Kinh Phật
Thiện Tài đồng tử và con đường vãng sanh Tịnh độ trong Kinh Hoa Nghiêm
Thứ bảy, 03/12/2022 09:28
Kinh Hoa Nghiêm là một bản kinh lớn, giữ vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng văn học Phật giáo Đại thừa. Không những thế, Kinh Hoa Nghiêm còn chứa đựng đầy đủ các tư tưởng triết học Phật giáo, kể cả triết học thời kỳ Nguyên thủy và Bộ phái.
Từ những giáo lý căn bản như Tứ đế, Duyên khởi đến tư tưởng triết học Vô ngã, Tánh không, từ các phương pháp tu tập dẫn tới sự chứng đắc tứ quả cho đến con đường thực hành Bồ tát đạo, Hoa Nghiêm đều trình bày rõ ràng, đầy đủ. Điểm đặc biệt của Kinh Hoa Nghiêm là sự diễn tả về Hoa tạng thế giới. Nói cách khác, Hoa Nghiêm trình bày về vũ trụ luận Phật giáo chi tiết và tường tận. Vũ trụ trong Kinh Hoa Nghiêm được khắc họa như một đóa sen ngàn cánh xinh đẹp. Trên mỗi cánh sen là một quốc độ thanh tịnh và trong mỗi quốc độ thanh tịnh ấy đều có một vị Phật đang chuyển pháp luân.
Trong Hoa tạng thế giới ấy, nổi bật hơn cả là thế giới Ta bà – nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giáo hóa và thế giới Cực lạc – nơi Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ. Đây là hai thế giới được diễn tả tương đối chi tiết trong tổng thể các thế giới hải nhắc đến trong Kinh Hoa Nghiêm. Nhìn chung, dù là thế giới Ta bà, thế giới Cực lạc hay thế giới nào đi nữa cũng đều hình thành do hai yếu tố chính đó là nguyện lực của chư Phật và nghiệp lực của chúng sanh. Trong Kinh Hoa Nghiêm, có rất nhiều phẩm kinh trình bày về tư tưởng Tịnh độ và pháp môn niệm Phật. Thế nhưng phẩm kinh đề cập nhiều và nổi tiếng nhất mà bất kì hành giả Đại thừa nào cũng từng nghe qua là phẩm Nhập pháp giới với hình ảnh chàng Phật tử Thiện Tài có tinh thần cầu đạo, học đạo không mỏi mệt nơi 53 vị thiện tri thức.
Đã từ lâu, hình ảnh chàng Phật tử này đã trở thành hình tượng mẫu mực cho hầu hết giới nam thanh, nữ tú Phật tử noi theo, nhất là Phật giáo Bắc truyền. Chàng thanh niên này đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ người con Phật. Chính lý tưởng cao đẹp và tinh thần nhiệt thành cầu đạo ấy đã trở thành ngọn lửa thiêng liêng bất diệt soi sáng cho con đường học đạo của chúng ta. Tinh thần cầu đạo không mệt mỏi của Thiện Tài đã chạm đến trái tim của các bậc Thánh. Vì vậy, đi tới đâu, Thiện Tài cũng luôn được các bậc thiện tri thức hết lòng hướng dẫn và khen ngợi. Có thể thấy, mục tiêu – lý tưởng của Thiện Tài là thành tựu trí tuệ giác ngộ, chứng đắc Vô thượng Bồ đề và kiến tạo nên một Phật quốc lý tưởng. Để đạt được mục tiêu trên, Thiện Tài bắt buộc phải trải qua quá trình học và tu vô cùng nghiêm túc. Trong đó, chí nguyện cầu sanh Tịnh độ cũng là một phần không thể thiếu để đạt đến trí tuệ viên mãn. Lý tưởng cầu sanh Tịnh độ của đồng tử Thiện Tài thể hiện rất rõ trong phẩm Nhập pháp giới, khi Thiện Tài đến tham học các bậc thiện tri thức. Đặc biệt là khi Thiện Tài đến tham học Tỳ kheo Đức Vân và được chỉ rõ về pháp môn niệm Phật. Đây là pháp môn căn bản để sanh về Tịnh độ nói chung và Tịnh độ Tây phương của Phật A Di Đà nói riêng. Thế nhưng, để sanh về Tịnh độ phải có phương pháp. Con đường ấy đòi hỏi đi qua bốn giai đoạn: Gieo trồng thiện căn, phát khởi Bồ đề tâm, thân cận thiện tri thức và thực hành pháp niệm Phật.
