Hỏi - Đáp

Thực tập như thế nào khi ta làm người khác tổn thương?

Thứ hai, 29/03/2021 02:54

Chúng ta phải làm gì khi làm người khác bị tổn thương và họ xem ta như kẻ thù của họ? Người này có thể là những người trong gia đình ta, trong tăng thân ta, hay trong một đất nước khác.

Tôi biết là chúng ta đã có câu trả lời. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Đầu tiên là ta phải làm thế nào để nói cho được: “Tôi xin lỗi. Vì vô minh, vì thiếu chánh niệm, vì thiếu khéo léo mà tôi đã làm cho anh bị tổn thương. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hiểu và thông cảm hơn. Tôi sẽ không nói với anh những điều như thế nữa. Tôi không muốn làm anh tổn thương”. Đôi khi chúng ta không có chủ tâm làm cho người kia bị tổn thương nhưng vì ta không đủ chánh niệm và khéo léo nên đã làm người khác đau khổ. Vì vậy thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng, nhờ đó chúng ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để không làm tổn thương người khác.

Điều thứ hai mà ta có thể làm là cố gắng biểu hiện những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, những đức tính tốt, những bông hoa tươi đẹp để chuyển hóa bản thân. Đây là cách duy nhất mà ta có thể dùng để chứng minh những gì ta vừa mới nói. Khi chúng ta trở nên tươi mát và dễ chịu, người kia sẽ sớm nhận ra được. Sau đó, khi có cơ hội đến gần người kia, ta đến như một bông hoa tươi mát và người kia sẽ nhận ra ngay. Có thể chúng ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần nhìn cách ta thay đổi thì người kia sẽ chấp nhận và tha thứ cho ta. Ta làm theo những gì ta nói chứ không phải là những lời nói suông.

Chúng ta hãy nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi

Chúng ta hãy nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi

Khi ta thấy được “kẻ thù” ta đang khổ đau là ta bắt đầu có tuệ giác. Thấy được trong tự thân có ước muốn giúp người kia hết khổ, đó là dấu hiệu của tình thương yêu. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận. Đôi khi ta nghĩ rằng ta mạnh hơn khả năng ta có. Để thử sức mạnh của mình, ta thử đến với người kia và nói chuyện với người ấy. Chúng ta sẽ khám phá ra ngay lập tức là tình thương và lòng từ bi của ta có thực sự vững mạnh hay không. Chúng ta cần một người khác có mặt đó cho ta thử nghiệm sức mạnh của ta. Nếu thiền tập chỉ dựa trên những nguyên tắc trừu tượng về hiểu biết và thương yêu thì có thể đó chỉ là sự tưởng tượng mà không phải là sự hiểu biết và tình thương yêu đích thực.Hòa giải là bỏ lại sau lưng những cái nhìn lưỡng nguyên và khuynh hướng muốn trừng phạt. Hòa giải không đứng về một bên. Trong một cuộc xung đột xảy ra, hầu hết chúng ta đều muốn đứng về một bên nào đó. Chúng ta phân biệt giữa cái đúng và cái sai, một phần dựa trên những bằng chứng, hoặc những tin đồn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần sự căm phẫn để hành động. Nhưng cho dù sự căm phẫn ấy có đúng lý và chính đáng đi chăng nữa cũng không đủ. Thế giới này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Điều chúng ta cần là những người có khả năng thương yêu và không đứng về một bên để họ có thể ôm được cả hai bên, ôm được thực tại một cách trọn vẹn.

Chúng ta phải tiếp tục thực tập chánh niệm và hòa giải cho đến khi nào ta có khả năng thấy được hình hài của những trẻ em đói khổ là hình hài của chính ta, nỗi khổ đau của mọi người mọi loài là nỗi khổ đau của chính ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra được tình thương chân thật vô phân biệt. Chúng ta có thể nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi và chúng ta có thể làm công việc giúp người thực sự, đó là làm vơi đi nỗi khổ đau trong lòng người.

Trích trong sách "Thiền sư và em bé 5 tuổi" của Sư Ông Làng Mai

loading...