Sách Phật giáo
Thuận lợi, khó khăn của GHPGVN trên con đường hội nhập, phát triển
Thứ hai, 28/11/2017 09:53
Pháp Lục hòa này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Giáo hội các cấp, cũng như trong tăng đoàn và các đạo tràng. Nguyên nhân của mọi đau khổ, xích mích hay tranh đấu vì danh lợi hay vì chùa chiền đều do không tôn trọng, không thực hành Pháp Lục hòa mà đức Phật đã trao. GHPGVN cũng có được sức mạnh này trong mọi hoạt động của mình. Đây là thuận lợi quyết định sự sống còn trong nội bộ của Giáo hội.
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- Cung Kính ngưỡng bái bạch chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng chứng minh; Hội đồng Trị sự GHPGVN!
- Kính bạch quý Ban Chứng minh, Đoàn chủ tịch!
- Kính thưa Đại hội!
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm trọng thể của Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, lời đầu tiên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc chúng con kính chúc chư Tôn Giáo phẩm HĐCM; HĐTS, Quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng, ni cùng quý quan khách Đại biểu về dự Đại hội lời chào trân trọng và lời cầu chúc sức khỏe tốt đẹp nhất, chúc Đại hội thành công viên mãn.
Kính bạch chư Tôn Đức! Kính thưa Quý vị Đại biểu!
Theo lời Phật dạy, những người con Phật đã mang giáo Pháp của Ngài đi khắp nơi để gieo mầm Phật pháp. Những lời đức Phật dạy, nếu hiểu và thực hành một cách nghiêm túc thì đó là đáp án, để giải quyết một cách thiết thực những vấn đề bế tắc về tâm lý của bản thân mỗi con người và là đáp án giải quyết các vấn nạn, những diễn biến phức tạp, những tệ nạn, những tiêu cực, những nguy cơ, hệ lụy v.v… mà một tổ chức hay bất kỳ xã hội nào, thời đại nào cũng có thể đối mặt. Đó chính là nguyên nhân mà giáo lý của đức Phật sống mãi với mọi thời đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ rộng rãi đối với cộng đồng.
Hạt giống từ bi, giáo lý Phật pháp mà các đệ tử Phật gieo trồng khắp muôn nơi đó đã nứt hạt bén rễ đâm chồi, nẩy lộc phát triển thành cây xanh tốt và rộng tán. Cụ thể là Phật giáo đã du nhập phát triển khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kể từ khi du nhập vào Việt Nam (từ cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ 2) và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay, Phật giáo luôn luôn đồng hành với những thịnh suy của dân tộc trong các thời kỳ lịch sử, tuy có lúc thăng trầm, nhưng cũng đã có những thành tựu nhất định, cụ thể như Phật giáo phát triển rực rỡ vào thời Đinh, Lê, Lý, Trần và một điều rất đặc biệt nữa là: chưa một nơi nào trên thế giới, khi Phật giáo du nhập lại có một tổ chức tôn giáo, một hệ thống từ trung ương đến địa phương, từ thôn quê hẻo lánh đến đô thị sầm uất, đó chính là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ khi GHPGVN được thành lập cho đến nay (năm 1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn trên bước đường phát triển và hội nhập. Nhìn lại chặng đường đó, chúng con thay mặt cho tăng ni tỉnh Vĩnh Phúc có cảm nhận những mặt thuận lợi và khó khăn của Giáo hội như sau:
A. Những thuận lợi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, đã trải qua qua 35 năm xây dựng và phát triển (với 07 kỳ Đại hội), là sự kế thừa và phát huy truyền thống gắn bó hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam với dân tộc. Trong suốt chặng đường này đã có những thuận lợi, tạo nền tảng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển.
I. Thuận lợi vì có nền móng vững chắc
Để có được một tổ chức Giáo hội quy mô như ngày nay, một “mái nhà chung” mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), là cả một quá trình dài mất nhiều thời gian và bao tâm huyết, có cả hy sinh xương máu của những bậc cao tăng thạc đức, những bậc tiền bối, đại thụ hết lòng vì đạo pháp, vì lợi ích dân tộc đứng ra gánh vác sự nghiệp chung.
