Hỏi - Đáp
Thờ và cúng thế nào mới đúng?
Thứ sáu, 29/01/2021 03:54
Việc thờ phụng Tam bảo và ông bà tổ tiên tại tư gia là truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thờ tự là biểu hiện tâm thành kính đối với Phật tổ, Thánh hiền và ông bà tổ tiên, nói chung đều mang tính tùy duyên, tùy hoàn cảnh.
Sắp đặt bàn thờ ngày tết Phật tử nên biết
Hỏi: Gia đình tôi đã quy y Tam bảo từ lâu. Ban đầu, nhà cửa chật hẹp nên thờ tự đơn giản. Sau khi làm nhà mới, gia đình tôi lập một phòng thờ riêng gồm bàn thờ Phật (chính giữa) và bàn thờ gia tiên (một bên, hướng bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên hợp thành một góc vuông). Việc bài trí bàn thờ như thế đa phần mọi người đều cho rằng đã trang nghiêm. Tuy nhiên một số người bảo rằng phải thiết lập bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên ở hai phòng khác nhau, không được thờ chung một phòng. Tuy thành tâm kính thờ Tam bảo nhưng tôi rất băn khoăn trước những ý kiến trái ngược nhau. Xin được sẻ chia để gia đình tôi phụng thờ Tam bảo và ông bà được trang nghiêm, đúng Chánh pháp.
Tôi có một người bạn là Phật tử tri thức, gia đình khá giả. Có một điều bạn làm tôi băn khoăn là vào những ngày giỗ ông bà, gia đình bạn không bày cỗ bàn mà chỉ chưng dọn hương đèn hoa trái và trà bánh. Khi con cháu hội tụ đầy đủ thì đốt đèn, dâng hương niệm ân. Sau đó là ăn bánh, uống trà và kể chuyện về ông bà để con cháu rõ biết cội nguồn. Tôi chưa hiểu việc cúng giỗ quá giản đơn như vậy có phù hợp với người Phật tử không?
Đáp: Việc thờ phụng Tam bảo và ông bà tổ tiên tại tư gia là truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thờ tự là biểu hiện tâm thành kính đối với Phật tổ, Thánh hiền và ông bà tổ tiên, nói chung đều mang tính tùy duyên, tùy hoàn cảnh.
Tại tư gia, bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên nên bài trí ở nơi trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Trang trọng nhằm thể hiện tâm thành kính, dễ nhìn thấy để tưởng nhớ, kính lễ, noi gương và học tập. Gia đình bạn có đủ điều kiện lập một phòng thờ riêng biệt để thờ Phật và ông bà là lý tưởng, có phước duyên.
Về cách thức thờ tự, nếu phòng thờ rộng có thể thờ “tiền Phật, hậu linh”: Bàn thờ Phật ở trước, bàn thờ gia tiên ở phía sau, thấp hơn. Nếu không gian hẹp, thì có thể thờ “thượng Phật, hạ linh”: Bàn thờ Phật ở trên, bàn thờ gia tiên ở dưới (chính giữa hoặc hai bên). Bàn thờ gia tiên phải thấp hơn bàn thờ Phật. Ngoài ra, tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình mà phương tiện trong việc bài trí thờ tự. Như trường hợp của gia đình bạn, tuy bàn thờ gia tiên ở trước bàn thờ Phật (hướng bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên hợp thành một góc vuông), thoạt nhìn có vẻ như trái với nguyên tắc “tiền Phật, hậu linh” nhưng vẫn hợp lý và đúng pháp. Khá nhiều chùa khi cúng linh cho Phật tử, thiết bàn thờ linh ở chánh điện cũng theo quy cách này.
Đối với ý kiến cho rằng bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên phải được tôn trí ở hai phòng riêng biệt nhau, theo chúng tôi là không hợp lý và cũng không cần thiết. Không hợp lý bởi không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện hay dư giả về phòng ốc. Không cần thiết vì theo cách thờ tự truyền thống, bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên luôn đi liền với nhau tạo ra không gian tâm linh trong ngôi nhà Việt. Do đó, bạn yên tâm với cách bài trí và thờ tự ở nhà bạn, vì đã hợp lý.
Đối với vấn đề cúng giỗ, điều cơ bản và quan trọng nhất trong cúng bái, giỗ quải là lễ bạc mà lòng thành. Và tất nhiên, nếu ai có điều kiện sắm sanh đầy đủ lễ phẩm cùng với lòng thành thì càng quý hóa hơn. Trong cúng giỗ, không nên quá chú trọng đến hình thức rình rang bên ngoài mà quan trọng là sự thành tâm, cung kính đối với tổ tiên ông bà, kết nối được truyền thống gia tộc giữa các thế hệ với nhau và nhất là đem đến lợi ích thiết thực cho người đã mất.
Tuy nhiên, cũng không nên đơn giản quá (trừ trường hợp quá khó khăn), có thể nói lễ phẩm cúng giỗ là tùy tâm, tùy hoàn cảnh, ngoài hoa quả nhang đèn trà bánh thiết nghĩ cũng nên có mâm cơm chén nước, dù đơn sơ đạm bạc. Mâm cơm, bát nước dâng cúng tổ tiên ông bà cha mẹ là biểu trưng cho lòng thành kính và phụng dưỡng. Lúc ông bà cha mẹ còn sanh tiền, việc dâng cơm nước là sự thể hiện cụ thể nhất lòng hiếu kính của con hiền cháu thảo.
Ngày xưa, mỗi khi đến vụ mùa, những nông sản đầu tiên gặt hái được đều đem cúng tổ tiên ông bà, dâng lên cha mẹ trước, sau đó con cháu mới dùng. Ngày nay cũng vậy, mỗi khi có món ngon đều dâng lên cha mẹ dùng trước để thể hiện sự thương kính. Do vậy, mâm cơm dâng cúng trong ngày kỵ giỗ là những lễ phẩm cần yếu. Ngoài ý nghĩa biểu trưng, cơm nước là những vật thực mà một số chúng sanh khác có thể thọ dụng ăn uống được (như quỷ thần chẳng hạn). Trong trường hợp mà ông bà cha mẹ chúng ta chưa siêu thoát hoặc tái sanh vào các loài chúng sanh có thể thọ dụng vật thực của loài người dâng cúng thì mâm cơm bát nước vừa mang ý nghĩa biểu trưng vừa có giá trị ẩm thực rất thiết thực.
Do vậy, việc tổ chức cúng giỗ cần giản đơn, lược bỏ các hủ tục nhưng cần hội đủ các yếu tố văn hóa và tâm linh. Việc cúng giỗ của gia đình người bạn ấy, trong chừng mực nào đó là tạm được, tinh gọn nhưng nếu lễ phẩm có thêm mâm cơm nữa thì sẽ chỉnh chu hơn.