Kiến thức
Thưa người! Nước mắt chảy xuôi…
Chủ nhật, 03/09/2021 10:05
Gian bếp trong làn khói nhòe lãng đãng ở yên một góc trong tâm trí tuổi thơ tôi. Mỗi góc nhỏ khói và bồ hóng cũng giăng đầy, nhưng nghĩ đến là mắt cay, nghĩ đến là ấm dạ... là bồi hồi, là thương!
"Xin về với mẹ ta thôi,
Bếp quê khói vẫn lên trời xưa xa"
1. Từ những ngày còn thơ bé, mỗi đận được thầy cho về thăm nhà là tôi háo hức, xốn xang trong dạ từ cả tuần trời. Với tuổi thơ tôi, căn bếp quê của mạ chẳng phải một nơi đẹp đẽ hay có gì cuốn hút. Bếp nền đất, đun rạ rơm hoặc chất đầy củi do mạ tôi lượm lặt nhưng căn bếp bao giờ cũng gọn ghẽ: đụn rơm cao, ngăn chứa củi, chứa lá khô, vỏ trấu...
Bếp của mạ xưa là vách đất và cả giá treo thờ ông Táo mạ thường đặt chén nước thắp nhang cũng cũ mèm trong ký ức của tôi. Đến giờ, khi tôi đã đi nửa chặng đường đời, tôi vẫn thấy nó cũ kỹ như vậy. Trong gian bếp ấy, có chạn bát bằng gỗ tre xiêu vẹo, có đôi quang gánh, cái thúng, cái giỏ của mạ. Bếp nhỏ, mạng nhện bồ hóng giăng đầy với cơ man bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh như nồi niêu xoong chảo, hành tỏi mắm nêm…
Từ gian bếp ấy, chúng tôi đã lớn lên, đã háo hức, rồi đã lại thương, lại nhớ.
Mạ tôi nấu ăn hay làm bất cứ việc gì cũng khéo léo, tinh tế và cẩn trọng. Món ăn nào mạ nấu cũng trở thành duy nhất mà tôi không tìm lại được hương vị ở bất kỳ đâu. Gian bếp trong làn khói nhòe lãng đãng ở yên một góc trong tâm trí tuổi thơ tôi. Mỗi góc nhỏ khói và bồ hóng cũng giăng đầy, nhưng nghĩ đến là mắt cay, nghĩ đến là ấm dạ... là bồi hồi, là thương!
2. Lần nào trở về nhà, tôi cũng lẩn mẩn nhớ những ngày mùa đông sà vào bếp xem mạ nấu món gì. Ở đó có mùi thơm của khói, mùi củi khô, mùi rơm rạ. Khi những cơn bão chuyển mùa và những trận lũ lụt vừa đi qua, trời đông xứ Quảng rét mướt xác xơ, mạ vẫn dậy từ mờ sáng nhóm lửa. Cứ khi nào chị em chúng tôi thức giấc, tất cả những ấm nước trong nhà đã đầy ắp nước sôi mới để ba chế trà sớm. Chạy chơi một hồi là chúng tôi có củ khoai bắp ngô hay bát cháo lót dạ.
Nhớ bếp quê với làn khói mờ mỗi tinh sương, với ánh lửa bập bùng và dáng mạ ngồi khom mình lụi cụi. Mạ đã luôn ở trong tình yêu và sự kính trọng, trong niềm thương đằng đẵng của ba, của anh em chúng tôi. Nhưng, nhớ về mạ, những chắt chiu vun đắp để tròn phận mình và lo cho chồng, cho con, tôi thắt lòng mà đau đáu nỗi xót xa.
Dáng mạ dậy sớm nhen lửa trong tinh mơ rét mướt, việc nhà cửa ruộng vườn một tay mạ chu tròn. Thấp thoáng trong nết cần mẫn là những cố gắng và tình yêu luôn đủ đầy của người phụ nữ. “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Những buổi sớm mùa đông năm ấy, dáng mạ bên ánh lửa bập bùng, làn khói bảng lảng mỗi tinh sương đã nối dài thành tháng năm, thành cuộc đời, thành một phần trong ký ức cuộc đời tôi với bao thao thiết, thương kính và xót xa.