Sự thống nhất này của GHPGVN, cũng mở ra một trang sử mới trong toàn bộ quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam. Sự hy sinh, phấn đấu xây dựng nền tảng vững chắc cho Giáo hội, cách thức hoạt động vì đạo, vì đời của cả một thế hệ cao tăng thạc đức trong giai đoạn vận động thành lập và duy trì hoạt động của Giáo hội - những thế hệ Hòa thượng, Thượng tọa đi trước, tạo tiền đề, xây dựng nền móng Giáo hội vững chắc. Đây là những thuận lợi đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để cho những thế hệ sau này kế thừa và phát triển.
II. Thuận lợi vì có sự ủng hộ, hậu thuẫn và tôn trọng mọi hoạt động nội bộ Giáo hội của các cấp chính quyền
Dân tộc Việt Nam, giống nòi Việt Nam đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước, cuộc đấu tranh lâu dài bền bỉ vì độc lập, vì tự do, đã hun đúc nên một truyền thống kiên cường bất khuất của cả dân tộc Việt Nam đó là yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa đất nước ta đi theo đường lối Xã hội chủ nghĩa, đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam, một lần nữa khẳng định tinh thần yêu tự do, tôn trọng và khát khao hòa bình của đất nước và con người Việt Nam trên dải đất hình chữ S.
Lòng khát khao hòa bình, yêu tự do phù hợp với giáo lý của đức Phật, chính vì vậy khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã được ấp ủ chở che trong lòng dân tộc, dù có qua rất nhiều gian đoạn khó khăn, biến cố thăng trầm nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển trên mảnh đất này. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời và phát triển đến ngày nay, sự ủng hộ hậu thuẫn vững chắc, bền bỉ, luôn song hành cùng Giáo hội của các cấp chính quyền chính là thuận lợi đặc biệt tạo sức mạnh rất lớn cho Giáo hội phát triển.
III. Thuận lợi vì có sự đoàn kết ủng hộ hết lòng vì đạo, vì Giáo hội của các phật tử trong và ngoài nước
Người phật tử theo đạo Phật, trên tinh thần: “Kính Phật trọng Tăng”, khát khao sự giáo hóa từ ngôi tăng bảo vệ Phật pháp, họ đã chăm chỉ lao động, làm ra của cải nuôi sống bản thân, gia đình và làm trọn nhiệm vụ hộ trì Phật pháp. Với đặc thù không buôn bán kinh doanh, không trực tiếp làm ra của cải vật chất, đệ tử của đức Phật cũng như các cấp Giáo hội về mặt kinh tế, dựa trên sự hộ trì và cúng dàng của các phật tử trong và ngoài nước; hỗ trợ của các cấp chính quyền hoặc các tổ chức xã hội.
Với đặc thù này, cho nên: khắp mọi nơi trong và ngoài nước, các cơ sở thờ tự của Giáo hội đều được hộ trì về mặt kinh phí, vật chất, cơ sở ngày càng khang trang, chùa chiền ngày càng được xây dựng quy củ và trang nghiêm. Các hoạt động từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa của các cấp Giáo hội rất phát triển và kịp thời, là điểm tựa đáng tin cậy của Đảng và chính quyền nhân dân, hàng năm đóng góp kinh phí từ những hoạt động từ thiện ủng hộ nhân dân sau thiên tai, hay người nghèo v.v… của các cấp Giáo hội được phật tử hộ trì kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những thuận lợi cho Giáo hội có phương tiện để duy trì và hoạt động.