1. GIEO TRỒNG THIỆN CĂN
Theo Phật Quang Đại Từ Điển giải thích “Thiện căn cũng gọi là Thiện bản, Đức bản. Tức cội rễ sinh ra các pháp lành” [1]. Ba đời chư Phật, vô lượng Thánh hiền đều từ đây mà xuất sanh, đều từ đây mà thành tựu. Chúng sanh trong cõi Ta bà, phần nhiều hay làm việc sai trái, khiến thiện căn công đức suy giảm, do đó chìm đắm mãi trong bể khổ sanh tử luân hồi, khó mong thoát khỏi những tai ương. Còn người thường xuyên gieo trồng căn lành, sẽ gặt được quả phước đức, do đó thường gặp những thắng duyên trong cuộc đời. Chúng sanh ở cõi Ta bà chẳng chịu gieo trồng căn lành, còn gặp phải những khó khăn như thế, huống là việc cầu sanh về Tịnh độ lại càng khó gấp muôn lần.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc đã chỉ dạy rất rõ cho Thiện Tài về tầm quan trọng của việc gieo trồng căn lành: “Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh chẳng gieo căn lành thời chẳng có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Cần phải được phổ môn thiện căn quang minh, đủ chơn thiệt đạo tam muội trí quang, xuất sanh những phước hải quảng đại, tăng trưởng pháp bạch tịnh không có lười nghỉ, thờ thiện trí thức chẳng mỏi nhàm, chẳng kể thân mạng, không thề cất chứa, tâm bình đẳng như mặt đất không có niệm cao hạ, tánh thường từ mẫn với tất cả chúng sanh, nơi các loài sanh tử chuyên niệm chẳng bỏ, hằng thích quán sát cảnh giới Như Lai. Có như vậy mới phát được tâm Vô thượng Bồ đề” [2]. Như vậy, gieo trồng căn lành chính là giai đoạn phát khởi thiết yếu của bất kỳ hành giả nào, dù tu tập bất kỳ pháp môn nào. Bởi lẽ thiện căn là cội rễ sinh ra các pháp lành và pháp lành là cội rễ của phước đức. Người có đầy đủ nhân duyên, phước đức sẽ được chư Phật hộ niệm, được thiện tri thức giúp đỡ, nhờ đó có thể thành tựu thánh hạnh. Người mà đoạn các thiện căn công đức thì khó mà thành tựu được nhơn hạnh huống gì là thánh hạnh “Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh chẳng gieo căn lành, chẳng được thiện hữu nhiếp thọ, chẳng được chư Phật hộ niệm” [3]. Do đó, muốn sanh về Tịnh độ, trước phải gieo trồng căn lành, vun bồi công đức để làm tư lương trên lộ trình giải thoát.
2. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Bồ đề tâm tiếng Phạn là “Bodhi-citta. Gọi đủ A nậu đa la tam miệm tam Bồ đề tâm. Cũng gọi là: Vô thượng chính chân đạo ý, Vô thượng Bồ đề tâm, Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Đạo tâm, Đạo ý, Đạo niệm, Giác ý. Tức là tâm cầu Bồ đề vô thượng (cầu thành Phật)… Người cầu sinh Tịnh độ, cũng phải phát tâm Bồ đề” [4]. Tâm Bồ đề là tâm giác ngộ, tâm Phật. Người phát khởi tâm Bồ đề là người đang phát khởi nguyện vọng thành tựu quả Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm, đồng tử Thiện Tài đã được Tỳ kheo Hải Vân hướng dẫn cách phát tâm Bồ đề: “Phát Bồ đề tâm là phát tâm đại bi vì cứu khắp tất cả chúng sanh. Là phát tâm đại từ, vì khắp giúp tất cả thế gian. Là phát tâm an lạc, vì làm cho tất cả chúng sanh diệt tất cả khổ. Phát tâm lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sanh lìa ác pháp. Phát tâm ai mẫn, vì có ai kinh sợ gì đều giữ gìn. Phát tâm vô ngại vì rời bỏ tất cả chướng ngại. Phát tâm quảng đại, vì tất cả pháp giới đều đầy khắp. Phát tâm vô biên, vì khắp cõi hư không đều qua đến. Phát tâm rộng rãi vì đều thấy tất cả Như Lai. Phát tâm thanh tịnh, vì trí không trái với pháp tam thế. Phát tâm trí huệ, vì vào khắp biển Nhứt thiết trí huệ” [5].
Nếu gieo trồng căn lành là cội rễ của phước đức thì tâm Bồ đề được ví như đại địa có thể nâng đỡ, bảo bọc các hạt giống lành. Các hạt giống lành phải gieo trồng trên đất tâm mới có thể phát triển tươi tốt. Nếu các hạt giống lành không được gieo trồng trên mảnh đất tâm ấy thì sẽ lụi tàn, khô héo. Cho nên, kinh nói quên mất tâm Bồ đề mà thực hành các thiện pháp, đều là ma nghiệp. Người nào phát khởi tâm Bồ đề sẽ được chư Phật nhiếp trì, thiện tri thức tán thán và chư Thiên ngày đêm ủng hộ. Vì vậy, khi Thiện Tài đến chỗ các bậc thiện tri thức, Đồng tử này luôn trình bày việc phát khởi tâm Bồ đề của mình và được các vị thiện tri thức hết lòng tán thán, ra sức giúp đỡ. Do thế, việc phát khởi tâm Bồ đề là điều kiện tối quan trọng, không thể thiếu để hành giả tiến vào sâu hơn trên đạo lộ tu tập tâm linh của mình. Ví như người muốn xây nhà, trước phải phát khởi ý niệm chọn đất để xây nhà thì mới có thể tiến hành việc xây dựng căn nhà. Cũng vậy, người muốn kiến tạo một Phật quốc lý tưởng, một Tịnh độ thù thắng thì phải phát khởi tâm Bồ đề, có như vậy mới có thể thành tựu được trí nghiệp vãng sanh: “Này thiện nam tử! Nếu có ai phát được tâm Vô thượng Bồ đề thì là chẳng dứt mất tất cả Phật chủng. Thì là nghiêm tịnh tất cả Phật độ. Thì là thành thục tất cả chúng sanh” [6].
3. THÂN CẬN THIỆN TRI THỨC
Từ cổ chí kim, tình bằng hữu luôn là mối quan hệ cao đẹp và vô cùng thiêng liêng. Có những người sống cả đời chỉ mong cầu tìm được một tri kỉ, một người bạn khắc cốt tâm giao. Rất ít trong chúng ta có thể tìm ra một người bạn đúng nghĩa, một người có thể sát cánh trong tất cả những buồn vui cuộc đời. Cho nên người xưa mới thốt lên rằng quen biết khắp thiên hạ, tri kỉ được mấy người. Tình bạn theo quan điểm của Phật giáo không dừng lại ở chỗ hiểu được tâm ý ta, có thể cùng ta đi qua những vui buồn của nhân tình thế thái, mà phải tiến tới chỗ cùng nhau giải thoát khỏi những buồn vui của nhân tình thế thái. Chúng ta kết bạn không phải để gặp và kể nhau chuyện đời, những vinh nhục, ai oán, mà để học hỏi, nâng đỡ và trị liệu tận gốc những não phiền trong tâm.
