Kiến thức
Thiên ma dâng ngọc nữ
Thứ hai, 05/05/2021 09:06
Thiên thần dâng Ngọc nữ cho Đức Phật, toan mưu phá tâm đạo của Ngài. Đức Phật bảo rằng: “Cái đãy da chứa nhiều bất tịnh, anh đem đến đây làm gì? Hãy mang đi đi. Ta không cần đến”.
Hại không được, thiên thần trở sinh lòng cung kính, tham vấn Phật pháp. Đức Phật chỉ bày ý đạo, nhờ đó ông chứng quả Tu đà hoàn.
Lược giải
Tìm hiểu nội dung chương này, chúng ta nên chú ý bốn điểm sau đây:
1. Đầu tiên chúng ta phải xác quyết rằng bối cảnh của giai thoại này xảy ra sau khi Đức Phật thành đạo, và có thể trong những tuần lễ đầu tiên, dưới cây Bồ đề đại thọ, khi Đức Phật đang chần chừ trong trạng thái nửa muốn hóa độ chúng sinh vì chúng sinh đau khổ và nửa muốn vô dư Niết bàn vì sợ chúng sinh không kham thọ nổi giáo pháp quá cao sâu mà Ngài vừa chứng ngộ. Câu nói: “Đức Phật chỉ bày ý đạo, nhờ đó ông chứng quả Tu đà hoàn” cho phép chúng ta khẳng định điều này. Bởi lẽ người giác ngộ viên mãn mới khai ngộ đối tượng chứng quả (dù chỉ là sơ quả).
2. Thiên thần: Theo Đinh Phúc Bảo, thiên thần là dịch nghĩa của từ Phạm Thiên (Revata), Phạm Thiên là tên gọi chung cho Đế Thích và tất cả thiên chúng.[1] Nhưng theo kinh điển thì Thích Đề Hoàn Nhân và thiên chúng của ông rất mực ủng hộ Phật pháp. Kinh Pháp Hoa nói, khi Đức Phật khởi ý định nhập Niết bàn, không thuyết pháp độ sinh, thì chính ông là người đầu tiên khởi thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân và sau đó là mười phương chư Phật: “Xưa ta ngồi đạo tràng, xem cây cùng kinh hành, trong 21 ngày. Ta nghĩ như vậy. Trí tuệ của ta đặng, vi diệu bậc đệ nhất. Chúng sinh các căn chậm, làm sao mà độ đặng. Bấy giờ các Phạm Thiên, cùng các trời Đế Thích, bốn Thiên vương hộ đời và trời Đại Tự Tại cùng các thiên chúng khác, trăm ngàn ức quyến thuộc, chắp tay cung kính lễ, thỉnh ta chuyển pháp luân…”[2]
Do đó, thiên thần ở đây, phải là thiên ma ngoại đạo (loại thiên ma luôn cản phá Phật đạo)[3] hay thiên ma Ba Tuần. Cũng theo từ điển trên, thiên ma Ba Tuần còn gọi là Thiên ma hay Thiên tử ma, tức là Ma vương của cõi trời thứ sáu có rất nhiều quyến thuộc, là những đối tượng luôn quấy phá, làm trở ngại Phật đạo.
Theo bản chú giải của TT. Hoàn Quan, chúng ta dễ hiểu hơn: “Thiên ma ở dục giới, thuộc cõi trời thứ sáu (tức Tha Hóa Tự Tại Thiên) tìm cách quấy nhiễu Phật. Cõi trời này, sự thọ dụng về ngũ dục rất là vi tế thắng diệu. Vị Thiên chủ tên là Ba Tuần cũng là vị trụ trì năm thứ dục của dục giới. Tất cả chúng sinh ở dục giới muốn cầu được ngũ dục tối thượng đều phải cung phụng vị này. Nhưng Phật đạo lại xuất ly dục giới, nên bị chúng Thiên ma này ghét. Vì thế, chúng đem Ngọc nữ hiến cho Phật”.
3. Chúng ta thấy thái độ của Đức Phật luôn là thái độ sáng suốt. Ngài không hề bị những cám dỗ tầm thường như là sắc đẹp “mỹ nhân kế”. Do đó, là đệ tử Ngài, tiếp nối con đường hoằng hóa của Ngài, chúng ta cần có thái độ sáng suốt nhìn thẳng vào bản chất của mọi sự cám dỗ, khinh bỉ nó, vượt lên trên nó, để chu toàn sứ mạng sứ giả Như Lai trong mọi bối cảnh và mọi thời đại. Không chiến thắng mọi cám dỗ, chúng ta sẽ thất bại trên đường hoằng hóa và ngay trong cả đời thường tu tập. Nghĩa là chúng ta “Bán đồ nhi phế”, trở lại đời sống thế tục, vốn như một ngục tù chật chội.