IV. Lục hòa là thuận lợi lớn cho GHPGVN phát triển nội lực
Với trí tuệ siêu phàm, với lòng từ bi rộng lớn, đức Phật đã trao lại cho các con của Ngài một phương pháp sống tu tập và duy trì sức mạnh trong tăng đoàn, phương pháp đó là: “Lục hòa”. Người đệ tử của Phật xuất phát từ rất nhiều thành phần (giai cấp khác nhau) như: trí thức, nông dân, công nhân, hay thương nhân v.v... Trong đó mỗi người lại một quan điểm, tâm tính hay nghiệp chướng khác nhau. Vậy làm sao để sống chung trong một môi trường tu tập được? Bí quyết chính là Pháp Lục hòa mà đức Phật đã truyền trao.
Dù là đệ tử xuất gia hay đệ tử tại gia của đức Phật; dù là cấp Giáo hội cơ sở xã, phường, tỉnh, hay trung ương; sống và sinh hoạt bên nhau trên tinh thần Lục hòa, sẽ tạo ra sức mạnh lớn và bền chắc trong nội bộ. Vì sao vậy? Vì Pháp Lục hòa bao gồm:
1. Giới hòa đồng tu: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Kỷ luật.
2. Tân hòa đồng trụ: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Hành động.
3. Khẩu hòa vô tránh: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Ngôn luận.
4. Lợi hòa đồng quân: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Quyền lợi.
5. Ý hòa đồng duyệt: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Ý chí.
6. Kiến hòa đồng giải: tạo nên sức mạnh hòa đồng trên nguyên tắc Nhận thức.
Pháp Lục hòa này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Giáo hội các cấp, cũng như trong tăng đoàn và các đạo tràng. Nguyên nhân của mọi đau khổ, xích mích hay tranh đấu vì danh lợi hay vì chùa chiền đều do không tôn trọng, không thực hành Pháp Lục hòa mà đức Phật đã trao. GHPGVN cũng có được sức mạnh này trong mọi hoạt động của mình. Đây là thuận lợi quyết định sự sống còn trong nội bộ của Giáo hội.
Trên đây là những thuận lợi đặc trưng theo sự cảm nhận thiển cận của tăng ni phật tử tỉnh Vĩnh Phúc chúng con. Bên cạnh những thuận lợi, GHPGVN còn gặp những khó khăn và hạn chế như sau.
B. Những khó khăn của GHPGVN trong giai đoạn hội nhập và phát triển
Thuận lợi như nêu ở trên là nền tảng, là cơ sở để tồn tại và phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, gây cản trở không nhỏ trên bước đường hội nhập và phát triển.
I .Ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với ngôi nhà chung của Giáo hội
Mỗi phật sự thành công của Giáo hội, đều do sự hy sinh không ngại gian khó của các bậc Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Quý Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng ni, phật tử từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh đó cũng vẫn còn có một số cá nhân riêng biệt, không tham gia sinh hoạt Giáo hội, chưa thực sự có ý thức trách nhiệm, chưa nêu cao được tinh thần đoàn kết vì việc chung.
Cụ thể mỗi một kỳ chuẩn bị cho Đại hội các cấp là cả một giai đoạn vất vả vì sự khúc mắc trong các thành viên, có thể do chưa phát huy hết trách nhiệm của mình cho ngôi nhà chung Giáo hội, có thể do chưa thực sự sống, làm việc và tu tập trong Pháp Lục hòa, cũng có thể do một số cá nhân hiểu lầm, hiểu sai các chức vụ được phân công trong Giáo hội, để rồi cố công tìm cầu danh lợi chức quyền như ở thế gian mà đấu tranh, thắc mắc hay giành giật v.v…
Đây là các nguyên nhân mà các kỳ Đại hội nào cũng vậy, các bậc Tôn túc trong trung ương Giáo hội luôn luôn phải đi đến tận cơ sở các cấp Giáo hội tỉnh, thành để giải quyết các mâu thuẫn. Đây là một thực tế không thể bỏ qua hay xem nhẹ, vì nếu kéo dài hiện trạng này, sẽ là nguyên nhân lớn phá vỡ ngôi nhà Giáo hội mà các bậc tiền bối dày công gây dựng, ảnh hưởng xấu đến Giáo hội, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân phật tử và chính quyền các cấp. Hạn chế này, khó khăn này đang ngày càng cản trở Giáo hội trên bước đường hội nhập và phát triển.