Trong Quy Sơn cảnh sách, tổ Quy Sơn có dạy: “Sanh ta ra là do cha mẹ, làm nên ta là do bằng hữu. Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà dần dần thấm nhuần. Gần gũi kẻ ác, thêm ác tri kiến, sớm tối làm ác, trước mắt chịu quả báo, chết rồi phải trầm luân, một khi mất thân người, muôn kiếp khó tìm lại được.” [7] (Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận, hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục). Quả thật, việc kết giao bằng hữu là việc rất đáng tôn quý, nhưng ở chọn nơi, chơi chọn bạn. Nhất là với những người đang trên lộ trình học đạo giải thoát, việc lựa chọn bằng hữu để cùng tu tập là việc vô cùng quan trọng. Người bạn đạo trong Phật giáo gọi là thiện tri thức. Thân cận các bậc thiện tri thức là một trong những thắng duyên của đời sống tu hành. Thiện tri thức là người bạn pháp, người mẹ hiền, người cha, người thầy trí tuệ có thể giúp đỡ, hướng dẫn ta đi đúng hướng, tránh khỏi những sa đọa, những cám dỗ của cuộc đời. “Này thiện nam tử! Thiện tri thức như từ mẫu, vì xuất sanh Phật chủng. Như từ phụ, vì lợi ích rộng lớn. Như nhũ mẫu, vì thủ hộ chẳng cho làm ác. Như giáo sư, vì dạy sở học của Bồ tát. Như Đạo sư, vì hay chỉ đường Ba-la-mật. Như lương y, vì hay chữa bệnh phiền não” [8].
Người nào mong muốn thành tựu được các Thánh hạnh thì phải mong cầu thiện tri thức, tôn thờ thiện tri thức “Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu Nhứt thiết chủng trí thì phải quyết định cầu thiện tri thức. Này thiện nam tử, cầu thiện tri thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận. Nơi thiện xảo của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm” [9]. Đồng tử Thiện Tài trong Kinh Hoa Nghiêm nghe theo sự hướng dẫn của Bồ tát Văn Thù mà phát tâm lên đường tìm cầu học đạo nơi các bậc thiện tri thức. Từ các vị Bồ tát, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, đến các vị ngoại đạo Bà la môn, các Tiên nhân, thương nhân, phi nhân… Thiện Tài đều đến cầu đạo bằng tâm chí thành và bình đẳng. Nhờ lộ trình tham vấn nơi 53 vị thiện tri thức đại diện cho mọi tầng lớp xã hội này mà Thiện Tài đã tôi luyện cho mình những phẩm hạnh cao quý của một người học Phật.
Đặc biệt, khi đến tham học với Tỳ kheo Đức Vân, Thiện Tài đã được chỉ dạy về pháp môn niệm Phật. Từ đó, Thiện Tài có thể thấy được vô lượng chư Phật và vô lượng cõi Tịnh độ trong khắp mười phương. Thiện Tài đã được chư Phật ở khắp các cõi Tịnh độ ấy nhiếp trì, hộ niệm cho nên Thiện Tài đã mau chóng đạt được sức chánh niệm quán sát và có thể đi vào “Trí tuệ quang minh môn, Bồ tát giải thoát môn, Bồ tát tam muội môn, Bồ tát đại hải môn, Chư Phật hiện tiền môn, Chư Phật phương sở môn, Chư Phật quỹ tắc môn, Chư Phật đẳng hư không giới môn, Chư Phật xuất hiện thứ đệ môn, Chư Phật sở nhập phương tiện môn” [10]. Sở dĩ Thiện Tài đạt được những thành tựu như trên, trước hết đó là nhờ vào sự chỉ dạy của thiện tri thức vậy.
