Chùa Việt

Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai)

Thứ hai, 07/10/2014 09:38

Chỉ cần hơn 1h đồng hồ ngồi sau tay lái ô tô, từ nội ô Tp.Hồ Chí Minh, một đô thị phồn hoa náo nhiệt, bạn sẽ đặt chân vào một khung cảnh hòan tòan trái ngược. 

Một không gian êm đềm và tĩnh mịch với âm thanh líu lo của tiếng chim hót như vọng về từ xa xăm, những vườn cây xanh mát đang xào xạc trong buổi sớm mai. Đặt chân đến đây, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy cõi lòng mình như dịu lại, bình an… tâm hồn trở nên cởi mở và tan hòa vào khung cảnh thiên nhiên cô tịch. Đây là nơi thực sự đáng để cho bạn đến thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc đầy vất vả để mưu sinh.      

Được tạo dựng vào năm 1974, đây là một trong những trung tâm Thiền học lớn thuộc dòng Thiền Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ khởi xướng vào cuối thế kỷ XX, và hiện đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam cùng một số nơi trên thế giới, góp phần làm đa dạng hơn nữa Phật giáo ở Việt Nam.

Thiền viện Thường Chiếu toạ lạc giữa cây số 76 – 77 Quốc lộ 51, cách Tp.Biên Hoà khoảng 44 km, và cách trung tâm thị trấn Long Thành 14 km. Thiền viện mang tên một danh sư Việt Nam đời nhà Lý, môn phong của sư được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, danh sư vì thế đã trở thành danh xưng của thiền viện Thường Chiếu non một thế kỷ sau.
Thiền Viện nhìn từ trên cao. Nguồn: internet.

Theo “Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu”, thì vào thời điểm những năm 1973-1974, có hai phật tử ở Cát Lở phát tâm cúng dường thửa đất 52 mẫu tại xã Phước Thái (Thái Thiện cũ), huyện Long Thành, để Hòa thượng Thích Thanh Từ lập Thiền Trang. Thửa đất khi ấy là một vùng bạt ngàn cỏ tranh cao tới ngực, ở giữa có một dòng suối sình lầy tre gai với dứa gai mọc đan xen nhau. Tháng 10/1974, một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có sẵn bên cạnh cây bồ đề được cất lên, đó chính là thiền viện Thường Chiếu. Hòa thượng Đắc Huyền là trụ trì đầu tiên. Ngày 15/4/1986, Chánh điện Thường Chiếu được xây dựng xong và khánh thành. Khu ngoại viện cũng được mở rộng. Năm 1998, tổ đường thiền viện Thường Chiếu được đại trùng tu.

Sau 31 năm hình thành và phát triển, thiền viện Thường Chiếu hôm nay thay da đổi thịt thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát. Ngày xưa hoang dã cây cỏ um tùm, hôm nay sạch sẽ tôn nghiêm. Ngoài những kiến trúc cổng tam quan, nội viện, thiền đường, chánh điện, thư viện và mái ngói cong cong đậm nét xưa cũ, khung cảnh ở đây còn rất quyến rũ với khuôn viên rộng trồng cây xanh bát ngát khắp mọi nơi. Những ai đã một lần đến thiền viện Thường Chiếu đều không thể quên hình ảnh ngôi Chánh điện sừng sững trang nghiêm giữa hai hàng dương xanh mượt. Đứng nhìn từ cổng vào, hàng dương thẳng cao vút đong đưa với tán lá mềm rũ xuống sau một đêm mưa làm dịu nhẹ bao nỗi muộn phiền. Cảnh quan thanh tịnh, vì thế nhiều người dân ở những khu vực xung quanh rất thường đến đây nghỉ ngơi, thư giãn và vãn cảnh chùa.

Giờ lên trai đường. Nguồn: internet.

Với chủ trương Thiền giáo đồng hành, nơi đây thường xuyên có mặt của hơn 100 vị tăng sinh. Họ đến để sinh hoạt và tu tập theo một thời khóa biểu nghiêm ngặt, với hy vọng sẽ đạt đựơc giác ngộ để có một cuộc sống hạnh phúc trường cửu, vĩnh viễn không còn khổ đau ngay trong cuộc sống hiện tại. Dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thích Thanh Từ, thiền viện Thường Chiếu đang nỗ lực phấn đấu làm sống lại tinh thần nhập thế của Thiền tông đời Trần (thế kỷ thứ XIII – XIV). Đây là tinh thần đã giúp nhà Trần làm nên một trang sử vàng của dân tộc.

Tháp chuông - trống. Nguồn: yeah1.com      

Du khách vào thăm thiền viện qua cổng tam quan bề thế và kiên cố, đi trên con đường dài trải đá thẳng tắp, xung quanh là khu vườn điều cổ thụ xanh um toả bóng mát, nghe thỏang đâu đây tiếng chim hót líu lo trong khu thiền viện đầy yên tĩnh. Nhìn toàn cảnh khu thiền viện có địa thế đẹp, lại thuận tiện đường giao thông cho du khách tham quan, toạ lạc trên khu đất rộng 10 hecta. Nội thất chánh điện rộng rãi, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, con  người. Điện thờ Phật đơn giản mà trang nghiêm, chỉ thờ duy nhất Đức Bổn sư Thích Ca Mầu Ni, tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu. Hai bên có cặp độc bình bằng gốm cẩn xà cừ cao 3,5m. Toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ đều làm bằng gỗ quý chạm lộng các đề tài: tứ linh,  hoa lá…      

Trước Chánh điện có lầu chuông và lầu trống, tả hữu có các công trình: Tăng đường, thư viện, Tông môn tàng thư – nơi lưu giữ nhiều bộ sách quý của Hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và biên soạn. Phía sau Chánh điện là Tổ đình trang nghiêm tráng lệ, rồi đến trai đường; khu thiền viện còn có nhà khách, Tăng thất, khu Thiền thất, bệnh xá, nhà trù… Ngoài ra, khu nội viện, khu ngoại viện cũng đã được mở rộng để cho tăng, ni lớn tuổi nương về tu tập, số Thiền thất lên đến 200 ngôi.

Bài thơ do sư ông Thích Thanh Từ sáng tác được viết trên đá. Nguồn: internet.

Cây xanh trong khuôn viên thiền viện. Nguồn: internet.        

Hằng năm, vào những ngày hội lớn của Phật giáo, đặc biệt là vào ngày giỗ Tổ 19 – 20 tháng 12 Âm lịch, thiền viện vinh dự đón hàng ngàn tăng, ni, phật tử từ khắp nơi về dự lễ trong những bộ cà sa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Đó thực sự là ngày hội của thiền viện Thường Chiếu và nhân dân xã Phước Thái, huyện Long Thành. 

Ngày nay, thiền viện Thường Chiếu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, là nơi dừng chân của rất nhiều du khách trên đừơng đi thăm Vũng Tàu, và phật tử bốn phương tụ hội về. 

Thường Chiếu - không chỉ ảnh hiện một tấm gương sáng xa xưa cho người sau theo dấu soi mình, mà với ý nghĩa tròn đủ đó, Thường Chiếu còn là phương châm, là sở nguyện của Hòa thượng Thích Thanh Từ đối với chư tăng: "Phản quan tự kỷ, bổn phận sự" – luôn tự soi chiếu lại chính mình – đây cũng chính là cương lĩnh yếu chỉ của dòng Thiền Việt Nam đầu thế kỷ 21 này.  

Lê Thu Thủy
Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/danh-lam/4749-Thien-vien-Thuong-Chieu.html
loading...