II. Khó khăn trong duy trì, hội nhập và phát triển của Giáo hội
Chư tôn túc, các bậc tiền bối đã rất gian khổ phải hy sinh, thậm chí có cả đổi máu xương, thành lập được GHPGVN, thế hệ chúng ta chỉ việc kế thừa, duy trì và phát triển tổ chức GHPGVN trong tinh thần: “Đoàn kết, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, để Giáo hội vững mạnh trên bước đường hội nhập. Trên con đường này, Giáo hội gặp vô vàn khó khăn, cụ thể như sau:
1. Khó khăn về quản lý tăng sự:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qua 7 lần Đại hội, nhưng đến nay mới tạm kiện toàn về 63 tỉnh, thành về mặt tổ chức Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, nhưng lại bắt đầu xảy ra một số tình trạng tranh giành kiện cáo của một số tăng ni tại một số địa phương trong công việc hiệp thương nhân sự của các kỳ Đại hội.
Số lượng tăng ni vẫn chưa chính xác và vẫn là con số ảo, do sự thuyên chuyển sinh hoạt Phật giáo của các cơ sở đi và đến chưa báo cáo kịp thời, hoặc do số lượng tu sĩ bỏ đạo về đời ở mà các tự viện không báo cáo, nên túc số các cấp Giáo hội không nắm bắt được, hoặc có nắm bắt cũng chưa kịp thời. Đây là một khó khăn cho việc quản lý túc số của Giáo hội các cấp, vì khi các cá nhân đó có vi phạm pháp luật mà mang hình tướng tu sĩ, hoặc để các thành phần xấu lợi dụng hình tướng tu sĩ đi lừa đảo, lợi dụng vào hình bóng tu sĩ đi khất thực, bán nhang hay khuyên giáo.
Các kỳ khảo hạch Đại giới đàn còn qua loa chưa thực sự tuyển chọn người có tài đức năng lực đạo hạnh và đầy đủ lục căn để dự vào hàng Tăng bảo còn gọi là Tuyển Phật Trường (nghĩa là tuyển người làm Phật). Khi về đời chúng ta lại không thu hồi Điệp đàn thọ giới hay Tăng tịch nên cũng chưa kiểm soát được. Những tăng ni thường xuyên kiện cáo, gây mất đoàn kết nội bộ ảnh hưởng đến Giáo hội, khi tăng chúng yết ma kỷ luật thì lại được một số lãnh đạo Giáo hội hoặc sự quen biết chính quyền bao che làm cho rất khó trong việc xử lý tăng ni vi phạm, lý do chúng ta không có kỷ cương chế tài rõ ràng, luôn luôn cho rằng lấy từ bi hỷ xả cho qua, nhưng đức Phật cũng có dạy từ bi nhưng phải có trí tuệ nếu không là từ bi mù, mà trong Đại hội này chủ đề chúng ta lấy là “Kỷ cương - Trí tuệ - Hội nhập - Phát triển”, chúng ta không có kỷ cương và trí tuệ thì không thể hội nhập và phát triển được trong thời đại công nghệ này được.
Những khó khăn này đòi hỏi sự khắc phục nhanh chóng và mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo trong Giáo hội.
2. Khó khăn về giáo dục và hoằng pháp:
Giáo dục và hoằng Pháp là 2 nhiệm vụ thiết thực nhất để mang giáo lý Phật Đà vào đời và kết hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật để cùng Đảng và nhân dân xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, giúp cho cuộc sống nhân gian bớt đi các khổ đau và tệ nạn. Nhưng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Giáo hội, Ban Giáo dục và hoằng pháp vẫn còn rất nhiều hạn chế.
a. Về giáo dục: Giáo dục Phật giáo là nhiệm vụ thiết yếu để đào tạo tăng tài, thay Phật hoằng đạo. Học và tu Phật là nhiệm vụ sống còn của người đệ tử Phật, Hòa thượng Khánh Hòa có dạy “Phật pháp suy đồi là do Tăng già thất học” nếu chúng ta không chú trọng về việc đào tạo thực dụng mà chỉ lấy số hượng hay hình thức đó là sự suy đồi sụp đổ của Giáo hội trong tương lai.