4. THỰC HÀNH PHÁP NIỆM PHẬT
Gieo trồng thiện căn, phát tâm Bồ đề, thân cận thiện tri thức đây là những duyên nhân. Còn niệm Phật mới là chánh nhân để được sanh về cõi Phật. Do đó, muốn được vãng sanh về thế giới của chư Phật, đòi hỏi hành giả phải thực hành pháp niệm Phật thì mới có thể vãng sanh về cõi Phật như ý nguyện. Như một người muốn được sanh về cõi Phật Dược Sư, vị ấy phải đêm ngày phát tâm thọ trì danh hiệu của Ngài. Lấy việc trì niệm danh hiệu của Ngài làm chánh nhân để được vãng sanh. Còn người muốn vãng sanh về cõi Phật A Di Đà, vị ấy phải thọ trì danh hiệu của Phật A Di Đà để được Ngài và Thánh chúng tiếp dẫn. Theo Phật Quang Đại Từ Điển giải thích: “Niệm Phật: Trong tâm nhớ nghĩ về pháp thân của Phật, quán tưởng thân tướng cụ thể của Phật, hoặc quán tưởng công đức của Phật, cho đến miệng xưng niệm danh hiệu của Phật…đều gọi là niệm Phật…Trong các kinh A-hàm, niệm Phật tức là bày tỏ lòng quy kính, lễ bái, tán thán, nhớ nghĩ đối với Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhờ công đức niệm Phật mà diệt trừ được tham sân si, được sanh lên cõi trời, được chứng nhập Niết bàn…” [11].
Trong Kinh Hoa Nghiêm, khi Thiện Tài đến gặp Tỳ kheo Đức Vân, Thiện Tài đã được chỉ dạy về pháp môn “Ức niệm nhứt thiết cảnh giới chư Phật trí huệ quang minh phổ kiến”, tức là nhớ nghĩ đến vô lượng cảnh giới của chư Phật bằng tâm thanh tịnh, bình đẳng. Từ đó, có thể rộng thấy được trí tuệ quang minh của vô lượng chư Phật và vô lượng cõi Tịnh độ của chư Phật. Thiện Tài cũng đã được chỉ dạy cho các phương pháp niệm Phật như:
Môn niệm Phật chói sáng các phương…Môn niệm Phật vào chỗ bất khả kiến…Môn niệm Phật an trụ trong các kiếp…Môn niệm Phật an trụ trong tất cả thời gian…Môn niệm Phật an trụ tất cả cõi…Môn niệm Phật an trụ tất cả đời…Môn niệm Phật an trụ tất cả cảnh…Môn niệm Phật an trụ tịch diệt…Môn niệm Phật an trụ viễn ly…Môn niệm Phật an trụ quảng đại…Môn niệm Phật an trụ vi tế… [12].
Điểm đặc biệt ở các phương pháp niệm Phật do Tỳ kheo Đức Vân chỉ dạy cho Thiện Tài là các phương pháp này đi thẳng vào lý tánh niệm Phật. Đòi hỏi hành giả phải có một trình độ căn cơ nhạy bén, một trạng thái tâm nhu nhuyến, lắng đọng. Có lẽ, các phương pháp này chỉ thích hợp cho bậc thượng căn thượng trí như đồng tử Thiện Tài, một người đã tích tập vô số phước lành trong nhiều kiếp. Như vậy, không có nghĩa pháp môn Tịnh độ trong Kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn chỉ dành cho các bậc thượng căn thượng trí. Pháp môn Tịnh độ trong Kinh Hoa Nghiêm vẫn phổ cập đến tất cả chúng sanh, tất cả căn cơ. Bởi, Hoa Nghiêm đặt trên nền tảng của pháp giới duyên sanh, tư tưởng Tịnh độ của Hoa Nghiêm cũng là tịnh tâm duyên sanh. Tâm chúng sanh thanh tịnh thì Tịnh độ hiện tiền. Chỉ cần chúng sanh nhiếp niệm thì vọng duyên sẽ đoạn tuyệt, thật tướng phô bày, ngay lúc đó uế độ cũng biến thành Tịnh độ.
