Sách Phật giáo

Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử Thiền học Phật giáo Việt Nam

Thứ hai, 20/12/2016 01:06

Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ và có thể sớm hơn, nhưng trãi qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, nhất là hơn 1.000 năm Bắc thuộc, song, lúc nào Phật giáo Việt Nam cũng đồng hành cùng dân tộc, góp phần giữ vững bờ cõi, hòa bình, độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, Đạo Phật trở thành mạch sống của dân tộc, ảnh hưởng không nhỏ trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị và ngoại giao.

Bằng tinh thần nhập thế tích cực, vô ngã, vị tha, từ bi cứu khổ của Đạo Phật, các Thiền sư, danh Tăng, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam đã tích cực ủng hộ các triều đại, những minh quân, những nhà lãnh đạo đất nước chân chính, nhằm góp phần giúp nước, giúp dân, đưa ra những kế sách có lợi cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước, xã hội phồn vinh, văn minh tiến bộ qua mọi thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội.

Như lịch sử cho thấy, xuất phát từ Phật Quang Đại Sư, Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp, Phương Đình, Duy Giám, Vân Kỳ, Khuy Xung, Đại Thừa Đăng, Đạo Thanh, Đàm Hoằng, Huệ Thắng, Đạo Thiền đã đặt nền móng cơ bản cho Phật giáo Việt Nam trong những thế kỷ đầu. Nhất là Thiền học Việt Nam ở thế kỷ thứ 3 (251), Đạo Thiền (527) là kết thúc giai đoạn lịch sử, với các kinh điển được lưu hành: Kinh Lục Độ Tập, Thí dụ, Cựu Tạp Thí dụ, Tứ Thập Nhị Chương, Pháp cú, Niết Bàn, Pháp Hoa Tam muội, Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, kinh Kim Cương, kinh An Ban Thủ Ý v.v… với cơ sở Quỳnh Viên, qua câu chuyện Đại sư Pháp Quang Chữ Đồng Tử tại Cửa Sót, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chùa Tiên Sơn – Phật Tích Bắc Ninh ngày nay v.v… Đặc biệt, Thiền sư Đàm Hoằng từ Trung Hoa đến hành đạo tại chùa Tiên Sơn (Phật Tích – Bắc Ninh) vào năm 425, Ngài thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Thập Lục Quán. Ngài viên tịch vào năm 455 bằng cách tự đốt thân tại chùa Tiên Sơn - Bắc Ninh.

Đến thời Lý Nam Đế, đánh đuổi Tiêu Tư quân nhà Lương về nước, giành độc lập dân tộc, đất nước đặt quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên năm 544, Ngài liền xây chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) bắt đầu thời kỳ dựng nước, phát triển đất nước và Phật giáo. Các nhà lãnh đạo kế tiếp như Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương 779), Ngô Quyền (938) v.v… đều là những Phật tử hộ trì Phật giáo trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp và phát triển lâu dài.

Trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thế ấy, một dòng Thiền xuất hiện, là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Thiên Trúc, thờ Tổ Tăng Xán làm thầy. Lúc đầu Ngài ở chùa Chế Chỉ - Quảng Châu, dịch kinh Tượng Đầu Tinh xá, Nghiệp báo sai biệt. Năm 580 Ngài đến hoằng hóa ở phương Nam tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu), do Thiền sư Quán Duyên trụ trì. Trong thời gian lưu lại chùa Pháp Vân, Thuận Thành, Bắc Ninh – Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Ngài dịch thêm bộ kinh Đại Tổng Trì Đà La Ni trong đó có một đoạn nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà và độ cho đệ tử người Việt Nam là Pháp Hiền.

Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi lấy kinh Tinh xá Đầu Voi và Đại Tổng Trì Đà La Ni làm cơ sở, qua những tư tưởng chủ đạo Bồ đề Vô trụ, Không tướng, 6 Ba la mật, Đà la ni, Thiền quán, sám văn v.v… và có sự truyền thừa rõ nét: Đại sư Pháp Hiền đời thứ 1; Đại sư Pháp Đăng đời thứ 3; Thanh Biện đời thứ 4; Vô Ngại đời thứ 5; Long Tuyền đời thứ 7; Định Không đời thứ 8; Thông Biện đời thứ 9; Đại sư Pháp Thuận đời thứ 10; Đại sư Vạn Hạnh đời thứ 12, Huệ Minh đời thứ 13, Khánh Hỷ đời thứ 14, Pháp Dung đời thứ 15, Chân Không đời thứ 16, Viên Học, Diệu Nhân đời thứ 17; Viên Thông đời thứ 18; Y Sơn đời thứ 19. Trong số đó, có những Thiền sư giúp ích rất nhiều cho Triều đại nhà Đinh và Tiền Lê cũng như đất nước và phát triển Đạo Phật như Thiền sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh.

