Hỏi - Đáp

Thiền và Tịnh, pháp nào nhất?

Chủ nhật, 02/08/2021 11:23

Thiền và Tịnh đều là những pháp môn tu tập căn bản và chính thống của đạo Phật. Tu tập theo pháp môn nào thì cứu cánh vẫn là một, duy nhất, đó là giác ngộ và giải thoát.

Hỏi:

Tôi tìm hiểu những cuốn sách Thiền đều nói người tu phải chủ yếu dựa vào tự lực, chuyển hóa tâm mình cho thanh tịnh, đến khi tuệ giác phát sinh mới thành tựu giải thoát. Nhưng theo cách viết của một số sách Thiền này thì người tu theo pháp môn Niệm Phật phải đạt đến “nhất tâm bất loạn” mới đảm bảo được giải thoát, vãng sanh. Còn nếu niệm Phật chưa được nhất tâm, chỉ dựa vào tha lực cầu vãng sanh thì không lấy gì đảm bảo. Ngược lại, khi tôi đọc một vài sách Tịnh độ thì cho rằng những người tu pháp môn Thiền chỉ dựa vào tự lực, nếu không thành tựu giải thoát, Niết-bàn trong đời này, kiếp sau tái sinh nhờ phước báo tu thiền sẽ sinh cõi trời, cõi người với phước báo sung sướng, có khi ham hưởng phước mà quên mất tu hành nên có thể đọa vào cảnh giới xấu ác ở những kiếp sau. Hiện tôi rất phân vân, hãy giúp tôi tháo gỡ những vướng mắc này.

(Nhuận Tạng, [email protected])

Lời sám hối của một thiền sư trước khi lâm chung

Vì pháp môn là phương tiện, tất nhiên có tính tương đối, nên mỗi hành giả tùy nhân duyên của mình mà lãnh nhận và thọ trì

Vì pháp môn là phương tiện, tất nhiên có tính tương đối, nên mỗi hành giả tùy nhân duyên của mình mà lãnh nhận và thọ trì

Đáp:

Bạn Nhuận Tạng thân mến!

Thiền và Tịnh đều là những pháp môn tu tập căn bản và chính thống của đạo Phật. Tu tập theo pháp môn nào thì cứu cánh vẫn là một, duy nhất, đó là giác ngộ và giải thoát. Các pháp môn chỉ là phương tiện để chứng đạt cứu cánh, mà phương tiện thì không nhất thiết phải giống nhau. Ví như để lên núi, du khách có thể sử dụng các phương tiện như trực thăng, cáp treo, đi bộ... Mỗi người tùy nhân duyên và hoàn cảnh của mình mà chọn một loại phương tiện nhưng đi theo cách nào thì sớm muộn gì cũng lên đến đỉnh núi.

Mỗi phương tiện hay mỗi pháp môn tu tập có một đặc điểm riêng, có thể tối thắng và thích hợp với người này nhưng ngược lại có thể không tối thắng và chẳng thích hợp với người kia. Cho nên đứng trên lập trường phương tiện hay pháp môn của mình để đánh giá tốt xấu, hay dở của các phương tiện hay pháp môn khác thì chắc chắn không tránh khỏi chủ quan, khập khiễng, sai lầm.

Thiền trong cuộc sống hằng ngày

Có thể nói, luận điểm của hai hệ thống sách Thiền và Tịnh như bạn đã tìm hiểu và nêu ra là hoàn toàn đúng đắn theo tôn chỉ của mỗi tông phái; không tông phái nào nói sai cả. Đơn cử như Thiền tông luôn chủ trương tự lực, không dựa vào tha lực. Quan điểm tu tập của các hành giả Thiền tông luôn gắn liền với tự lực, dù ai tu theo pháp gì thì cũng không ngoài trình tự Giới nghiêm, tâm Định, Tuệ sáng. Nên dù có tu pháp Niệm Phật thì cũng phải đạt “nhất tâm bất loạn” trở lên mới thành tựu vãng sanh (kinh A Di Đà đã nói điều này).

Cũng vậy, Tịnh độ tông chủ trương tu tập kết hợp tự lực và tha lực nhưng rất chú trọng ở chỗ thành tựu vãng sanh Tây phương Cực lạc, dù có thể chưa thành tựu giải thoát tối hậu. Vãng sanh Cực lạc là quan trọng nhất, nếu chưa đạt giải thoát tối hậu thì về đó sẽ tu tiếp cho đến ngày thành Phật mà hoàn toàn không sợ đọa lạc vì đã vào cảnh giới “bất thối chuyển”. Đứng trên lập trường này, các hành giả Tịnh độ khá quan ngại cho những ai tu tập mà chưa vào được “bất thối chuyển”, như người tu Thiền và các pháp môn khác mà chưa thành tựu giải thoát chẳng hạn, nếu tâm bồ-đề không vững chắc thì kiếp sau có thể ham hưởng phước mà xao lãng chuyện tu hành dẫn đến thối đọa.

Tóm lại, đối với những luận điểm của một số sách Thiền và Tịnh như đã nêu, chúng ta nên nhận thức theo khuynh hướng đó là sự khẳng định lập trường tu tập của mỗi phái chứ không phải là sự công kích hay bài bác lẫn nhau. Vì pháp môn là phương tiện, tất nhiên có tính tương đối, nên mỗi hành giả tùy nhân duyên của mình mà lãnh nhận và thọ trì. Mọi sự đối chiếu, so sánh giữa các pháp môn trong Phật giáo đều không mang hàm ý phân biệt hơn thua, cao thấp; bởi đó cũng là phương tiện để củng cố lập trường của bản phái nhằm tăng thêm sự tinh tấn tu học của mỗi hành giả mà thôi.

Nhiên Như - Quảng Tánh

(Gạn Đục Khơi Trong, tập I)

loading...