Chùa Việt
Thiền viện Thường Chiếu trong mắt tôi
Chủ nhật, 23/04/2019 01:58
Thiền viện có trong trí nhớ bản thân tôi từ lúc nhập môn đọc các trước tác của Sư ông Thích Thanh Từ như “Tu là chuyển nghiệp”, “ Y báo và chánh báo”, “Mê tín và chính tín”....
>>Những ngôi chùa Việt độc đáo
Trong các câu chữ gọn gàng giản dị, Hòa thượng lồng ghép nói về chốn thiền Thường Chiếu xa lắc trên miệt Trấn Biên, thời hoang sơ đầy lồ ô, tre trúc và lau sậy, sỏi đá...Ngài cùng chư tăng lao tác kiên trì dựng cảnh tự rồi phát triển thành chốn thiêng có tiếng ở phía Nam của Thiền tông.
Từ lúc thỉnh quyển sách đầu tiên của Sư ông ở Già Lam tự ở Phụng Hiệp - Hậu Giang, đến lúc đặt chân lên đất thiêng Thường Chiếu khá lâu.
Tôi viếng Thường Chiếu lần đầu cùng đoàn Phật tử quê nhà, trên chuyến giường nằm mới tinh. Khoảng cách Bạc Liêu - Đồng Nai không ngắn, đấy là từ cuối đồng bằng sông Cửu Long lên Đông Nam Bộ. Xe đến Thường Chiếu trong khuya sương lạnh, chúng tôi không quan sát được gì ngoài rừng cây sao thẳng tắp như những chiếc đũa và những tảng đá lô nhô được bày trí nhân tạo.
Tôi được sắp xếp nghỉ ở Dưỡng Chân Đường, một am cốc nằm bìa phải thiền viện.
Thường Chiếu hiện dần nhân dáng khi sáng hẳn: cây sao nhiều quá. Cả một rừng cây phủ xanh khuôn viên thiền viện rộng...
Tôi đi không mỏi chân, khám phá, chiêm ngưỡng, chiêm bái và lắng lòng...
Những am cốc nối tiếp giữa thảm sao, dầu. Thất của Sư ông có cổng kín, bên kia là Thất sư phó, Hòa thượng Trụ trì Thích Nhật Quang.
Thiền viện rộng, theo ước lượng cảm tính của tôi, đây là chốn tu tập rộng nhất bản thân từng biết. Chính điện trên nền cao, các khu tịnh tu và nơi các Tăng sĩ làm Phật sự đếm không xuể...
Qua cổng chính, gặp quốc lộ 51 một đầu nối với Biên Hòa, đầu kia nối Vũng Tàu. Bật điện thoại cho người quen, bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, tôi được biết chỗ mình đang tản bước cách Biên Hòa 40 cây số.
Có đi trên quốc lộ 51 mới khái quát không gian Thường Chiếu với cái nhìn rộng. Thiền viện như một trung tâm tu học trong một khu vực Phật giáo rộng lớn với rất nhiều am, tịnh thất, thiện viện nhỏ hơn và các cơ sở Phật giáo của ni, ni viện. Từng dòng xe tải nặng ầm ầm chuyển động cho thấy đây là khu công nghiệp quan trọng. Tôi qua những chợ nhỏ bên đường, các trường kỹ thuật công nghiệp và đến tiếp giáp khu vực công giáo. “Cắt” một lát sâu vào sâu khu vực Phật giáo, tôi vỡ òa khi thấy Tăng Ni tu học trong các tăng ni xá ẩn dưới những vườn cây mát mẻ, qua những chiếc cổng lắng lặng, những lối sỏi đầy chất thiền và những chiếc cầu cong nhẹ nhàng dốc thoải... Thường Chiếu nằm trong một không gian Phật như thế, nếu bạn vào chính điện thắp hương, cúng dường và lên xe về, khó biết được không gian ấy.
Quay về Thường Chiếu theo lối xa quốc lộ 51, tôi thưởng lãm trà ở Dưỡng Chân Đường, chiêm ngưỡng vườn cây cảnh trên giàn cao của vị phụ trách liêu cốc vốn nghệ nhân cây cảnh có tiếng được sách Ghi nét Việt Nam guinness ghi nhận.
Qua đêm, tôi cùng thính chúng được nghe pháp bởi một đệ tử của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thượng Tọa Thích Thông Phương về thiền. Đón, đảnh lễ Sư ông được hộ giá bởi các vị tăng và các chú tiểu dẫn đường, nghe Hòa thượng Trụ trì Thích Nhật Quang nói về ngũ giới, ở chính điện.
Thời gian hành hương Thường Chiếu tôi được chứng kiến kỷ luật lao tác của quý tăng, công tác hậu cần nghiêm cẩn nhịp nhàng phục vụ có “tổ hợp” Thiền viện lớn vận hành mạch lạc; oai nghi của Tăng sĩ và hình ảnh các hàng trăm tiểu tăng thiền hành trên lối sỏi...
Và, bạn biết không, hết thảy lối đi trong Thiền viện rải bằng đá dăm nhỏ, lạo xạo dưới chân, hòa quyện trong một không gian thiền. Lối sỏi ấy ở Phước Thái, Long Thành – Đồng Nai.