GHPGVN cả ba miền: Bắc – Trung - Nam trong cả nước đã có những trường học viện, các lớp Cao đẳng, Trung cấp Phật học, Sơ cấp Phật học, để phục vụ cho nhiệm vụ này, tuy nhiên chúng ta lại không có được một giáo trình thống nhất cho các cấp đào tạo trong cả nước, để kết quả đào tạo chất lượng không đồng đều. Đội ngũ giảng sư chưa có sư phạm, chưa có kinh nghiệm trong việc giảng dạy và chưa có thời gian trải nghiệm tu tập và hoằng đạo, nên chỉ mới tiếp thu được một số kiến thức, chưa có thời gian tu tập nghiên cứu nên chưa có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt.
Do điều kiện các môi trường giáo dục khác nhau, có trường thì tăng ni sinh: sống, học và tu tập trung, dưới sự giám sát quản lý nghiêm của các thầy, cô quản chúng. Nhưng cũng có các trường học viện lại chưa có điều kiện quản lý nghiêm ngặt tăng ni sinh sau giờ học trên giảng đường. Đây là khó khăn, là bất lợi, là cơ hội cho các hữu lậu có thể xảy ra vì tăng ni sinh tuổi đời và tuổi đạo còn trẻ, khó kiểm soát bản thân. Tăng ni ở chung trường nên sinh ra nhiều vấn đề phức tạp.
Chúng ta nặng về hình thức có số lượng nhưng chất lượng kém, số lượng tăng ni đông nhưng để lấy người ra làm việc sau kỳ tốt nghiệp ra trường thì được mấy người, ai cũng có tâm lý lo cho chủ nghĩa cá nhân của mình mà không lo cho công việc đại sự, ngôi nhà chung của Giáo hội.
b. Về hoằng pháp: Đức Phật dạy, này các tỷ khiêu hãy đi các nơi để hoằng dương chánh pháp, đem ánh sáng giáo lý đến với mọi tầng lớp nhân dân, tuy nhiên chúng ta chưa có nghiên cứu chuyên sâu theo từng vùng miền, trình độ của mọi người có cao có thấp, văn hóa mỗi vùng mỗi khác, lớp thanh thiếu niên khác, lớp người già khác từ đó chúng ta mới đúc kết ra kinh nghiệm phân bổ cử người đến để hoằng hóa độ sinh, chúng ta cũng đã mở nhiều cuộc hội thảo xong lại không đúc kết hay áp dụng gì cho tăng ni, phật tử các tỉnh thành mà vẫn chỉ là hình thức phô trương, chưa áp dụng vào trong thực tế.
Ngoài mô hình truyền thống là các Đạo tràng trong các cơ sở tự viện, những năm gần đây, thế hệ các học sinh, sinh viên tìm hiểu và tu theo đạo Phật rất đông và háo hức, từ Bắc đến Nam, hay miền Trung, các khóa tu mùa hè liên tục diễn ra ở các cơ sở tự viện, các Câu lạc bộ thanh, thiếu niên Phật tử, các hình thức Gia đình Phật tử cũng được thành lập.
Phát triển về số lượng theo đạo Phật ồ ạt là vậy, nhưng khó khăn cho các cấp Giáo hội là chưa thống nhất được mô hình sinh hoạt, đa phần các cơ sở hay các trụ xứ tự tổ chức sinh hoạt. Dẫn đến các thắc mắc cho giới trẻ, thậm trí cả tranh luận là sinh hoạt phật tử thế này mới đúng, thế kia mới đúng, thầy này hướng dẫn thế này mới đúng, thầy kia hướng dẫn thế kia mới hay v.v…
Tóm lại: Giáo dục tăng ni và hoằng pháp, tuy có những bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, thậm chí còn có rất nhiều các Hội thảo được tổ chức quy mô rất hoành tráng, nhưng tính áp dụng, thực hành lại rất khiêm tốt. Đây là khó khăn nan giải của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những thời gian tới và mai sau.
