Sống an vui
Thực tập hạnh phúc
Thứ sáu, 02/09/2020 08:00
Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hoá được khổ đau thì không thể nào có được hạnh phúc. Điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do.
Bát Chính Đạo - Con đường đưa đến hạnh phúc viên mãn
Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hoá được khổ đau thì không thể nào có được hạnh phúc.
Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong. Theo lối sống bây giờ, người ta cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực và có địa vị cao sang trong xã hội. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy có rất nhiều người giàu sang hay nổi tiếng mà vẫn đau khổ, mà vẫn tự tử.
Có một quốc gia hạnh phúc mang tên Bhutan. Trong nhận thức của người Bhutan, hạnh phúc đơn giản chính là đã được sinh ra trên thế giới này. Bởi thế những của cải vật chất bên ngoài không tác động lớn đến cuộc sống của họ.
Họ không có quyền được chọn đất nước nơi họ sinh ra, cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình… Vì đó là số mệnh và họ đơn giản là chấp nhận điều đó. Tuy nhiên họ được chọn thái độ sống để hạnh phúc. Sự hài lòng và hạnh phúc là những món quà tinh thần mà không ai có thể lấy đi được của họ. Bởi vì, họ đã đạt được một điều vô cùng quý báu, đó là tự do.
Điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lĩnh vực chính trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng và si mê. Đó là những chất độc. Khi tâm còn những chất độc đó chế ngự thì không thể nào có được hạnh phúc.
Muốn thoát khỏi sân hận thì cần phải tu tập, dầu cho bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo. Chúng ta không thể cầu xin Bụt, Jesus, Thượng đế hay Mohammed lấy sân hận ra khỏi tâm thay cho ta được. Có những phương pháp cụ thể giúp diệt trừ tham, giận, si, mê. Nếu thực tập những phương pháp đó và chuyển hoá đau khổ của tự thân thì chúng ta sẽ có thể giúp những người khác chuyển hoá đau khổ của chính họ.
Trích từ sách "Giận"
>Xem thêm video: "Khắc phục lòng sân hận":