Trong tư trào ấy, một dòng Thiền thứ hai xuất hiện, do Thiền sư Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, thờ Tổ Bách Trượng làm thầy, Ngài qua phương Nam hoằng hóa. Ngài đến chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, Gia Lâm năm 820, do Đức Lập trụ trì, về sau được Thiền sư cảm hóa, đổi tên là Cảm Thành.

Tư tưởng Thiền Vô Ngôn Thông là trực nhận và trực giác, không phân biệt – Chính Ta là Phật, Phật là Ta, người Việt Nam là Phật, Phật là người Việt Nam, đất nước Việt Nam là Tây Trúc, Tây Trúc là Việt Nam. Tâm địa nếu thông, thì trí tuệ xuất hiện. Ngay nơi đây và từ con người nầy không cần tìm đâu xa, chính trong sinh tử mà nhận chân được sự giác ngộ, giải thoát…

Thiền Vô Ngôn Thông có sự truyền thừa cụ thể như: Thiền sư Cảm Thành đời thứ 1; Thiện Hội đời thứ 2; Vân Phong đời thứ 3; Khuông Việt đời thứ 4; Đa Bảo đời thứ 5; Định Hương đời thứ 6; Viên Chiếu đời thứ 7; Thông Biện đời thứ 8; Không Lộ đời thứ 9; Minh Trí đời thứ 10; Giác Hải đời thứ 10; Quảng Nghiêm đời thứ 11; Thường Chiếu đời thứ 12; Thông Thiền đời thứ 13; Hiện Quang đời thứ 14; Ứng Thuận đời thứ 15; Nhật Tông đời thứ 16; Tuệ Trung đời thứ 17 đã có những Thiền sư hết lòng phò Vua giúp nước, lãnh đạo Phật giáo cả nước như Khuông Việt Đại sư, Đa Bảo Thiền sư.

Qua đó, cho thấy Phật giáo thời Tiền Lý, với hai dòng Thiền mang tính bản địa, bình dân, phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đồng thời cũng mang tính tích cực, triết lý và nhân bản, đã tạo thành những con người ưu tú cho Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, xã hội: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt không ai khác hơn là Khuông Việt Thái sư (Tể tướng), Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Đa Bảo Đại sư v.v…Về mặt đạo – Tăng thống Khuông Việt Pháp sư, Tăng lục Pháp sư Trương Ma Ni, cố vấn Đại sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Thiền sư Đa Bảo, Trú Trì, Định Huệ, Ma Ha v.v… tạo thành một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho cả nước Đại Việt và Phật giáo xem là Quốc đạo thời bấy giờ.

+ Dòng Thiền Thảo Đường:

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, bắt được một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường về làm người phục vụ cho vị Tăng Lục của triều đình. Về sau phát hiện đây là một vị Thiền sư, vua Lý Thánh Tông vô cùng kính trọng và tôn làm Quốc sư, cử về trụ trì chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) và làm cơ sở phát huy Thiền phái Thảo Đường. Phái Thảo Đường truyền thừa được 09 đời: Thiền sư Thảo Đường, vua Lý Thánh Tông, vua Lý Anh Tông, vua Lý Cao Tông, Thiền sư Bát Nhã, Ngộ Xá, Không Lộ, Định Giác, Trương Tam Tạng, Hải Định v.v…, với chủ trương Thiền Tịnh song tu và có nhiều vị Quốc vương xuất gia tu hành nhất như: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông.

+ Thiền phái Trúc Lâm:

Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử thành lập năm 1299, có thể nói bắt nguồn từ Thiền phái Vô Ngôn Thông. Bởi lẽ, Thiền sư Hiện Quang đời thứ 15, đệ tử Thiền sư Thường Chiếu dòng Vô Ngôn Thông, khai sơn chùa Hoa Yên – Yên Tử, xem như đời thứ nhất phái Yên Tử. Đệ tử Hiện Quang Thiền sư là Đạo Viên, mà Đạo Viên Trúc Lâm Quốc sư đời thứ 2 Yên Tử là thầy của vua Trần Thái Tông (1218 - 1277). Thiền sư Đại Đăng đồng sư với vua Trần Thái Tông đời thứ 3. Còn Thiền sư Tiêu Diêu là thầy của Tuệ Trung Thượng Sĩ, mà Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của vua Trần Nhân Tông, đời thứ 4; Thiền sư Huệ Tuệ đệ tử Thiền sư Tiêu Diêu đời thứ 5, đã làm lễ thế phát xuất gia, truyền giới cho vua Trần Nhân Tông, sau khi ngộ đạo được tôn hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng đời thứ 6 phái Yên Tử, nhưng là Sơ Tổ Trúc Lâm, thống nhất ba Thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phát triển cho đến cuối nhà Trần. Về sau, vẫn còn ảnh hưởng đến một vài Thiền sư như: Thiền sư Chơn Nguyên, Thiền sư Hương Hải – Minh Châu, truyền thừa gồm 23 Thiền sư liên hệ như: 1. Hiện Quang Tổ sư, 2. Viên Chứng Quốc sư, 3. Đại Đăng Quốc sư, 4.Tiêu Dao Tổ sư, 5. Huệ Tuệ Thiền sư, 6. Nhân Tông Thiền sư, 7. Pháp Loa Thiền sư, 8. Huyền Quang Thiền sư, 9. An Tâm Quốc sư, 10. Phù Vân Quốc sư (Tịnh Lự), 11. Vô Trước Quốc sư, 12. Quốc Nhất Quốc sư, 13. Viên Minh Thiền sư, 14. Đạo Huệ Thiền sư, 15. Viên Ngộ Thiền sư, 16. Tổng Trì Thiền sư, 17. Khuê Thám Quốc sư, 18. Sơn Đắng Quốc sư, 19. Hương Sơn Đại sư, 20. Trí Dung Quốc sư, 21. Tuệ Quang Thiền sư, 22. Chân Trú Thiền sư, 23. Vô Phiền Đại sư.
 
Đối với Thiền phái Trúc Lâm đã biểu thị được những tính chất đặc trưng là một phái Thiền Việt Nam, do người Việt Nam tu hành chứng quả thành lập, đó là Vua Trần Nhân Tông (1278 - 1308) con vua Trần Thánh Tông (1240 - 1291), xuất gia tu hành liễu đạo, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng, hay Phật hoàng. Từ đó, thống nhất được các Thiền phái Phật giáo Việt Nam thành một mối, gọi là Đạo Phật Nhất Tông, trụ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Tạo được sức mạnh tổng hợp cho Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 13 của nước Đại Việt, đánh bại hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông, và mở rộng bờ cõi Đại Việt đến tận Quảng Nam.

Bằng tinh thần nhân bản tuyệt đối, con người có khả năng giác ngộ thành Phật, vì Phật tại tâm. Tâm là Phật, chứng quả thành Phật tại thế gian, trong cuộc đời nầy không tìm đâu xa. Như Trần Nhân Tông nói: "Của báu đầy kho thôi tìm kiếm. Gặp cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Tuy nhiên, với tinh thần Tam giáo đồng nguyên nên sự đoàn kết, hòa hợp và cởi mở của Phật giáo thời Trần vẫn còn cho thấy sự hoạt động của các Pháp môn tu hành Mật tông, Niệm Phật, tôn thờ Đức Phật Di Đà vẫn còn tồn tại từ thời Lý, nhất là chủ trương Thiền Giáo song hành của Thiền phái Trúc Lâm có ảnh hưởng tiềm tàng trong các Thiền phái Liễu Quán, Thiên Thai v.v… trong thế kỷ 17 – 20 của Phật giáo Việt Nam.

+ Thiền Tào Động, Lâm Tế:

Vào thế kỷ 17, dưới thời Trịnh – Nguyễn, còn gọi là Đàng Trong, Đàng Ngoài, có hai Thiền phái Tào Động và Lâm Tế truyền vào Việt Nam. Đàng Ngoài do Thiền sư Thông Giác Học đổ Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo truyền vào Việt Nam năm 1667. Đàng Trong do Hòa thượng Thạch Liêm hướng dẫn hoằng đạo tại miền Trung vào năm 1696.

Thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài, do Thiền sư Chuyết Chuyết (Chuyết Công) truyền đạo vào Việt Nam năm 1696. Đàng Trong do Thiền sư Nguyên Thiều truyền vào Việt Nam năm 1662. Thiền phái này được gọi là Lâm Tế Nguyên Thiều – Liễu Quán. Cả hai Thiền phái tồn tại, phát triển tại Việt Nam đến nay gần 400 năm, đã có những Thiền sư tu hành chứng quả thành lập các phái Thiền Việt Nam như Tổ Liễu Quán, Tổ Huệ Đăng (Thiên Thai), Tổ Phi Lai v.v...

