Kiến thức

Thực hành an cư là góp phần củng cố Tăng đoàn, duy trì Phật pháp

Chủ nhật, 23/06/2022 08:11

Theo lời Phật dạy, mỗi năm vào ba tháng mùa mưa, giới tu sĩ Phật giáo tạm dừng các hoạt động Phật sự bên ngoài để tập trung về một trú xứ cùng nhau tu học.

Đây là khoảng thời gian sống chung quý giá để các vị tịnh hóa thân tâm, đồng thời đây là dịp để củng cố Tăng đoàn, thắt chặt đạo tình, đoàn kết và hòa hợp, nhờ đó mà duy trì mạng mạch Phật pháp.

Duyên khởi an cư

Theo Luật tạng, những năm đầu, việc chư Tăng cư trú mùa mưa vẫn chưa được Đức Phật quy định. Các Tỳ-khưu vẫn đi khất thực suốt cả năm. Vì vậy dân chúng phàn nàn phê phán, chê bai rằng: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang giẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi”1.

Sự việc này được trình lên Đức Phật. Nhân đây Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép vào mùa (an cư) mưa” 2. Từ đó, cứ mỗi năm vào ba tháng mùa mưa, Tăng đoàn đều thực hiện nghiêm túc lời dạy an cư của Đức Phật. Ngày nay, thời điểm an cư cũng có ít nhiều thay đổi vì nhiều lý do nhưng ý nghĩa cốt lõi vẫn không thay đổi. Đó là giúp người xuất gia trau dồi và phát huy Giới - Định - Tuệ, là dịp để chư Tăng có cơ hội sống chung thanh tịnh lục hòa. Khi Tăng đoàn được củng cố thì Phật pháp được duy trì và phát triển.

Tu tập tâm linh và hộ trì Chánh pháp trong mùa An cư kiết hạ

Theo lời Phật dạy, mỗi năm vào ba tháng mùa mưa, giới tu sĩ Phật giáo tạm dừng các hoạt động Phật sự bên ngoài để tập trung về một trú xứ cùng nhau tu học.

Theo lời Phật dạy, mỗi năm vào ba tháng mùa mưa, giới tu sĩ Phật giáo tạm dừng các hoạt động Phật sự bên ngoài để tập trung về một trú xứ cùng nhau tu học.

Hoàn thiện phẩm chất đạo đức của Tỳ-khưu

Phẩm chất đạo đức của một Tỳ-khưu là yếu tố quan trọng quyết định phẩm chất, sự tồn tại và phát triển của Tăng đoàn. Phẩm chất ấy là kết quả của việc tu tập Giới-Định-Tuệ và thành tựu giải thoát. Cho nên việc củng cố Tăng đoàn, đầu tiên một vị Tỳ-khưu phải tự hoàn thiện chính mình. Ba tháng an cư là cơ hội giúp vị Tỳ-khưu nghiêm túc thực hành đầy đủ các thời khóa tu học, bao gồm công phu, tụng kinh, sám hối, tọa thiền, quá đường,… thay vì chỉ phương tiện thực hành một vài thời như các tháng còn lại.

Trong mùa an cư, các hành giả cũng có cơ hội củng cố kiến thức Phật học, học hỏi kinh nghiệm tu hành và oai nghi tế hạnh từ các bậc trưởng thượng. Có thể nói, lời Phật dạy thông qua sự chỉ dẫn đầy kinh nghiệm của các bậc tôn túc sẽ trở nên sống động và thực tiễn hơn bao giờ hết. Nhờ liên tục được sách tấn nên sự tu tập Giới-Định-Tuệ ngày một tăng trưởng.

Bên cạnh đó, mùa an cư là cơ hội tốt để các pháp lữ ngồi lại với nhau thảo luận giáo pháp, chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoằng hóa độ sinh, từ đó ứng dụng vào đời sống tu tập để tăng trưởng công đức và giới hạnh. Cho nên an cư là thời gian để hàng xuất gia kiện toàn bản thân, cũng là góp phần vào việc ổn định Tăng đoàn.

Củng cố Tăng đoàn

Bản thể của Tăng đoàn (Tăng-già) là hòa hợp và thanh tịnh, hai yếu tố hình thành nên đặc thù Tăng đoàn của Đức Phật. Thiếu một trong hai yếu tố này, Tăng đoàn dù có tồn tại cũng chỉ là hình thức, bản thể của Tăng được xem là bị tan vỡ, hủy hoại và cố nhiên là không giữ trọn ý nghĩa của Sangha.

Khi cùng sống chung tu học, chắc chắn mỗi người quê quán khác nhau, sự hiểu biết khác nhau, pháp môn thực hành khác nhau,... nhưng không thể mỗi người một ý mà phải sống trong tinh thần lục hòa: Thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân.

Nếu sống chung mà không hòa hợp, thì địa điểm tập trung ấy sẽ chỉ là nơi tụ tập ồn ào, huyên náo, không có sự kính trên nhường dưới, không ai nâng đỡ cho ai, không ai sống vì ai, khác nào “Bà-la-môn tụ hội vô thù”, cuối cùng cũng đưa đến oán đối, tan rã.