4. Sự đố kỵ, quấy nhiễu, hãm hại của những phần tử xấu đối với người thiện, hoạt động đạo đức, có thể coi như là một điều không thể tránh khỏi. Là kẻ xấu nên họ luôn luôn tìm hại người thiện dưới mọi hình thức. Nhưng để quy phục những phần tử như vậy, chúng ta phải có thái độ và cách xử sự thật sáng suốt, cứng rắn. Sáng suốt và cứng rắn ở đây không phải là đối kháng mà là vận dụng phương tiện uyển chuyển, chuyển hóa tâm người. Ở đây, Đức Phật phủ nhận sự bất thiện của thiên ma, nhưng không phẫn nộ mà chỉ phản vấn để thức tỉnh thiên ma: “Cái đãy da chứa nhiều bất tịnh, anh đem đến đây làm gì?”. Không phải là xua đuổi, mà là khuyên rất nhỏ nhẹ, ý nhị, nhưng đầy tính thuyết phục: “Hãy mang đi đi, ta không cần đến”. Chính nhờ như thế mà thù thành bạn, thiên ma thành người giác ngộ (chứng quả Tu đà hoàn).
Do đó, vấn đề này rất cần để chúng ta lưu tâm, chiêm nghiệm vận dụng trong phạm vi truyền đạo của mình. Từ bốn điểm này chúng ta đúc kết thành hai bài học:
1. Đam mê sắc đẹp hay chạy theo nhiều cám dỗ của nữ sắc, tất không làm nên đại sự, đại nghiệp.
2. Nóng nảy, không khế lý, khế cơ, tất không hóa độ được ai, nhất là những đối tượng cựu thù.
Xét về nguyên tác, kinh này được tìm thấy trong Kinh Tập (Suttanipata) (Sn,163) từ kệ 835-847, tr. 125-127, bản dịch của Hòa thượng Minh Châu, với tựa đề là Kinh Magandiya.
Truyện cổ Phật giáo: Thần thông không chống được nghiệp lực
Magandiya là tác giả hiến kế “dâng Ngọc nữ”. Bản nguyên tác không mô tả rõ vị này là ai, mà chỉ ghi lại cuộc đối thoại bằng thi kệ giữa Đức Phật, bậc tự tại vô nhiễm, với y mà thôi. Nội dung cuộc đối thoại (bằng thi kệ) chỉ xoay quanh vấn đề sự bất tịnh của nữ sắc, sự chấp thủ và sự giải thoát, thăng tiến phạm hạnh là từ bỏ sự chấp thủ. Đức Phật giải thích tường tận ba điều đó cho Magandiya, tuy nhiên bản nguyên tác cũng không cho biết gì về sự chứng đắc như bản dịch của hai ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Sau đây là nguyên văn Kinh Magandiya:
Thế Tôn:
“Sau khi thấy khát ái
Bất lạc và tham đắm
Không thể có ưa muốn
Đối với sự dâm dục
Sao, với bao đầy tràn
Nước tiểu, phân uế này
Ta không có ước muốn
Với thân động chạm đó.”
Magandiya:
“Nếu Ngài không ước muốn
Ngọc báu như thế này
Nữ nhân được mong cầu
Bởi rất nhiều đế vương
Hãy nói như thế nào
Là tri kiến của Ngài
Giới cấm và sinh mạng
Cùng sự hữu phát sinh .”
Thế Tôn:
“Thế Tôn liền trả lời
Cho Magandiya
Với ta không có nói
“Ta nói như thế này”
Sau khi quan sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp
Trong tất cả tri kiến
Ta không có chấp trước
Ta thấy sự cất chứa
Tịch tịnh trong nội tâm.”
Magandiya:
“Các lý thuyết quyết định
Ngài nói vị ẩn sĩ
Không nắm giữ thuyết nào
Còn về ý nghĩa này
Của hai chữ nội tịnh
Thế nào bậc hiền trí
Hiểu biết hai chữ ấy?”
Thế Tôn:
“Sao Bà la môn ấy.”
Lại nói: “Đây sự thật.”
“Đây chính là nói láo
Để gây tranh luận
Với si không hề có
Bằng nhau, không bằng nhau
Do đâu nó có thể
Mắc vào tranh luận được
Đoạn tận mọi nhà cửa
Sống làm kẻ không nhà
Ẩn sĩ không thân thiết
Với một ai ở làng
Trống không các dục vọng
Không xem trọng sự gì
Không nói chuyện tranh luận
Với một ai ở đời
Vị ấy sống viễn ly
Mọi sự việc ở đời
Bậc long tượng không chấp
Và không nói đến chúng
Như hoa sen có gai
Sinh ra ở trong nước
Không bị nước và bùn
Mắc dính và thấm ướt
Như vậy bậc ẩn sĩ
Nói an tịnh, không tham
Không bị dục và đời
Mắc dính và thấm ướt
Bậc trí không do kiến
Cũng không do thọ tưởng
Đi đến sự kiêu mạn
Không có tham dự vào
Không để cho hành động
Cho truyền thống dắt dẫn
Không để bị chi phối
Trong trú xứ của ý
Người không ưa thích tưởng
Không có bị trói buộc
Vị được tuệ giải thoát
Không có sự si mê
Và không ai chấp thủ
Tư tưởng và tri kiến
Người ấy sống xung đột
Với mọi người ở đời.”
Chú thích:
[1] Phật học đại từ điển, tr. 471.
[2] Phẩm Phương Tiện, tr. 87.
[3] Phật học đại từ điển, tr. 477.