3. Khó khăn trong các nghi lễ:
Trong bất cứ một tổ chức xã hội, hay các tôn giáo, phần nghi lễ là không thể thiếu, nhằm tạo nên sự trang nghiêm về mặt hình thức. Nghi lễ Phật giáo rất đa đạng, mỗi vùng miền lại có những đặc thù riêng, mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền đó. Đây cũng là một thế mạnh vì thể hiện tính nhập thế của Phật giáo. Mặc khác cũng thể hiện những bất cập nhất định như: khi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động lớn, mang tính toàn quốc của Phật giáo thì sắc phục lại rất lộn xộn, màu y khác nhau, danh xưng khi niệm Phật gia bị cũng khác nhau, chưa đồng nhất.
Các khóa lễ hành chính cũng chưa thống nhất nên vẫn còn lộn xộn, chúng ta phải quy chuẩn rõ ràng trong nghi lễ hành chính tụng niệm, nghi lễ quốc tang cho quý Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự viên tịch. Mà hầu như chúng ta để cho đệ tử của quý ngài làm, nên chưa được trang nghiêm trọng thể mang tính chất tầm cỡ quốc tang cả đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Ngoài nghi lễ vùng miền địa phương hay hệ phái ra, chúng ta phải có nghi lễ chung cho Giáo hội mới thể hiện được sự thống nhất của 9 tổ chức hệ phái vào một là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Danh xưng niêm Phật và sắc phục cũng vậy, những năm gần đây tăng ni mặc quần áo rất lộn xộn đủ các màu sắc không còn là hoại sắc nữa, từ đó sẽ không phát huy trọn vẹn tính trang nghiêm trong nghi lễ. Giáo hội vẫn tôn trọng tính đặc thù nghi lễ của các vùng miền, nhưng nên chăng các hoạt động nghi lễ, sắc phục mang tính chung toàn quốc, cần phải tìm ra một quy chuẩn chung về sắc phục và nội dung tổ chức. Đây cũng là một trong những khó khăn.
4. Khó khăn trong việc truyền thông:
Sống trong thời đại khoa học phát triển, công nghệ truyền thông ngày càng hiện đại và phong phú, Giáo hội của chúng ta cũng có được kênh truyền hình An Viên, các trang web Phật giáo như trang: Giáo hội Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn), trang Phật tử Việt Nam (phattuvietnam.net), trang Người Phật tử (nguoiphattu.net), v.v.. , bên cạnh đó, mỗi một Ban Trị sự của các tỉnh, thành đều có trang web riêng nhưng lại chưa thực sự phát huy được hết sức mạnh của truyền thông, chưa đi vào chuyên sâu.
Mạng Internet phát triển rất mạnh, các cá nhân của Giáo hội sử dụng phương tiện này để tìm hiểu thêm về các bài Pháp mà đức Phật đã dạy, hay kiến thức về pháp luật, các thông tin xã hội, giúp thêm tư liệu tu học, hoặc để cập nhật các phật sự của Giáo hội, nhưng đôi khi không đủ kinh nghiệm hay sáng suốt để tự lựa chọn những kênh, nguồn thông tin lành mạnh, không đủ bản lĩnh để thanh lọc các nguồn thông tin độc hại.
