơ là, giải đãi. Chúng ta cung kính, chí thành niệm danh hiệu Bồ tát trong mọi hoàn cảnh, trong bốn oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi mà không bị ngoại cảnh chi phối làm thất niệm. 

Cuộc sống thế gian vốn nhiều đau khổ, bất an, tham lam, thù hận, đố kỵ, tranh chấp, xung đột, sợ hãi và sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Nếu chúng ta không thường xuyên cung kính niệm Bồ tát Quán Thế Âm mà chờ đến khi gặp hoạn nạn mới khẩn cầu van xin thì e rằng không có kết quả như đã nguyện. Lúc này tinh thần không sáng suốt, khủng hoảng, sợ hãi, mất bình tĩnh thì làm sao đủ khả năng cầu sự gia hộ của Bồ tát.

“Nguyện” ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, cứu vớt chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt thoát khổ đau và luôn đem niềm vui đến với tất cả muôn loài. Bồ tát sau khi thành tựu đạo quả, phát nguyện dấn thân đi vào đời để làm lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, cùng chia vui và cùng sớt khổ với tất cả chúng sinh. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thế gian lúc nào cũng đầy dẫy khổ đau, bất hạnh như đang sống trong nhà lửa, chịu sự nóng bức của phiền não trong từng phút giây.

Tu và học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm như nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, luôn giúp mọi người sống gần gũi, gắn bó với nhau bằng sự thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, sẻ chia và giúp đỡ, không thấy ai là người thù mà chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Phương pháp Thiền Quán Thế Âm là miệng niệm, tai lắng nghe khi ngồi, khi đi, khi lạy, khi nằm; tức là hành giả chú tâm vào câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, nhờ chú tâm nên không bị các vọng niệm buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu chi phối. Hành giả tu theo pháp niệm Quán Thế Âm Bồ tát trong khi ngồi thì miệng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, tai lắng nghe rõ ràng từng tiếng một.

Thiền trong lúc ngồi


Hành giả mỗi buổi sáng thức dậy lễ Phật xong mới bắt đầu vào Thiền. Ai có bàn thờ Phật tại nhà thì ngồi Thiền ngay đó, ai chưa thờ Phật thì tự sắp xếp chỗ ngồi hợp lý vì Thiền dành chung cho mọi người. Ngồi Thiền có nhiều cách, cách thứ nhất là tư thế ngồi hoa sen Kiết Già, hai chân đang chéo vào nhau, hoặc ngồi tư thế Bán Già hay ngồi cách nào cho thoải mái cũng được. Điều quan trọng là mỗi hành giả điều phục tâm mình sao cho được an định. 

Trước khi tịnh tâm hành giả ngồi tư thế lưng thẳng, hai bàn tay xỏ hình bánh vế, hai ngón tay cái đâu nhau và để ở giữa bụng, dưới rốn; mắt nhìn thẳng về phía trước, ngó xuống điểm trước mắt cách 8 tấc đến 1 thước, 2 mắt mở vừa chừng, không nên nhắm lại để tránh tình trạng bị ngủ gật hoặc ngồi lệch một bên; khi ngồi nên động thân vài lần để máu huyết lưu thông đều rồi sau đó hít vào 3 hơi bằng mũi và thở ra bằng miệng. Bắt đầu vào Thiền hành giả sẽ niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” chậm rãi, từ từ, nhẹ nhàng vừa đủ nghe.

Miệng niệm, tai lắng nghe, chúng ta nghe từng tiếng niệm Bồ tát rõ ràng. Khi mới bắt đầu tập tu Thiền, hành giả thường bị các vọng niệm thương ghét, vui buồn, phải quấy, tốt xấu, đúng sai chen vào làm thất niệm, mất tập trung. Đây là lẽ đương nhiên, nhưng khi hành giả cố gắng chú tâm vào từng tiếng niệm Bồ tát sẽ dần dần đánh bạt các vọng niệm khác, nhờ khéo nhiếp tâm thuần thục.

Chúng ta nên nhớ, Thiền niệm Quán Thế Âm Bồ tát rất đơn giản, dễ dàng, chỉ cần chúng ta có đủ lòng tin, kiên trì, bền chí, siêng năng, tinh tấn tu h&ag
loading...