Sống an vui
Thương mình để thương người
Chủ nhật, 17/09/2020 06:46
Từ trước đến nay, ta thường học cách thương người hơn là thương mình. Nhưng có một điều rất ít người nhận ra, là việc thương yêu bản thân đúng cách cũng là một cách để chúng ta thương yêu, quan tâm đến những người ta thương xung quanh.
Một con rắn khi bị thương, phản xạ đầu tiên của nó là tìm chỗ dưỡng thương. Ngược lại, bản năng của con người khi bị thương, đa phần sẽ dồn sức lên tấn công, lao tới và phản kháng. Từ hành động đó, mà thường gây ra tổn thương cho cả hai.
Những trạng thái buồn vui, thương ghét hằng ngày, nếu chúng ta không quan sát những diễn biến cảm xúc, chúng ta sẽ không thấy được nó phóng túng ra sao. Trong cuộc sống, ta biết thương bản thân để biết tránh làm tổn thương những người mình thương yêu. Biết thương bản thân, trân trọng bản thân cũng là một cách tôn trọng và báo đáp ơn dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi người chúng ta không cần phải quá thương thân thể này một cách hoàn hảo, nhưng hãy đủ tin yêu nó như cái cách mà cha mẹ yêu thương và bảo bọc ta đến nay. Đối với cuộc sống ngoài xã hội là thế. Còn đối với chúng con, những người đang trên bước đường tu học, chúng con hiểu mình cần phải có trách nhiệm với đạo và đời.
Tình yêu thương giống như lòng bao dung
Trong những mẩu chuyện hoặc phim ảnh ghi lại cuộc đời về đức Phật, ta được nghe qua việc Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc cùng ngôi vị thái tử, xuất gia tìm đạo giải thoát cho chúng sinh. Theo đó, Ngài đã trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già. Nhưng đến khi Ngài hiểu được rằng: “Không có một trí tuệ vĩ đại nào nằm trong một thân thể yếu ớt”; đồng thời, lúc Ngài ngất xỉu và nhận được bát sữa cúng dường, Ngài hiểu được rằng: “Dây đàn căng quá thì sẽ đứt, giãn quá thì âm thanh phát ra trầm quá không hay”. Cũng từ đó, Ngài đã chọn đi theo con đường trung đạo, rằng không quá lợi dưỡng để bản thân phóng túng theo những khoái lạc của cõi trần, nhưng cũng không quá khổ hạnh để không đủ sức khỏe để có thể tu học và phát huy trí tuệ.
Qua đó, chúng ta thấy việc yêu thương bản thân đúng cách cũng là một cách cần thiết. Không để những cảm xúc chế ngự và chiếm lấy, điều khiển bản thân rồi cứ phải chấp theo những mộng tưởng thường ngày, rồi xin ra oán trách, phiền não, sầu khổ, tự làm đau mình rồi đau người, tổn thương mình rồi tổn thương người. Và từ đó, bạn phải biết làm chủ cảm xúc của bản thân. Bởi thế, sư Minh Niệm có câu: “Thương mình đúng cách là đã biết cách thương người, còn thương người không đúng cách thì thực chất là ta đang thương yêu chiều chuộng bản thân mình”. Thường con người ta tổn thương, đau khổ là vì thương người và thương mình không đúng cách.
Dạy trẻ yêu thương loài vật - Hành động nhỏ, công đức lớn
Vậy bạn phải thương mình như thế nào cho phải cách? Ai cũng thường nghĩ phải sống một lối sống tích cực, nhưng thực chất, trước tiên bạn phải thay đổi lối suy nghĩ của bạn; suy nghĩ tích cực, thêm thấu hiểu và cảm thông. Rồi từ lối suy nghĩ đó, ta mới hình thành nên lối sống và hành động đúng đắn. Việc đặt mình vào người khác cũng là một cách để bạn thấu hiểu và chia sẻ, hiểu được phần nào về đối phương và những người thương xung quanh bạn, dành ra thời gian trong ngày nhất định cho bản thân. Đã có bao giờ bạn từ hỏi: “Mình là ai”, “mình thích gì?”, “mình muốn gì?”, hay là “tương lai bạn sẽ là ai, làm gì?”. Và điều quan trọng không kém trong quá trình học cách thương mình để thương người, là bạn phải hiểu được bản thân bạn trước tiên. Bản thân mình còn không hiểu được vậy thì làm sao mà hiểu người. Sư phụ chúng con có câu thơ mà con rất tâm đắc:
“Mình con không hiểu được mình
Làm sao hiểu được người mình thương yêu”.
Và trong quá trình tìm hiểu con người, chúng ta cũng không thể thiếu quá trình nhìn lại, nhìn lại bản thân, nhìn lại sự việc, nhìn lại và chấp nhận chúng. Và khi biết cách thương yêu, bạn sẽ có người chấp nhận, sẵn sàng bước tới để yêu thương con người của bạn. Khi bạn biết yêu thương bản thân bạn, thì khi đó bạn sẽ biết tự chữa lành vết thương và biết cách thương người. Hãy thương mình để thương người.
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Tu thân theo lời Phật dạy":