Một số ít cá nhân sử dụng mạng Internet một cách bừa bãi, ví dụ như: dùng mạnh facebook hoặc zalo, đưa các thông tin ích kỷ nói xấu, nói sai sự thật về các bậc lãnh đạo Giáo hội các cấp, kiện cáo các cấp chính quyền, hoặc một số người tu trẻ, chưa thực sự ý thức được con đường Đạo mình theo, chưa kiểm soát được thân tâm, đưa những thông tin khoe khoang bản thân, hoặc những tâm trạng yểm thế chán nản phát ngôn bừa bãi hoặc như vụ việc cư sĩ tu tại gia ở Long An, đi thi tiếng hát truyền hình, lại mặc áo như tu sĩ, được mạng truyền thông quảng bá, gây bão dư luận, ảnh hưởng xấu đến Giáo hội v.v... Đã tình nguyện làm đệ tử Phật (dù là người xuất gia hay tại gia), mang trên mình màu áo của Phật, sao lại “tự sướng” như vậy, tạo ra cái nhìn lệch lạc về tăng đoàn, gieo mầm hữu lậu cho thế gian chê cười.
5. Khó khăn về kinh tế tài chính và từ thiện xã hội:
Nguồn kinh tế tài chính của GHPGVN được hình thành bởi nhà nước hỗ trợ một phần, các phật tử cúng dàng, các tổ chức xã hội hay các mạnh thường quân ủng hộ và các chùa có sư trụ trì đóng góp tiền niên liễm. Mọi hoạt động của GHPGVN dựa trên nguồn kinh phí trên. Với đặc điểm này, đôi khi chúng ta rơi vào tình thế: “Lực bất tòng tâm”, có những ban ngành, có những hoạt động phật sự trong các thời điểm quan trọng cần kinh phí để tổ chức duy trì, thì Giáo hội lại bị hạn chế bởi kinh tế, rất bất lợi.
Hoạt động từ thiện là thể hiện tinh thần cứu khổ ban vui của đạo Phật, cũng là phù hợp với đạo lý: “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Nhưng những hoạt động từ thiện của Giáo hội cũng lại dựa vào sự vận động đóng góp kinh phí tự nguyện của các phật tử, các mạnh thường quân, mỗi nơi mỗi đặc điểm khác nhau.
Nhưng đôi khi một số nơi quá lạm dụng việc từ thiện để gây ra sự hiểu lầm cho một bộ phận nhân dân, hay các chú, bác lãnh đạo một số xã phường vùng sâu, vùng xa, lầm hiểu: Phật giáo chỉ là từ thiện, còn gây khó khăn cho một số vị sư ở các địa phương vùng đó là: “Trên ti vi đó, các sư ở các nơi làm từ thiện nhiều, sao các sư ở đây chỉ biết ăn vậy? Không cho dân được cái gì”. Mặt khác cũng tạo ra cơ hội cho các thành phần xấu, mượn danh các thầy, giả làm các phật tử kêu gọi vận động từ thiện để rồi sử dụng sai mục đích.
Những trở ngại này làm cho bước đi của Giáo hội thêm vướng mắc, nặng nề, vì đây là những Ban ngành chủ chốt của Giáo hội. Để khắc phục những khó khăn này, đòi hỏi cả một sự đoàn kết, cống hiến trí tuệ, sức lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương của mỗi cá nhân trong các Ban ngành đó của Giáo hội.
Trên đây là toàn bộ những khó khăn cả về nội lực lẫn ngoại lực cản trở Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên bước đường hội nhập và phát triển mà nguyên nhân chính vẫn do sự ý thức chưa cao của một số cá nhân vì tập thể Giáo hội, mặt khác các Ban ngành chủ chốt trong Giáo hội còn nhiều hạn chế về chuyên môn, chưa phát huy được hết các thế mạnh. Bên cạnh đó, lại phải đối phó với các thành phần xấu, luôn luôn rình rập tìm mọi sơ hở để lợi dụng đạo chống phá chúng ta.
C. Các giải pháp khắc phục khó khăn
Đứng trước những khó khăn, hạn chế trên, chúng con thay mặt tăng ni tỉnh Vĩnh Phúc, xin mạnh dạn đề xuất các giải pháp khắc phục theo cách nhìn thiển cận của chúng con, kính mong Đại hội xem xét.