Chỉ có pháp lục hòa mới có thể giúp cho mỗi cá nhân từ bỏ ham muốn tầm thường, ích kỷ riêng tư, phân biệt kỳ thị, phát triển lòng từ, tự kính trọng mình và kính trọng mọi người xung quanh. Chính nghệ thuật sống lục hòa này sẽ giúp cho mọi người tương thân, tương kính, tương trợ với nhau trong nếp sống thiền môn, khiến cho sự tu tập tinh tấn hơn, nội bộ đoàn kết thân ái hơn, cùng dìu dắt nhau hướng về đạo quả giải thoát. Sự hòa hợp và thanh tịnh như vậy chính là nét riêng của Tăng đoàn đệ tử Đức Phật mà không bất cứ hội chúng nào có được.

 Hàng Tỳ-khưu nếu không có ba tháng cùng sinh hoạt cộng trú để học hỏi kinh nghiệm, khuyên dạy lẫn nhau thì làm sao trưởng dưỡng được nội tâm, tạo năng lượng cho Tăng đoàn vững mạnh. Nhờ có sự sống chung tu tập, các Tỳ-khưu từ mọi nơi tụ họp lại như pháp, sinh hoạt như pháp, chắc chắn sẽ làm lớn mạnh và phát huy vai trò của Tăng-già trong đời sống xã hội. Thực hành phận sự an cư đúng pháp sẽ làm cho phẩm chất hòa hợp và thanh tịnh của Tăng đoàn sống dậy, là điều kiện để kiểm chứng giá trị thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn thực tế hơn bao giờ hết. Cho nên, ý nghĩa sâu xa của mùa an cư là làm cho Chánh pháp cửu trụ, Phật pháp được tồn tại lâu dài qua biểu hiện duy trì đời sống hòa hợp và thanh tịnh của cộng đồng Tăng-già là như vậy.

Duy trì mạng mạch Phật pháp

Trong chín tháng vân du hóa độ, giới luật đôi khi vì nhiều nguyên nhân mà bị xem nhẹ hay khiếm khuyết, tổn giảm. Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp Tỳ-khưu hay Tỳ-khưu-ni đã vượt ra khỏi giới luật, kỷ cương, nề nếp, sống buông lung phóng túng,… khiến cho Phật giáo ít nhiều bị mang tiếng xấu. Vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho những người có thành kiến với Phật giáo dựa vào đó để công kích, làm lung lay niềm tin của hàng Phật tử, khiến thối thất tu học của lớp tín đồ mới kết thiện duyên.

Sự hủy phạm về giới luật ở mọi cấp độ luôn dẫn đến suy thoái đạo đức và sụp đổ niềm tin. Chính trong mùa an cư, tinh thần giới luật sẽ được gìn giữ tinh nghiêm hơn sau những tháng ngày bị chểnh mảng. Các hành giả được sống trong một hội chúng hòa hợp và thanh tịnh như vậy nên những bất thiện pháp không có cơ hội tăng trưởng.

Mặt khác hành giả sẽ có nhiều thời gian để nghiên tầm giới luật, giúp cho hành giả nhớ lại những gì đã thọ nhận, mặt khác giúp ngăn ngừa những lỗi lầm đã vi phạm trong quá khứ và không để tiếp diễn trong tương lai. Nếu sự thanh tịnh và hòa hợp được duy trì đúng giá trị của nó, nghĩa là giới luật được các Tỳ-kheo tôn trọng lên vị trí hàng đầu như nhịp tim và hơi thở thì có thể xác quyết rằng không có một pháp sự nào là không thành công, không một trở lực nào hay chướng ngại nào có thể lấn áp được.

Khi một người xuất gia biết lấy giới luật làm thầy như lời di huấn sau cùng của Đức Phật: “Này các Tỳ-khưu, sau khi Ta diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm thầy cũng như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, người nghèo được của báu. Phải biết giới luật là thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng chẳng khác gì pháp này vậy" thì khi đó Phật pháp sẽ còn tồn tại, phát triển và hưng thịnh. Dù thời điểm nào cũng vậy, nếu các Tỳ-khưu còn cung kính và hành trì giới luật một cách nghiêm mật, xem giới luật như là người thầy dẫn đường, thì chính lúc ấy Tăng đoàn sẽ nghiêm tịnh, đạo Phật vẫn sáng ngời. Bởi giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.

Cho nên một Tỳ-khưu với tư cách là thành viên của Tăng già, ngoài sự nỗ lực tu tập bản thân, phải có bổn phận xây dựng và phát triển Tăng-già lớn mạnh, làm cho Phật pháp ngày càng hưng thịnh. Khi nào Tăng-già còn nhiệt tâm trong trách nhiệm an cư thì Chánh pháp vẫn tồn tại lâu dài ở thế gian.

Kết luận

Dẫu Thế Tôn đã vắng bóng ở đời hơn 2.500 năm nhưng Tăng đoàn tất cả mọi nơi trên thế giới vẫn nghiêm túc thực hành pháp an cư do Đức Phật chế định. Bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường xã hội nào thì an cư kiết hạ cũng có ý nghĩa to lớn đối với các hành giả Tăng, Ni trong việc trau dồi phẩm hạnh, khai mở tuệ giác, thẳng tiến đến giác ngộ và giải thoát. Thực hiện phận sự an cư đúng như pháp còn là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp và thanh tịnh của Tăng-già, đưa đến sự duy trì và phát triển mạng mạch Phật pháp được trường tồn, lợi ích quần sinh.

--------------------

1 Tỳ-khưu Indacanda dịch (2021), Đại phẩm, tập 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.275.

2 Sđd, tr.276.

loading...