3. Từ khi mạ hoài thai và sinh tôi trong khó nhọc, tôi đã khóc suốt nhiều tháng trời và mạ phải đi khắp nơi để tìm người chữa chạy. Thế rồi, tôi cũng đã từ tay mạ lớn lên, khỏe mạnh cứng cáp và đứng dậy, bước đi bằng đôi chân của mình. Ngày qua ngày, tôi trưởng thành hơn lên, cao lớn hơn lên, hiểu nhiều thêm về cuộc đời, mạ không ở bên nắn nót dặn dò nữa. Tôi đã xa nhà, rời mạ để thành một chú điệu, nương tiếng mõ câu kinh mà khôn lớn khi tuổi mới lên 10.
Tôi đi mãi, lớn lên mãi. Một ngày trở về khi màu tóc đã pha sương, ngỡ mình hiểu rộng biết dài, dọc ngang thiên hạ, đúng sai đã qua hết cả, đã thấy, đã biết, đã như hiểu hết mọi bài học cần thiết trong đời, vậy mà lại tôi chợt nhận ra mình vẫn còn bé nhỏ. Với mạ, tôi vẫn là con trai mạ thương lo như ngày nào. Mạ đã thương lo một đời dường như chưa đủ. Tôi lớn lên mãi, rồi đi mãi, cuối cùng lại nhận ra không con đường nào rộng dài hơn tình thương của mạ!
Có những tháng ngày buồn hiu hắt khi bóng mạ đã nhòa nơi chân mây cuối trời. Gió rét thổi từng đợt thốc vào lòng người trống huơ trống hoải. Không có ai sống trong đời chỉ để gặm nhấm sự nhớ thương. Tôi trở về, nhìn vườn cây, góc sân, nhìn căn bếp cũ mà đau đáu khôn nguôi. Khói bếp không còn bay lên bảng lảng như ngày nào mà mắt cay xè và trái tim thắt lại một vùng đau. Ngày tháng nào đó, có thể mạ đã cô đơn tận cùng, lo lắng tận cùng… như những sớm mùa đông nối dài và mọi nỗi niềm gửi vào từng tiếng lách tách của củi khô, vào ánh lửa rạ rơm bập bùng trong đáy mắt...
“Thưa người, nước mắt chảy xuôi
Giọt mưa rơi xuống từ trời, nghìn xưa"
Lời thơ đọc lên mà tim tôi quặn thắt!
4. Nước mắt chảy xuôi, mưa xuống từ trời... Đó là lẽ thường của tự nhiên. Như người mẹ sinh ra con, thương lo cho đến lúc xuôi tay. Người con ấy sẽ lại tiếp nối thương lo cho những đứa con của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta được phép quên sót một phần ân phước của mình để quy hướng về mẹ cha, nguồn cội.
Tôi từng đọc được rằng: “Khi cưu mang trong dạ, có thể ta vô tình đạp vào bụng mẹ, làm cho mẹ đau. Nhưng, được mẹ sinh thành và tần tảo dưỡng nuôi, được mẹ chăm dạy nên vóc nên hình, một người con hiếu sẽ biết rằng không được làm đau lòng mẹ thêm một lần nào nữa”.
Tôi trở về am quê, bên căn bếp của mạ. Căn bếp một thời gắn bó với mạ cùng những bồ hóng, mạng nhện giăng đầy, những lỉnh kỉnh nồi xoong, chạn bát với đủ loại hành kiệu mắm nêm ấy sao quá chừng thân thương gần gũi! Những góc sân, mảnh vườn, những lá hoa, những ngọn cỏ cành cây nơi am quê buồn hiu hắt trong gió rét. Gần tới tròn trăm ngày mạ về cùng tiên tổ, cũng gần tới kỷ niệm đã hơn nửa của trăm năm ngày mạ sinh tôi trong khó nhọc. Khóm hoa nguyệt quế trắng tinh khôi, mẫu đơn thắm đỏ nở bung ra hiến tặng cho đời hương sắc, rồi rũ xuống, héo tàn và trở về cõi không thinh lặng. Những chiếc lá bồ đề rụng về cội sau khi đi trọn một vòng đời...
Xót lòng, đằng đẵng những nhớ thương...
"Bếp quê khói vẫn lên trời xưa xa"...