I. Giải pháp khắc phục về vấn đề ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với ngôi nhà chung Giáo hội
Muốn nêu cao ý thức của mỗi cá nhân trong ngôi nhà Giáo hội, thì khâu tuyển chọn người nhập tu và vấn đề thụ giới cho người tu là cả một quá trình thử thách nghiêm ngặt căn cứ theo Luật Phật chế và căn cứ theo pháp luật hiện hành.
1. Chọn người nhập tu
Chọn người nhập tu thì căn cứ đầu tiên người đó phải là một công dân tốt, không vi phạm pháp luật, có tư cách đạo đức, có nhân tố hạt giống Phật pháp, phải lựa chọn thật kỹ vì chọn người mới nhập tu là chuẩn bị nhân lực kế tiếp thay Phật giáo hóa Phật pháp đến quần chúng nhân dân, cũng là để gánh vác sự nghiệp của Giáo hội, công tác tuyển người nhập tu phải thật nghiêm túc, không phải ai cũng độ (tiếp nhận) để cho làm tu sĩ vì sau này thành bậc sư phạm cho người đời học theo, cũng là thế hệ kế tiếp gánh vác ngôi nhà chung của Giáo hội.
Thực tế hiện nay đa phần các Nghiệp sư nhận người nhập tu quá dễ, dăm ba tháng đã cho thế đầu, đã được đạo thành thầy tu đạo Phật, thành ra lộn xộn. Chúng con tha thiết cầu khẩn các thầy Nghiệp sư nên xem xét lại hoặc cẩn thận hơn nữa khi tiếp nhận người muốn đi tu theo đạo Phật. Vì với trí tuệ giác ngộ của mình, đức Thế Tôn - đấng Cha lành đã từng tiếp độ đệ tử tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh, bằng chứng là: đệ tử của đức Thế Tôn có tứ chúng (Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, hay nói gọn là đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của đức Phật).
Đấng cha lành của chúng ta đã từng làm như vậy, tại sao chúng ta không học Ngài? Mà hiện nay, có một số nghiệp sư nhận rất thoáng và nhận rất nhiều cho có số lượng. Nếu thấy họ không đủ tư cách đạo đức, không đủ điều kiện như Luật Phật chế thì nên để họ làm đệ tử tại gia của Phật, không quá ép gượng mà nhận cho xuất gia để có số lượng đông mà không chuyên về chất.
2. Vấn đề thụ giới
Việc thụ giới càng phải chặt chẽ hơn, vì khi đã thụ giới, người giới tử đã chính thức đại diện cho đạo để thay Phật giáo hóa chúng sinh. Nhưng thực tế ở các tỉnh thành, có những Đàn giới đến cả mấy trăm giới tử thì công tác kiểm tra quản lý sẽ không đảm bảo, đây là kẽ hở cho những thành phần không tốt vào phá đạo Phật. Chúng con kiến nghị: thống nhất trong cả nước, các giới tử trước khi thụ giới, phải được kiểm tra lại một lần nữa về tư cách đạo đức, lý lịch và phải qua một kỳ sách hạch nghiêm túc, đồng đều trong cả nước, với một giáo trình kiểm tra thống nhất. Tuyệt đối không vì số lượng mà thả lỏng việc này để hậu họa sau này người đời cơ hiềm.
Một lần nữa chúng con tha thiết kiến nghị: các bậc Nghiệp sư thật cẩn trọng trong việc nhận người nhập tu và thụ giới, các cấp Giáo hội xem xét thật kỹ hơn nữa tư cách đạo đức, tư cách công dân của họ, trước khi phê duyệt các thủ tục cho họ xuất gia và thụ giới. Vì đây là nguồn cung cấp nhân lực cho đạo, cũng là nguồn cung cấp nhân lực cho Giáo hội sau này.
II. Giải pháp duy trì, hội nhập và phát triển Giáo hội
Đến với đạo Phật, tu học và làm việc Phật, lu