Sống an vui

Thói quen so sánh khiến chúng sinh khổ

Thứ bảy, 20/02/2024 12:02

So sánh hơn, kém là thói quen (nghiệp) gây khổ của tâm thức. Thói quen này đã đẩy con người đến ganh tỵ và thù hận.

Audio

Trong tương tác sống, rất ít người không cần tới “nhất”. Người ta luôn muốn “nhất” trong mọi phương diện. Giáo dục và tôn giáo là hai lãnh địa đẹp, nhưng vẫn khó tránh khỏi tiêu cực trong so sánh kém, hơn.

Tác giả tĩnh tọa

Tác giả tĩnh tọa

Nhìn sâu, “nhất” là một sự công nhận đẹp trong xếp hạng thứ tự để thuận tiện cho học hỏi, trao đổi, chia sẻ và khích lệ. “Nhất” luôn là “nhất” ở một lĩnh vực hay phương diện nào đó. Không có “nhất” trong tất cả. Mình có thể là thầy người. Nhưng ba người cùng đi, mình phải biết có một người mà mình có thể phải học hỏi.[1]

Trong thế giới tinh thần, ai cũng là vua của chính mình. Không có quyết định hành động nào của mình là không đúng “nhất”. “Nhất” luôn là cái mình đính kèm với những quyết định hành động của mình, cho đến khi có kết quả cụ thể. Bất đồng, nhiều khi chiến tranh, phần lớn sinh ra từ cái nghĩ mình đúng. Cha mẹ với con cái, vợ với chồng, thầy với trò, anh chị em với nhau khổ đau không ít từ những đúng “nhất” chủ quan đó.

Nhìn sâu hơn nữa, cái “nhất” trong nhận thức nó có gốc từ nghiệp cảm. Có những cái tuyệt vời đối với mình, nhưng không có nghĩa tuyệt vời với người khác. Ở độ tuổi đó, trong môi trường đó, người ta chỉ nhận thức được vậy thôi. Muốn tặng cho người ta cái gì đó thiện đẹp hơn, mình cần hiểu, kiên nhẫn và quên mình.

Nhất, ai nghĩ mình như vậy thì thật ra mình không như vậy chút nào cả. Đạo nói được là Đạo thì không phải là Đạo nữa và Tên nói được là Tên thì không phải là Tên nữa.[2]  Cái “nhất” thật sự là cái không dễ thấy với một tâm thức còn tham chấp. Nhưng một tâm thức không còn tham chấp thì cái “nhất" trong tâm thức ấy cũng không còn. Người “nhất” là người không còn thấy mình “nhất” nữa. Mà không còn thấy mình “nhất” thì người khác thật không dễ để thấy cái “nhất” của mình. Trong thiền tập, người xuất sắc nhất là người đã biến mất chính mình vào trong thực tập. Người ta không còn thấy hình thức thiền của người ấy nữa. Chỉ có cảm nhận sống bên người ấy. Người ấy cũng không thể hiện cái “nhất” gì, ngoại trừ sống như mình sống trong giản dị, thương yêu, thiện đẹp, minh kiến và định tĩnh.

Con người, nếu không qua được so sánh hơn kém, không dừng được phán xét chủ quan, thật khó để có từ ái và giải thoát. Đức Phật Gotama nói: “Ai đi qua được hơn, kém, bằng và có tâm vắng lặng, không mong cầu, người ấy mới cởi bỏ được ưu phiền hiện kiếp và mai hậu”.[3] Tâm còn trói buộc trong thói quen so sánh, ý còn muốn “nhất” trong tương tác tinh thần, thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ là kết quả khó tránh khỏi, dù hình thức được trang điểm gì và tâm tư được giấu kín ra sao.

Nhuận Đạt

------------

[1]   【論語】,「三人同行必有我師」。

[2] 【道德經】,「道可道非常道,名可名非常名」。

[3] Tạp A Hàm, kinh số 1078, tạng kinh Đại Chính.

loading...