+ Trong thời cận đại:

Sau Cách mạng ngày 01/11/1963 thành công, GHPGVNTN thành lập ngày 04/01/1964. Tổng vụ Giáo dục lãnh đạo hệ thống Giáo dục Phật giáo, Viện Cao đẳng Phật học Sài gòn, Đại học Vạn Hạnh, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm được thành lập. Hòa thượng Thích Thanh Từ làm Ủy viên Phật học vụ Tổng vụ Giáo dục là Giáo sư Viện Cao đẳng Phật học Sài gòn, Đại học Vạn Hạnh, Phật học Viện Huệ Nghiêm, Dược Sư v.v... Chương trình học được chia làm nhiều Khoa, nhiều Ban, được áp dụng chung. Trong đó có Ban Thiền học Việt Nam, do Giáo sư Nguyễn Đăng Thục – Khóa trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài gòn (1960 - 1965), Khoa trưởng Phân khoa Văn khoa Đại học Vạn Hạnh (1965 - 1975) làm Chủ nhiệm bộ môn. Tập trung các Bộ sách cơ bản như Thiền học Việt Nam, Khóa Hư Lục, Thánh Đăng Lục, Thiền Tông Bản Hạnh, Tam Tổ Thực Lục, Thiền Uyển Tập Anh, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Thiền Căn bản, Lục Diệu Pháp Môn v.v...

Qua thời gian nghiên cứu, giảng dạy, nhất là trong phạm vi trách nhiệm, năm 1968 Hòa thượng Thích Thanh Từ nhập thất tại Tịnh thất Pháp Lạc, Vũng Tàu trong ba năm, từ năm 1968 – 1970. Ngày 08/4/al năm 1971, Hòa thượng khai pháp Tịch Thiền học đầu tiên tại Tu viện Chơn Không, Vũng Tàu, nhằm phục hoạt tinh thần Thiền học và phát triển dần dần cho đến ngày thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981.
HT.Thích Thanh Từ
Đáp ứng yêu cầu và thỉnh nguyện của Hòa thượng Thanh Từ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo điều kiện thành lập Thiền viện Trúc Lâm – Đà Lạt năm 1993, đến năm 2001 thành lập Thiền viện Trúc Lâm chùa Long Động (chùa Lân)Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, năm 2006 thành lập Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2008 thành lập Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2010 thành lập Thiền viện Trúc Lâm, Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, năm 2011 thành lập Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tỉnh Tiền Giang, thành lập Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành tỉnh Nghệ An, Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng tỉnh Bắc Giang, Thiền viện Trúc Lâm tỉnh Tuyên Quang v.v… Đến nay, có trên 38 cơ sở Thiền viện sinh hoạt trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Hòa thượng Thích Thanh Từ - Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Qua đó, Thiền phái Trúc Lâm trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì kể từ khi thành lập năm 1299 đã cực thịnh trong thời Trần ở nửa thế kỷ 13 và tiềm ẩn từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20, gần 700 năm. Do đó, sự phục hoạt Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong cuối thế kỷ 20, nhất là trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đỉnh cao của thời đại hòa bình, độc lập, thống nhất Phật giáo Việt Nam. Với chủ trương các truyền thống Hệ phái, pháp môn tu học biệt truyền đúng Chính pháp được duy trì và phát triển ổn định như Hiến chương GHPGVN đã quy định.

Thực tế cho thấy, hiện nay trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Phật giáo Người Hoa, người Chăm; truyền thống pháp môn tu tập: Thiền Nam tông, Như Lai Thiền, Thiền Công án, Thiền Lâm Tế, Liễu Quán, Nguyên Thiều, Thiền Trúc Lâm, Thiền Đạo tràng Mai Thôn, Đạo tràng Niệm Phật Tịnh Độ, Đạo tràng Pháp Hoa, Đạo tràng Dược Sư, Đạo tràng Di Lặc, Đạo tràng Đại Bi (Mật Tông Kim Cang Thừa) v.v… đang sinh hoạt đồng bộ, nhịp nhàng, đoàn kết, hòa hợp trong lòng GHPGVN, trong an lạc, giải thoát của từng Pháp tu. Như Đức Phật dạy: "Quy nguyên tính vô nhị. Phương tiện hữu đa môn” (Về nguồn vốn một không hai. Pháp tu sai biệt xưa nay rõ ràng), đã tạo thành một sức mạnh tổng hợp cho Phật giáo Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, vì đất nước Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, sẽ góp phần bền vững cho nền độc lập dân tộc và phát triển không ngừng, hội nhập cùng thế giới trong hiện tại và tương lai của thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Với tinh thần và chủ trương nhất quán trên, thì Phật giáo đời Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong dòng Thiền Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, không gì khác hơn là Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta cố gắng giữ gìn, phát huy tinh thần độc lập, truyền thống văn hóa dân tộc, đoàn kết hòa hợp, tự lực tự cường, phát triển các điều kiện nội lực và ngoại lực, hỗ tương tác động để cùng tồn tại và không ngừng phát triển một cách ổn định trang nghiêm trong lòng dân tộc và hội nhập thế giới. Thực hiện được như thế là chúng ta thiết thực kỷ niệm và đền đáp công ơn các bậc Tổ sư, các đấng tiền nhân hữu công đối với đất nước, dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là công đức sáng lập Thiền phái Trúc Lâm của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
loading...