Ngoài ra, các vị Đại sư của Hoa Nghiêm tông còn đưa ra các phương pháp niệm Phật như sau: “Trong Hoa Nghiêm kinh sớ quyển 56, ngài Trừng Quán nêu ra 05 loại niệm Phật pháp môn: a) Duyên cảnh niệm Phật môn; b) Nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật môn; c) Tâm cảnh câu mẫn niệm Phật môn; d) Tâm cảnh vô ngại niệm Phật môn; e) Trùng trùng vô tận niệm Phật môn. Trong Hoa Nghiêm kinh hành nguyện phẩm biệt hành sớ sao quyển 4, ngài Tông Mật nêu ra 4 loại niệm Phật: a) Xưng danh niệm; b) Quán tượng niệm; c) Quán tưởng niệm; d) Thực tướng niệm” [13]. Từ các phương pháp này, chúng ta có thể thấy pháp môn niệm Phật trong Kinh Hoa Nghiêm là một pháp môn phổ cập quần chúng. Duy chỉ có điểm đặc biệt là Hoa Nghiêm đi sâu vào lý tánh niệm Phật và thiết lập Phật quốc lý tưởng thông qua con đường cầu hành Bồ tát đạo.
Tóm lại, tư tưởng Tịnh độ trong Kinh Hoa Nghiêm đặt trên nền tảng của học thuyết Duyên khởi, do vậy pháp giới là nhất chân, viên dung, diệu hữu. Người tu theo Hoa Nghiêm chủ trương dùng Bồ tát hạnh để giáo hóa chúng sanh, trang nghiêm Phật độ. Thiện Tài đồng tử là biểu trưng cho quá trình cầu học và thực hành Bồ tát đạo. Cuối cùng, sau khi trải qua vô số các vị thiện tri thức, Thiện Tài đã kết thúc quá trình tham học của mình nơi Bồ tát Phổ Hiền. Chính tại đây, Thiện Tài đã được Bồ tát Phổ Hiền khuyến hóa cầu sanh Tịnh độ để có thể mau chóng thành tựu trí tuệ giác ngộ.
Câu chuyện Thiện Tài đồng tử tham học nơi 53 vị thiện tri thức, thực ra không chỉ là câu chuyện của riêng Thiện Tài, mà còn là câu chuyện chung của tất cả những người học Phật. Chúng ta phải phát tâm dõng mãnh, không mệt mỏi tìm cầu chân lý. Chân lý ấy cũng không phải ở đâu xa, mà chân lý ấy ở ngay trong chính xung quanh cuộc sống của mỗi người. Chân lý ấy có thể ở nơi một vị thầy khả kính, hằng ngày nghiêm trì giới luật bên trong tu viện và cũng có thể ở nơi một cụ già bán hàng rong ngoài phố xá tấp nập kẻ lại người qua. Chân lý là thứ không hình không dạng, do vậy chân lý không thể đo lường mà cũng không nhất định nằm ở bên trong hay bên ngoài một cá thể, một vật thể. Người học Phật khi ý thức được điều này, họ sẽ biết cách làm sao để thấy được chân lý một cách chính xác nhất. Một khi đã thấy được chân lý thì ngay khi ấy chân Tịnh độ và chân thân của Phật A Di Đà sẽ hiện tiền. Bởi lẽ như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương” [14].
Chú thích:
[1] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang đại từ điển, Nxb. Phương Đông, tr.6481.
[2] Thích Trí Tịnh dịch (2015), Kinh Hoa Nghiêm, tập 4, Nxb. Tôn giáo, tr.111-112.
[3] Sđd, tr.162.
[4] Thích Quảng Độ, Sđd, tr.760.
[5] Thích Trí Tịnh, Sđd, tr.112.
[6] Sđd, tr. 126.
[7] Thích Đồng Niệm (2020), Quy Sơn cảnh sách học giải, Nxb. Hồng Đức, tr.228.
[8] Thích Trí Tịnh, Sđd, tr.631.
[9] Sđd, tr.104.
[10] Sđd, tr.110.
[11] Thích Quảng Độ, Sđd, tr.4417.
[12] Thích Trí Tịnh, Sđd, tr.108.
[13] Thích Quảng Độ, Sđd, tr.4418.
[14] Thích Thanh Từ (2002), Hai quãng đời của Sơ Tổ Trúc Lâm, Nxb. Tôn giáo, tr.31.